Trước những khó khăn về tài chính, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông báo kế hoạch triển khai đấu giá 11 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2004 và 2007 – 2008.
Trước đó tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương bán 9 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007 – 2008. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến ngành hàng không, đội bay của Vietnam Airlines hiện đang dư thừa.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa đã khiến cho các công ty hàng không suy kiệt dòng tiền. Bản thân Vietnam Airlines đã báo lỗ lớn trong cả năm 2020 và quý đầu năm 2021.
Ngoài 6 tàu bay A321CEO kế hoạch bán năm 2020, Vietnam Airlines đã đẩy sớm chương trình bán 3 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2008 lên giai đoạn 2020 – 2021 (kế hoạch ban đầu là vào 2023 – 2024).
Việc bán các tàu bay có tuổi thọ 12 – 13 năm được cho biết là nằm trong định hướng đổi mới đội tàu bay của Vietnam Airlines. Các tàu bay trong kế hoạch bán là các tàu bay đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của công ty.
Các hãng hàng không thu được bao tiền nhờ việc bán và cho thuê máy bay?
Vào cuối năm 2020, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng cho biết sẽ nhận được 86,6 triệu USD thông qua các thương vụ bán và cho thuê lại 4-5 máy bay. Báo cáo của SSI cho biết số tiền nhận được có thể giúp giảm bớt một số tổn thất cho Vietjet khi hãng này đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19 do các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế.
Trong khi đó, mới đây Singapore Airlines cũng đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD từ việc bán và cho thuê lại 11 chiếc máy bay thân rộng của mình. Hãng này đã phải vật lộn với thanh khoản trong thời kỳ đại dịch và sẽ sử dụng khoản tiền để giúp hãng điều hướng nhu cầu thấp đang diễn ra.
Hãng hàng không này đã hoàn tất việc bán và cho thuê lại 7 chiếc Airbus A350-900 và 4 chiếc Boeing 787-10. Được biết, bốn bên đã tham gia vào quá trình này và hãng hàng không đã huy động được 2 tỷ SGD (1,5 tỷ USD).
Delta Air Lines của Mỹ đã tham gia vào một giao dịch bán và cho thuê lại để thu được 1 tỷ USD tiền mặt. Hãng hàng không đã ký hai thỏa thuận SLB riêng biệt với BBAM Aircraft Leasing & Management và Altavair AirFinance, lần lượt huy động được 750 triệu USD và 250 triệu USD.
Vào tháng 8/2020, easyJet báo cáo rằng họ đã kiếm được 266 triệu USD tiền mặt thông qua một thỏa thuận với Bocomm Leasing. Tổng cộng, easyJet cho đến nay đã huy động được 804 triệu USD thông qua các giao dịch SLB, chủ yếu thông qua đội bay A320.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Cathay Pacific cũng đã huy động được khoảng 704 triệu USD trong một giao dịch bán và cho thuê lại 6 máy bay Boeing 777-300ER với BOC Aviation.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã đưa ra dự báo rằng lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến trong năm nay, vì các biến thể mới của virus.
Theo ước tính mới nhất của IATA, lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2021 sẽ tương đương 33-38% mức ghi nhận vào năm 2019. Dự báo trên thấp hơn hẳn con số 51% được đưa ra trước đó.
IATA kỳ vọng ngành hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, khi nhiều người dân được tiêm chủng hơn và các chính phủ giảm bớt những hạn chế đi lại.
Trong khi đó, các hãng hàng không sẽ tiếp tục cạn kiệt nguồn tiền dự trữ. IATA nhận định các hãng sẽ vẫn thiếu tiền mặt hoặc chi tiêu nhiều hơn số tiền họ thu được trong suốt năm 2021.
IATA cũng điều chỉnh các ước tính về mức "đốt" tiền trong năm 2021 của các hãng bay từ 48 tỷ USD lên 75-95 tỷ USD. Mặc dù các hãng đã cắt giảm chi phí và một số được hưởng lợi từ việc đón khách trên các tuyến nội địa, nhưng lĩnh vực này khó có thể đạt lợi nhuận trước năm 2022.
Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac nói thêm rằng việc bỏ ra thêm hàng chục hay trăm triệu USD không phải là điều mà ngành công nghiệp sẽ có thể chịu được nếu không có thêm hỗ trợ từ các chính phủ. IATA lưu ý doanh thu của các hãng hàng không trên toàn cầu ước tính đã thiệt hại khoảng 510 tỷ USD vào năm 2020, trong khi chỉ nhận được 160 tỷ USD viện trợ.
Thanh Trần
Nhà Đầu Tư