Hãng Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3-6 đã ký một sắc lệnh hành pháp đưa tổng cộng 59 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt, theo đó cấm các thực thể này nhận các nguồn đầu tư từ Mỹ.
Chính quyền của ông Biden đã gọi động thái trên là nhằm mở rộng phạm vi của sắc lệnh được chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra, vốn “vẫn còn thiếu sót về mặt pháp lý”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo sắc lệnh hành pháp mới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ thực thi và cập nhật "trên cơ sở luân phiên" danh sách cấm mới đối với 59 công ty Trung Quốc, theo đó cấm các hoạt động giao dịch chứng khoán công khai liên quan các thực thể trên.
Danh sách các thực thể mới của Trung Quốc bị trừng phạt cũng sẽ thay thế danh sách trước đó của Bộ Quốc phòng, các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ cho biết.
Ông Biden cho biết lệnh cấm này sẽ ngăn cản nguồn đầu tư của Mỹ vào khu phức hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc cũng như các chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự của nước này.
"Ngoài ra, tôi thấy rằng việc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc bên ngoài nước này, cũng như việc phát triển hoặc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc để tạo điều kiện cho các hoạt động áp bức hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng đặt ra các mối đe dọa bất thường" – ông Biden tuyên bố.
Theo Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 2-8.
Các công ty lớn của Trung Quốc có tên trong “danh sách đen” trước đó của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng được đưa vào danh sách cập nhật, bao gồm Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn viễn thông China Mobile, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), công ty công nghệ Hangzhou Hikvision Digital Technology, công ty Huawei Technologies và nhà sản xuất chip SMIC.
Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen” dưới thời ông Trump như Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), công ty Gowin Semiconductor Corp và Luokung Technology Corp lại không có tên trong danh sách trừng phạt mới của ông Biden.
Theo các quan chức Mỹ cấp cao, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra hướng dẫn sau về phạm vi của công nghệ giám sát, bao gồm việc các công ty Trung Quốc đang tạo điều kiện cho "việc áp bức hoặc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".
"Chúng tôi thực sự muốn đảm bảo rằng bất kỳ lệnh cấm nào trong tương lai đều phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Vì vậy, danh sách đầu tiên của chúng tôi thực sự phản ánh điều đó" - một quan chức cho biết.
Các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc sẽ có thời gian để tiến hành thoái vốn.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng trong những tháng tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm các công ty khác vào danh sách hạn chế theo sắc lệnh hành pháp mới".
Theo một quan chức Mỹ khác, việc đưa các công ty công nghệ giám sát của Trung Quốc vào danh sách đã mở rộng phạm vi so với sắc lệnh được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra năm 2020.
Động thái trên là một phần trong chuỗi các bước đi mở rộng hơn của ông Biden nhằm đối phó Trung Quốc, bao gồm củng cố các liên minh của Mỹ và thúc đẩy các khoản đầu tư lớn trong nước nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên cạnh tranh.
Trước đó, ông Kurt Campbell - điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Biden – hồi tháng 5 cho biết thời kỳ gắn bó với Trung Quốc đã kết thúc và mô hình thống trị trong quan hệ song phương trong tương lai sẽ là một cuộc cạnh tranh.