Xem xét phê duyệt dự án BOT nhiệt điện được đưa vào quy hoạch từ 2010
Lan Nhi
(KTSG Online) - Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I (gọi tắt là Sơn Mỹ I) được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại Quy hoạch điện VI (2010). Nay sau 11 năm, khi Quy hoạch điện VII đang chờ phê duyệt, cơ quan quản lý ngành đang lấy ý kiến về Hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) của dự án.
Dự án điện khí Sơn Mỹ I (tỉnh Bình Thuận) tại thời điểm tháng 3-2021. Ảnh: thaibinhduong.vn |
Hôm 2-6, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ ngành có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam đề nghị cho ý kiến về Hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) của Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I của Tổ hợp nhà thầu EDF-Kyushu-Sojitz-Pacific trước khi Bộ Công Thương phê duyệt.
Sở dĩ liên danh nhà thầu này phải làm lại hồ sơ dự án sau 11 năm vì từ đầu năm 2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực, trong đó yêu cầu hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) phải có quyết định chủ trương đầu tư của dự án.
Dự án Sơn Mỹ I đã trải qua một giai đoạn chuẩn bị rất dài, nhiều quy định của pháp luật thay đổi. Do đó để phù hợp với quy định hiện hành, Bộ Công Thương đã yêu cầu tổ hợp nhà thầu lập lại báo cáo PreFS để trình bộ phê duyệt lại chủ trương đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết.
Quá trình đầu tư vào các dự án điện BOT tại Việt Nam khá gian nan nên suốt từ năm 2010 đến nay, BOT Sơn Mỹ I đã trải qua nhiều thay đổi về đối tác trong tổ hợp nhà thầu cũng như địa điểm, nguồn nguyên liệu đầu vào cho dự án…
Theo phê duyệt ban đầu năm 2010, dự án được đưa vào Quy hoạch điện VI, sử dụng nhiên liệu than với tiến độ đưa vào vận hành từ năm 2012-2015. Vị trí đặt tại Trung tâm điện lực Sơn Mỹ, KCN Sơn Mỹ I (Hàm Tân, Bình Thuận).
Tháng 3-2010, dự án được giao cho tổ hợp nhà thầu Power PLC ( Anh), Sojitz (Nhật Bản), CTCP tập đoàn Thái Bình Dương Việt Nam (Pacific) là chủ đầu tư. Sau đó một năm, dự án được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tiến độ vận hành vào năm 2018-2019.
Nhưng đến năm 2013, khi Thủ tướng thông qua chủ trương phát triển chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Sơn Mỹ, Bộ Công Thương đã phê duyệt tổng thể phát triển chuỗi các dự án khí - điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng tại Sơn Mỹ và như vậy, tại đây không còn chỗ cho các dự án nhiệt điện than.
Tháng 10-2013, nhà thầu Power PLC (Anh) rút lui và nhà thầu Tập đoàn EDF (Pháp) thế chỗ. Đến năm 2018, Bộ Công Thương và tổ hợp nhà thầu mới ký kr61t biên bản ghi nhớ phát triển dự án và tổ hợp nhà đầu tư hiện nay được bộ giao thực hiện điều chỉnh Tổng mặt bằng trung tâm điện lực Sơn Mỹ.
Nếu hồ sơ PreFS của dự án được thông qua thì tại Sơn Mỹ I theo kế hoạch sẽ có một dự án điện quy mô công suất 2250MW, gồm 3 tổ máy công suất 750MW cho mỗi tổ máy.
Tổng mức đầu tư tại thời điểm hiện nay là 47,46 ngàn tỉ đồng (trong trường hợp không đầu tư phân phối điện) hoặc 48,45 ngàn tỉ đồng (nếu đầu tư cả hệ thống phân phối). Giá điện sẽ là 9,76 xu (cent) Mỹ/kWh và nếu đầu tư hệ thống phân phối thì giá cao hơn, là 9,80 cent Mỹ/kWh (chưa có thuế GTGT). Dự kiến đến 2028, dự án điện khí này mới có thể đi vào vận hành nếu được phê duyệt ngay từ cuối năm nay.