Nhiều doanh nghiệp (DN) đánh giá Covid-19 là cơ hội đặc biệt để khai phá khả năng chịu đựng, ứng phó lẫn sáng tạo của giới doanh nhân, DN nhằm vượt qua những giới hạn cũ, tồn tại trong hoàn cảnh mới. Không ít sản phẩm "ăn theo" mùa dịch đã ra đời cũng như không ít phương thức kinh doanh mới được kích hoạt, phát triển mạnh để thích ứng với điều kiện, nhu cầu tiêu dùng thay đổi.
Linh hoạt vượt khó
Đơn cử, trong lĩnh vực thực phẩm, các DN đã đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm chế biến có hạn sử dụng dài hơn, tiện sử dụng hơn nhằm kéo dài thời gian dự trữ, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc gặp trục trặc trong khâu vận chuyển, tiêu thụ.
Dễ thấy hơn là các DN sản xuất đã phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Now, ứng dụng Grabmart… để đưa thực phẩm tươi sống lên "chợ" mạng, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm.
"Trước khi xảy ra dịch, hầu như không nhà sản xuất thực phẩm tươi sống nào nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hay tổ chức bán hàng online vì điều kiện bảo quản, giao hàng đặc thù. Thế nhưng đến giờ, sàn nào cũng có gian hàng riêng cho các nhà sản xuất chính hãng" - tổng giám đốc một DN sản xuất trứng gia cầm uy tín tại TP HCM bày tỏ.
Theo vị này, doanh số kênh bán hàng online của công ty đã tăng 20%-300% so với đợt dịch đầu tiên và điều bất ngờ là ngày càng có nhiều khách hàng đặt mua trứng tươi qua kênh online. "Trước đây, cứ nghĩ mặt hàng trứng sẽ không bán online được vì rất khó bảo quản trong quá trình giao hàng nhưng khi bắt tay vào làm, chúng tôi liên tục cải tiến bao bì đóng gói hàng online và đến giờ, mọi việc đang rất suôn sẻ, khả quan" - tổng giám đốc này nói thêm.
Còn ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình, cho biết công ty ông đang thiếu lao động do có nhiều nhân sự cư trú ở quận Gò Vấp đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc các khu vực đang có điểm phong tỏa. Để ứng phó tình hình, một số nhà máy của công ty phải bố trí lại sản xuất từ 3 ca còn 2 ca, huy động cán bộ kỹ thuật xuống nhà máy tham gia sản xuất. Nhân viên khối văn phòng được bố trí làm việc tại nhà nhưng phải bảo đảm thường trực trên máy tính để kịp thời giải quyết công việc.
Cũng theo ông Duy, thời gian này cũng là dịp để công ty sắp xếp, bố trí lại những công việc tồn đọng mà trước đây chưa thể giải quyết được. Theo đó, những sản phẩm chưa đạt, còn ùn ứ sẽ được đội ngũ kỹ thuật kiểm tra, xử lý hoàn chỉnh. Những dây chuyền tạm ngưng sản xuất do thiếu lao động cũng được tiến hành cải tiến, thay đổi công nghệ cũng như sửa chữa lại các thiết bị đã hư hỏng mà trước đây chưa thể khắc phục để chuẩn bị cho hoạt động sắp tới khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu đan TP HCM, cho biết qua 3 đợt dịch bùng phát, DN nào cũng đầy kinh nghiệm và đã "thủ" sẵn 2-3 phương án sinh tồn. Tuy vậy, qua 1 năm chống chọi với Covid-19, sức khỏe của các DN ít nhiều bị ảnh hưởng, tiềm lực tài chính giảm sút nên khả năng chống đỡ trong những tình huống tiêu cực sẽ không cao. "Đơn cử, lúc này đơn hàng đủ bảo đảm duy trì sản xuất, DN cũng đã dự trữ nguyên phụ liệu nhưng nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ thì gây trở ngại lớn" - ông Hồng chia sẻ.
Nhiều khu vực bị phong tỏa, nhà hàng quán ăn ngừng bán tại chỗ vì dịch khiến việc kinh doanh gas gặp khó khăn.Ảnh: AN NA
Không bỏ cuộc
Dù vậy, vẫn có những DN đang loay hoay tìm cách ứng phó với đợt bùng dịch thứ 4 này. Bà Đỗ Phan Hoàng Sương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dalat Foodie Việt Nam, chuyên bán thực phẩm hữu cơ online, cho hay do cửa hàng kiêm kho của công ty đều ở quận Gò Vấp nên gặp không ít khó khăn trong hoạt động. "Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu nên không phải đóng cửa nhưng chi phí vận hành bị đội lên khá nhiều, chủ yếu là chi phí giao hàng tăng. Ngoài ra, DN vốn đã thiếu nhân sự nay còn thiếu hơn do một số nhân viên lo ngại vùng dịch không dám đi làm. Các nhân viên còn lại rất vất vả, từ nhận đơn hàng, đóng gói… chứ không chia việc như trước. Ngày đầu giãn cách, mọi người còn lúng túng nhưng giờ đã ổn định hơn. Chúng tôi cũng đã dự trù những tình huống sắp tới nếu phải tạm ngưng hoạt động thì nhân viên không nghỉ hoàn toàn mà vẫn có những chương trình nội bộ, chăm sóc khách hàng để chuẩn bị cho ngày trở lại" - bà Sương chia sẻ.
Công ty TNHH May mặc Bình Hòa cũng có nhà máy sản xuất tại quận Gò Vấp nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa có phần trở ngại. "Cực nhất là khâu giao nhận hàng. Đơn hàng không tài xế công nghệ nào nhận nên chúng tôi linh động điều nhân viên đi giao hoặc thương lượng với khách hoãn thời hạn giao. Việc nhập nguyên liệu, sản phẩm mẫu được thực hiện ngay tại các trạm kiểm soát, hơi mất thời gian nhưng vẫn bảo đảm sản xuất liên tục" - ông Phan Thanh Tuấn, phó giám đốc DN này, nói.
Trong khi đó, giám đốc một chuỗi bán lẻ gồm 7 cửa hàng gas tại TP HCM than thở đợt dịch này hệ thống của ông đã thực sự "thấm đòn". "40% khách hàng của chúng tôi là kênh dịch vụ ăn uống nhưng quán xá hoạt động cầm chừng, chỉ bán online nên tiêu thụ gas rất ít. Tiêu thụ gas trong hộ gia đình chỉ tăng nhẹ, không bù được sản lượng sụt giảm. Đợt dịch này chúng tôi có 2 cửa hàng với lượng khách đông đảo thuộc khu phong tỏa, nên không thể phục vụ được. Thường những trường hợp này nguy cơ mất khách hàng rất cao vì họ sẽ chuyển sang dùng bếp điện hoặc dùng tạm bếp gas mini" - giám đốc chuỗi gas này lo lắng.
Tuy nhiên, giám đốc chuỗi bán lẻ gas này cho rằng dịch là khó khăn chung nên vẫn phải tìm cách thích ứng chứ không bỏ cuộc. "Mục tiêu của chúng tôi là giữ khách hàng nên chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng ưu đãi cho khách hàng trong bối cảnh giá gas đầu vào tăng. Ngoài ra, các chủ cho thuê mặt bằng cũng hỗ trợ các cửa hàng trong mùa dịch bằng cách giảm tiền thuê từ 20%-40% từ 1-3 tháng" - đại diện hệ thống này cho hay.
Còn ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, cho biết nhà máy tại huyện Hóc Môn chỉ có 1/4 công nhân đến làm việc do công nhân nghe đến "giãn cách" là sợ, tự ý nghỉ. Hiện năng suất nhà máy chỉ hoạt động được khoảng 30%; hàng hóa vận chuyển từ TP HCM đi các tỉnh cũng đang bị tắc nghẽn. Đáng lo ngại nhất là hàng loạt đơn hàng bị cắt.
Có phần bị động
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho hay cộng đồng DN tại TP HCM cơ bản đều có kịch bản ứng phó với dịch nhưng nhìn chung còn bị động. Nguyên nhân là do việc giãn cách xã hội xảy ra khá đột ngột, dự trữ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của DN đa phần chỉ đủ cho kế hoạch ngắn hạn, nếu tình hình diễn tiến theo hướng xấu hơn và kéo dài thì việc giữ cho các chuỗi sản xuất/cung ứng không đứt gãy trở nên rất khó khăn.
Một số DN còn than phiền về tình hình hiện nay đã làm cho họ gặp nhiều khó khăn như phải trả lương đầy đủ 100% cho nhân viên, công nhân, chi phí mặt bằng trong khi ngành thuế liên tục yêu cầu DN phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, phải quyết toán thuế, giải trình...
Xem thêm: mth.21690431230601202-hcid-iov-gnuhc-gnos-hnim-gnog/gnud-ueit/nv.moc.dln