Trong suốt vài tháng qua, showbiz Việt đã bị bao trùm bởi không ít scandal lớn nhỏ đến từ giới nghệ sĩ . Trong đó, quảng cáo chính là một trong những vấn đề khiến netizen quan tâm và thắc mắc hơn cả. Bởi lẽ, suy cho cùng, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc nghệ sĩ quảng cáo, bởi lẽ tất cả vẫn đang được giao kèo bằng một niềm tin khá mỏng manh giữa nhãn hàng - nghệ sĩ - khán giả. Sau loạt ồn ào về quảng cáo của các nghệ sĩ, đã có nhiều sự phân tích về cách vận hành của thị trường này.
Sau loạt ồn ào, chúng tôi đã quyết định tìm đến những người trong cuộc để tìm hiểu rõ hơn về những khía cạnh của thị trường quảng cáo Việt Nam. Đó là anh Tuấn Hải - Giám đốc The A-list, một trong những công ty nổi tiếng tại Việt Nam về booking KOLs, anh Vũ Minh Phạm - Đồng sáng lập Zee Agency, cũng là một trong những agency hàng đầu trong giới, và Duy Vũ - quản lý nội dung của Advertising Việt Nam, một website chuyên về thị trường quảng cáo Việt.
Có thể những câu chuyện của họ sẽ chỉ là một góc rất nhỏ trong thị trường quảng cáo của giới showbiz nhưng có cũng sẽ giúp bạn hiểu thêm được cách vận hành của thị trường này.
Anh Vũ Phạm hiện là co-founder của ZEE - một agency quảng cáo rất nổi tiếng tại Việt Nam
Anh Tuấn Hải cũng là Giám đốc của The A-list, công ty nổi tiếng tại Việt Nam trong mảng booking KOLs
Duy Vũ - quản lý nội dung của Advertising Việt Nam
Đã đến lúc các nghệ sĩ nên thay đổi tư tưởng xem việc quảng cáo là nghề tay trái
Theo anh, nghệ sĩ Việt Nam đang lựa chọn và nhận lời quảng cáo cho các thương hiệu theo cách như thế nào?
Tuấn Hải: Thông thường, nghệ sĩ sẽ nhận được lời mời quảng cáo từ trực tiếp thương hiệu hoặc thông qua các agency. Thương hiệu/ agency sẽ cung cấp thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ, thông tin chiến dịch, công việc cụ thể (SOW). Nghệ sĩ sẽ xem xét dựa trên một số tiêu chí:
- Sự tương đồng giữa hình ảnh của nghệ sĩ và định vị của thương hiệu. Sẽ không hợp lý khi một nghệ sĩ theo đuổi phong cách thời trang xa xỉ lại quảng cáo chụp hình cho một thương hiệu thời trang đời thường.
- Sự tương đồng giữa mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ và độ lớn/ phổ biến của thương hiệu. Nghệ sĩ lớn sẽ hiếm khi quảng cáo cho các thương hiệu mới, chưa có nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm . Bởi vậy, không phải cứ có tiền là book được nghệ sĩ lớn.
- Công việc cụ thể (SOW) phù hợp. Có những nghệ sĩ/ influencer phát triển đa nền tảng, Facebook, YouTube, Instagram..., nhưng họ sẽ chọn giữ một kênh "sạch", tức là không nhận quảng cáo trên nền tảng đó. Ví dụ: Beauty blogger A không nhận quảng cáo độc quyền trên Youtube, nhưng thương hiệu lại mong muốn influencer làm một video dài 10 phút để review một sản phẩm thì chắc chắn là họ không nhận. Hoặc 1 hot mom có con chưa được đủ 1 tuổi sẽ không nhận quảng bá cho 1 sản phẩm bỉm dành cho bé từ 2-4 tuổi.
Anh Tuấn Hải chia sẻ về một số tiêu chí nghệ sĩ sẽ xem xét trước khi nhận quảng cáo
Sau khi có sự phù hợp, nghệ sĩ sẽ báo giá lại về chi phí quảng cáo cho thương hiệu/ agency. Đến bước này, nếu mức giá của nghệ sĩ nằm trong khoảng ngân sách của thương hiệu thì hai bên có thể đi đến những bước tiếp theo.
Trên thực tế, có một bộ phận các bạn mới vào nghề/ mới nổi nhận được lời mời. Nếu như chưa có định hướng hình ảnh rõ ràng, còn chịu nhiều áp lực về mặt thu nhập, các bạn sẽ rất dễ nhận tất cả lời mời mà không có chọn lọc. Việc này khá nguy hiểm cho sự phát triển lâu dài của influencer, mà bản thân thương hiệu cũng không được hưởng lợi truyền thông nhiều khi quảng cáo qua những influencer không phù hợp.
Vũ Phạm: Phần lớn các nghệ sĩ tại Việt Nam sẽ hoạt động theo 2 dạng chính: độc lập hoặc thông qua mô hình quản lý.
Với nhóm nghệ sĩ độc lập các bạn sẽ chủ động làm việc trực tiếp với nhãn hàng hoặc các công ty quảng cáo. Các nghệ sĩ sẽ tự lựa chọn nhận dự án theo tiêu chí cá nhân với quy trình làm việc đơn giản nhưng chưa chuyên nghiệp dễ nảy sinh nhiều vấn đề ngoài chuyên môn trong quá trình thực hiện dự án.
Với nhóm nghệ sĩ hoạt động theo mô hình công ty quản lý hoặc có người đại diện là quản lý (quản lý truyền thông/ hình ảnh) thông thường những người đại diện cho nghệ sĩ sẽ trực tiếp làm việc với đối tác. Điều này giúp nghệ sĩ sẽ có thời gian tập trung vào chuyên môn của mình. Người đại diện, thông thường là những người đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành sẽ hỗ trợ nghệ sĩ xử lý những phần việc liên quan tới thương hiệu và quảng cáo.
Việc các nghệ sĩ lựa chọn và nhận lời quảng cáo sẽ có sự tư vấn từ công ty quản lý/ người đại diện nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo không gây tác động tiêu cực tới định hướng hình ảnh của nghệ sĩ cũng như những dự án phi thương mại mà nghệ sĩ đang tham gia. Ở một mức độ sâu hơn, việc hợp tác với các thương hiệu dưới dạng gương mặt đại diện hay kết hợp (ra MV, tham gia vào quy trình thiết kế sản phẩm) cũng giúp nghệ sĩ phủ sóng hình ảnh của mình tốt hơn tới công chúng.
Anh Vũ Phạm là người có kinh nghiệm dày dặn cũng như khá nổi tiếng trong thị trường quảng cáo.
Duy Vũ: Tôi cũng như bao khán giả khác, vì không đủ bao quát về các cách thức nghệ sĩ và nhãn hàng tiếp cận lẫn nhau nên từ ngoài nhìn vào, cá nhân tôi cho rằng nhiều nghệ sĩ Việt hiện nay chưa thiết lập tiêu chí trong việc lựa chọn và nhận lời quảng cáo cho các thương hiệu/sản phẩm.
Điều này xuất phát từ tính chất của mối quan hệ hợp tác, nhãn hàng luôn là bên chủ động về về mọi thứ: lựa chọn, hợp tác, đo lường hiệu quả, và đẩy nhiệm vụ kết nối với khách hàng mục tiêu, thông báo các thông tin của nhãn hàng và nêu quan điểm sản phẩm cho phía cho nghệ sĩ. Mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu như sản phẩm đạt chất lượng, được phần đông khách hàng đón nhận và xác thực tính hiệu quả. Ngược lại, như mọi người đã thấy, nếu sản phẩm có vấn đề thì cả nghệ sĩ lẫn khán giả sẽ chịu tổn hại.
Tôi nghĩ đa phần những nghệ sĩ thực thụ đều có ý thức bảo vệ tên tuổi và hình ảnh của mình. Nhưng nhiều người trong số đó vẫn khá vô tư, dễ dãi, xem nhẹ việc đánh giá sản phẩm mà mình được mời hợp tác. Thay vì có một công ty quản lý với ê-kíp phụ trách các vấn đề về truyền thông, thương hiệu và pháp lý để đánh giá trọn vẹn tính chất của các quan hệ hợp tác, một số nghệ sĩ lại hoạt động độc lập, giao cho cá nhân hoặc một bên thứ 3. Tuy nhiên, họ quên mất một điều rằng việc hợp tác giữa họ và nhãn hàng không chỉ diễn ra một chiều (giữa bên "booking" và bên "nhận job") mà còn tác động trực tiếp đến khán giả, vừa là công chúng vừa là fan chân chính đã nuôi dưỡng sự nghiệp cho mình.
Do đó, đã đến lúc các nghệ sĩ nên thay đổi tư tưởng xem việc quảng cáo là nghề tay trái (dù nhận về rất nhiều tiền) mà hãy nghiêm túc nhìn nhận đây là một hoạt động chuyên nghiệp, nhằm tạo ra giá trị tốt đẹp đến khán giả tương tự các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tiêu chí của anh khi tìm kiếm một gương mặt nổi tiếng để quảng cáo cho brand là?
Tuấn Hải: Ở trong vai trò của một agency booking, khi lựa chọn các influencer/ nghệ sẽ để làm quảng cáo cho các brand, sẽ có một vài tiêu chí:
- Reach (Độ phủ): Số lượng fan/ follower trên các nền tảng MXH của họ. Thường thương hiệu sẽ có yêu cầu cụ thể là tìm những nhân vật có lượng fan là bao nhiêu, tương tác trung bình của các post hàng ngày là bao nhiêu? Đây là yếu tố đầu tiên, nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất.
- Relevant (Sự liên quan): Nói đơn giản là khi tưởng tượng bạn A quảng cáo cho sản phẩm B thì mình thấy có tương đương, không bị chệch hướng so với các nội dung sẵn có của influencer. Việc phù hợp hay không sẽ phụ thuộc vào thương hiệu cá nhân của sao/ influencer, đặc điểm nhân khẩu học của tập fan, lĩnh vực hoạt động… Đây là yếu tố cần quan sát rất kỹ. Có rất nhiều thương hiệu lựa chọn gương mặt đó bởi bạn ấy có câu chuyện phù hợp với tinh thần, câu chuyện, thông điệp của thương hiệu đang muốn nhắm đến trong giai đoạn này.
- Mức độ ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng: Điều này sẽ phụ thuộc vào việc ngôi sao hay influencer có thường xuyên tương tác, chia sẻ những thông tin hữu ích, chính xác, có tạo được niềm tin trong cộng đồng fan về một chủ đề nhất định hay không? Nếu thường ngày bạn đó ít khi tương tác với cộng đồng, rất có thể bài quảng cáo sẽ bị "xịt".
Anh Tuấn Hải và anh Vũ Phạm có những chia sẻ giống nhau về những tiêu chí khi lựa chọn influencer và nghệ sĩ để làm quảng cáo
Nhìn chung, việc lựa chọn gương mặt phù hợp phù hợp cần có kinh nghiệm nhất định, nắm được những influencer đang nhận được nhiều lời mời trên thị trường, những "ngôi sao" mới nổi tiềm năng, tiếng nói của từng nhân vật là gì, những câu chuyện hàng ngày của họ đang diễn ra như thế nào... Hiểu được điều này, khi nhận được yêu cầu từ khách hàng, mình sẽ hình dung được là thương hiệu này sẽ phù hợp với gương mặt nào, sẽ đưa vào cuộc sống của họ như thế nào để kể được những câu chuyện hay, phù hợp.
Vũ Phạm: Thông thường để lựa chọn gương mặt phù hợp cho chiến dịch quảng cáo chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống IRM (influencer marketing) nội bộ của công ty kết hợp dữ liệu được thu thập từ social để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nghệ sĩ dựa trên mô hình 3R. Mô hình 3R được tóm gọn trong 3 tiêu chí như sau.
- Đầu tiên là độ phủ (reach) hay nói cách khác là mức độ nổi tiếng của một nghệ sĩ. Chỉ số này có thể đo bằng số lượng follower/ fan của nghệ sĩ trên các nền tảng xã hội hoặc thứ hạng của họ trong ngành. Việc nghệ sĩ có độ phủ càng lớn (quen mặt trên truyền thông, có lượng fan đông đảo) sẽ giúp cho thương hiệu nâng cao khả năng tiếp cận được khách hàng mục tiêu và truyền tải mạnh mẽ thông điệp của nhãn hàng.
- Tiếp đến là tính phù hợp (relevance): chỉ tiêu này xác định mức độ liên quan giữa nghệ sĩ/ người ảnh hưởng với nhãn hàng hoặc chủ đề để tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu. Ví dụ: hình ảnh của nghệ sĩ đang theo đuổi có phù hợp với nhãn hàng hay người sử dụng sản phẩm không.
- Cuối cùng là tính cộng hưởng (resonance): chỉ tiêu đánh giá khả năng tạo ra tương tác/phản hồi từ nhóm khách hàng mục tiêu mà có thể đo lường được. Nghệ sĩ có tạo ra nhiều tương tác trên mạng xã hội hay không, có mang lại tỉ lệ chuyển đổi cao (mua hàng, sử dụng sản phẩm) về khách hàng thực tế hay không?
Duy Vũ: Việc hợp tác quảng cáo giữa nhãn hàng và nghệ sĩ có rất nhiều hình thức khác nhau, nhất là trong cảnh thị trường influencer marketing phát triển như hiện tại. Các công ty lớn luôn có những công cụ và báo cáo (từ chính công ty hoặc bên thứ 3) để đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của một influencer. Và cũng tuỳ vào chiến dịch và tính thời điểm, tiêu chí để lựa chọn influencer cũng có nhiều khác biệt về thông điệp, đối tượng tiếp nhận, kênh, các mục tiêu (truyền thông, media, marketing...)
Bản thân tôi dù có nhiều mối quan hệ với nghệ sĩ và cũng có giữ vai trò truyền thông cho vài người, tuy nhiên khi lựa chọn nghệ sĩ hợp tác tôi đều có sự cân nhắc, đánh giá và được tư vấn kỹ càng từ nhiều phía chứ không làm vì tình cảm hay lợi ích cá nhân, càng không phải vì những thuận lợi trong quá trình tiếp cận. Tất cả phải phục vụ cho mục tiêu của chiến dịch và lợi ích của khách hàng.
Khi lựa chọn nghệ sĩ để hợp tác, Duy Vũ khẳng định sẽ không đặt tình cảm hay lợi ích cá nhân lên trên mục tiêu của chiến dịch và lợi ích của khách hàng
Thị trường Influencer Marketing tại Việt Nam vẫn khá non trẻ và chưa có quy củ
Anh dựa trên những yếu tố/ tiêu chí nào để đánh giá độ tin cậy của một người nổi tiếng khi lựa chọn làm gương mặt quảng cáo?
Tuấn Hải: Thực ra có nhiều cách để đánh giá mức độ tin cậy của influencer. Nếu có điều kiện thực hiện các nghiên cứu mạng xã hội, sẽ có một số chỉ số để đánh giá độ tin cậy:
- Active users (Fan hoạt động tích cực) Một bạn có 100k follower, như chỉ có 2% fan hoạt động tích cực thì không phải một hình ảnh đáng tin cậy. Chỉ số này phải trên 70% mới là tương đối đáng tin cậy.
- Engagement Rate (chỉ số tương tác): Tương tác bao gồm tất cả các hành vi như like, share, comment, gửi tin nhắn. Tương tác càng cao, sự gắn kết càng sâu.
- Sentiment Score (Chỉ số cảm xúc): Những nội dung bạn influencer đó xây dựng nhận được những phản hồi tích cực/ tiêu cực hay trung lập. Chỉ số này khá quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thương hiệu nếu như hợp tác cùng. Có những nghệ sĩ mà chỉ số tương tác cao, nhưng chủ yếu đến từ anti-fan, thì cũng không có hiệu quả tích cực cho thương hiệu.
Đó là về mặt chỉ số đánh giá. Tuy nhiên, rõ ràng là không phải thương hiệu nào cũng có điều kiện và thời gian nghiên cứu dữ liệu để cho ra được những số liệu cụ thể. Trong trường hợp đó, cũng dựa trên 3 chỉ số này, nhưng đánh giá theo cách cảm quan hơn. Bạn lướt khoảng 15-20 bài post gần nhất của influencer, đọc những tin tức - bài báo mới nhất của influencer đó là biết bạn đó có thực chất hay không, có đang tạo giá trị tích cực cho cộng đồng hay không, có thường xuyên tương tác với fan hay không?
Anh Tuấn Hải cho biết không phải thương hiệu nào cũng có điều kiện và thời gian nghiên cứu dữ liệu để cho ra được những số liệu cụ thể về độ tin cậy của người nổi tiếng
Vũ Phạm: Khi làm việc với nhãn hàng chúng tôi sẽ đưa ra tư vấn dựa trên nhiều yếu tố và tiêu chí khác nhau. Cũng tương tự như việc lựa chọn người nổi tiếng ở trên, chúng tôi vẫn sử dụng dữ liệu thu thập được từ hệ thống của mình để đánh giá mức độ tin cậy, profile của nghệ sĩ.
Việc nghệ sĩ có tương tác thực trên mạng xã hội cùng với chỉ số comment tích cực ở mức độ cao là những căn cứ về mặt số liệu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn dựa vào lịch sử làm việc với nghệ sĩ từ những dự án trước cũng như sự chuyên nghiệp, tính cam kết, hỗ trợ từ đội ngũ đại diện của nghệ sĩ để đánh giá mức độ tin cậy cho các dự án tương lai.
Duy Vũ: Thị trường Influencer Marketing tại Việt Nam vẫn khá non trẻ và chưa có quy củ, ngay cả nghĩa của từ influencer (người có tầm ảnh hưởng) cũng được sử dụng tràn lan và gây bối rối với nhiều người trong nghề. Những tranh cãi về trách nhiệm của influencer trong việc truyền tải những nội dung quảng cáo thiếu lành mạnh đến người tiêu dùng gần đây thật sự cần thiết để các bên nghiêm túc nhìn lại vai trò của mình.
Anh đánh giá thế nào về sự bùng nổ của thị trường quảng cáo KOL/ Influencer của Việt Nam hiện tại?
Vũ Phạm: Thị trường quảng cáo KOL/influencer đang trong đà tăng trưởng và chúng tôi dự đoán đây vẫn là xu thế chính trong những năm tới. Một phần do tác động của Covid-19 dẫn đến quảng cáo online phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử. Việt Nam lại là nước kiểm soát dịch bệnh tốt nên đang là thị trường ưu tiên của các công ty đa quốc gia & các tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên vì phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn nên gần đây cũng nảy sinh một số vấn đề nghiêm trọng như xuất hiện những quảng cáo sai sự thật đặc biệt là những sản phẩm liên quan tới sức khoẻ, quảng cáo sản phẩm/ dịch vụ độc hại... Một số quảng cáo phản cảm cũng gây khó chịu cho người tiêu dùng.
Tương lai tôi nghĩ rằng các nhãn hàng sẽ có sự tính toán kĩ lưỡng hơn để lựa chọn KOL/ influencer trong 1 chiến dịch quảng cáo để mang lại hiệu quả chuyển đổi đồng thời những công cụ cũng sẽ được tận dụng để mang lại trải nghiệm quảng cáo thú vị hơn cho người dùng.
Duy Vũ: Cần trang bị một số kiến thức trong cách tiếp nhận thông tin từ người nổi tiếng, ngay cả việc theo dõi hay tương tác đơn thuần. Điều này không chỉ củng cố khả năng đánh giá sản phẩm nội dung của influencer, mà còn giúp chúng ta sở hữu nhiều quyền lực hơn trong việc tạo ra hiệu quả cho các kênh của người nổi tiếng.
Anh Duy Vũ cho rằng chúng ta cần trang bị một số kiến thức trong cách tiếp nhận thông tin từ người nổi tiếng
Những người làm truyền thông phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn kênh thông tin và nội dung được truyền tải
Người dùng cần làm gì để có thể tự đánh giá chất lượng thật của các sản phẩm do người nổi tiếng quảng cáo?
Tuấn Hải: Quảng cáo qua người nổi tiếng thì vẫn là quảng cáo. Mà đã là quảng cáo thì thương hiệu sẽ muốn thể hiện những cái hay, cái đẹp của sản phẩm. Người nổi tiếng ngày càng can thiệp nhiều hơn vào quá trình kích cầu tiêu dùng. Điều này không có gì là sai.
Bản thân người tiêu dùng là người trực tiếp chi tiêu, trực tiếp chi tiền, thì cần tự có những nghiên cứu về thông tin sản phẩm trên nhiều kênh khác nhau để có cái nhìn khác quan nhất. Không có kênh thông tin nào là đáng tin 100% trên MXH. Nên bản thân người tiêu dùng cũng phải là người tiêu dùng thông thái và có bộ lọc thông tin cơ bản cho mình khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào.
Vũ Phạm: Đối với người tiêu dùng chúng ta cần xây dựng màng lọc thông tin nhất định, đặc biệt là với các bài đăng trên mạng xã hội. Bên cạnh những chia sẻ của người nổi tiếng, chúng ta cần tìm kiếm thêm những nguồn thông tin uy tín để lựa chọn được những sản phẩm tốt và phù hợp nhu cầu.
Duy Vũ: Không phải agency nào cũng có chức năng kiểm chứng sự trung thực trong các quảng cáo của nghệ sĩ, vì đôi khi agency cũng bị lừa. Tuy nhiên, nghệ sĩ khi làm việc với agency cần hiểu rõ chức năng của đơn vị ấy như booking, sản xuất, sáng tạo hay làm chiến lược để từ đó đưa ra đánh giá toàn diện và đàm phán về tính chất hợp tác. Nhưng theo tôi, tốt nhất là vẫn nên có luật sư đồng hành.
Anh có nghĩ agency cũng cần là đơn vị có phần trách nhiệm trong việc kiểm chứng sự trung thực trong các quảng cáo của nghệ sĩ hay không?
Tuấn Hải: Chắc chắn chứ. Mình biết rằng những người làm truyền thông là những người định hình, truyền tải, tạo ra xu hướng trong rất nhiều lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội nên mình càng phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn kênh thông tin và nội dung được truyền tải.
Bản thân là người làm truyền thông, ai cũng muốn mang đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, lan toả những thông điệp ý nghĩa nhân văn nhất. Agency thông thường sẽ là người hiểu biết nhất về thế giới influencer, từ đó lựa chọn các bạn influencer có trách nhiệm để gợi ý cho brand. Những nội dung không trung thực sẽ ảnh hưởng lớn đến danh tiếng khách hàng, danh tiếng influencer, danh tiếng của chính agency. Mà người tiêu dùng chắc chắn đủ thông minh, sớm muộn gì họ cũng sẽ nhận ra điều gì là thật, điều gì là lừa dối.
Vũ Phạm: Điều này tôi nghĩ là cần thiết. Khi các agency, đối tác đóng vai trò là cầu nối giữa nhãn hàng và người nổi tiếng đồng thời cũng là người đại diện cho cả 2 trong một hợp đồng thương mại thì agency cần thể hiện được trách nhiệm của mình bằng việc hiểu và đưa ra những thông tin đúng về sản phẩm được quảng cáo. Điều này không chỉ thuộc về phạm trù đạo đức kinh doanh mà nó còn thể hiện tính chuyên nghiệp và chuyên môn của agency quảng cáo bởi vì nguyên tắc cơ bản của ngành mà chúng tôi luôn tin tưởng đó là cần "làm đúng" trước khi "làm tốt", việc "làm đúng" cần được thực hiện ngay từ quá trình sáng tạo ý tưởng cho chiến dịch. Một agency chuyên nghiệp và có tên tuổi cũng sẽ biết cách tư vấn khách hàng, nghệ sĩ để làm đúng, đồng thời cũng giúp họ thêm tự tin để đặt trọn sự tin tưởng khi cộng tác trong các chiến dịch quảng cáo.
Ảnh: Sưu tầm
MIU MIU
TRÍ THỨC TRẺ