Để tạo ‘hành lang đạo đức kinh doanh’
LS. Trần Đình Dũng(*)
(KTSG Online) - Vừa qua, một doanh nghiệp đăng ký thành lập đã cam kết số vốn lên đến 500.000 tỉ đồng - một con số “khủng” đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, vượt xa các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhiều người nghi ngại doanh nghiệp này thực sự có số tiền lớn đến khó tin như vậy hay không.
Hiện nay, đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trong nước, muốn ghi vốn bao nhiêu vào hồ sơ là tùy thích, trừ trường hợp đặc biệt như thành lập ngân hàng. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chặt chẽ nghĩa vụ góp vốn của doanh nhân sau khi ghi vốn vào hồ sơ thành lập.
Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp quy định: “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại”.
Như vậy, trong thời hạn 90 ngày, người đăng ký kinh doanh phải góp đủ số tiền ghi vốn vào doanh nghiệp.
Luật cũng chế tài đối với nghĩa vụ buộc doanh nhân phải góp, nhưng chỉ để bảo đảm quyền lợi giữa các thành viên góp vốn với nhau chứ không chế tài để doanh nhân có nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội trong việc góp vốn.
Theo đó, sau thời hạn 90 ngày mà chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn thì được xử lý như sau: thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty; thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên (Điều 47 Luật Doanh nghiệp).
Trong thực tế, nhiều trường hợp thành viên góp vốn là người trong gia đình, là thân hữu với nhau, nhiều trường hợp nhờ đứng vào cho có, thành viên của doanh nghiệp một thành viên. Thế nên, khi không nộp vốn vào như ghi vốn trong giấy đăng ký kinh doanh, ít ai bị phản ánh lên cơ quan nhà nước. Trong khi, luật pháp không có chế định kiểm tra, xác minh việc góp vốn từ cơ quan nhà nước. Đó là lý do doanh nhân ghi vốn vô thưởng vô phạt. Người có ít tiền ghi lên cho nhiều, thậm chí không có tiền thuê trụ sở cũng ghi vào giấy đăng ký số vốn cả trăm tỉ đồng.
Việc kiểm tra, xác minh thực tế góp vốn của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp không được quy định để thực hiện, có lẽ xuất phát từ quan điểm sợ gây phiền hà cho doanh nhân. Nhưng, khi chúng ta nhìn từ hướng ngược lại, để doanh nhân tùy thích ghi vốn mà không có tài sản thực góp thì rõ ràng đã tạo ra một con số đầu tư bong bóng, đầu tư ảo. Vị trí của doanh nghiệp trong xã hội ở đâu thường là được mọi người nhìn vào quy mô vốn, cho nên vốn ảo sẽ trở thành một kiểu “lừa dối uy tín”. Điều này làm cho người tiêu dùng, các đối tác làm ăn bị nhầm lẫn về uy tín doanh nghiệp đó, gây ra biết bao hệ luỵ cho xã hội.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng doanh nghiệp đăng ký ôm dự án, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, huy động tiền từ nhiều người, nhưng khi bị cơ quan chức năng làm rõ thì doanh nghiệp chẳng có vốn liếng gì đáng kể so với vốn ghi hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng trong giấy đăng ký kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp không có thực lực, chỉ có trên giấy, nhưng lao vào kinh doanh, đẩy nhiều người lâm cảnh bể nợ theo doanh nghiệp. Bản thân các doanh nhân ghi khống vốn, không ít người lâm cảnh tù tội.
Về vấn đề này, Chính phủ cần sớm có chế tài để các cơ quan quản lý kiểm tra đối với doanh nghiệp về góp vốn ở một cấp độ nào đó. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp đăng ký thành lập mà ghi vốn từ 20 tỉ đồng trở lên thì phải kiểm tra, buộc chứng minh việc góp vốn. Có như thế mới tạo được sự trung thực đối với doanh nhân.
Sự trung thực về thực lực doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp đối tác và đối với người tiêu dùng là rất quan trọng. Đó chính là điểm lớn nhất của đạo đức kinh doanh. Nếu không có chế định chứng minh vốn góp doanh nghiệp thì khó có được “hành lang đạo đức kinh doanh”.
-------
(*) Đoàn luật sư TPHCM
Xem thêm: lmth.hnaod-hnik-cud-oad-gnal-hnah-oat-ed/530713/nv.semitnogiaseht.www