Án mạng trong ngày nghỉ
Trưa 30/4, nhiều giờ sau khi "hạ gục" 2 người bằng khẩu K59, Cao Trọng Phú (SN 1962) được dẫn giải ra khỏi căn biệt thự của mình tại xã Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An), đưa về trụ sở công an. Phú không bị còng tay, bước đi trong sự kiểm soát của lực lượng công an được bố trí nhiều lớp.
Ít ai biết rằng, thời điểm đó, có một người cũng bước ra khỏi cánh cổng căn biệt thự màu trắng, rẽ theo hướng khác, lặng lẽ lên chiếc ô tô màu đen rời khỏi hiện trường. Đó là Đại tá Phạm Hoài Nam - người trực tiếp thương thuyết, vận động Phú bỏ súng đầu hàng.
"Chiến công này không phải của riêng tôi mà là sự phối hợp nhuần nhuyễn của cả ban chuyên án, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Ban giám đốc Công an tỉnh. Tôi chỉ là người thương thuyết thôi".
Ý định viết về cuộc chiến cân não giữa vị Đại tá công an dày dạn trận mạc và "sát thủ" Cao Trọng Phú xuất hiện ngay trong đầu tôi. Thế nhưng, suốt cả ngày hôm đó và nhiều ngày sau, tôi không thể liên lạc với ông, dù trước đó, đã quen biết qua nhiều lần liên hệ công việc. Tôi hiểu, ông không muốn báo chí viết về mình, như bao vụ án trước đây, khi ông là Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An.
Cuối cùng, thông qua nhiều "kênh" tôi cũng gặp được ông. "Chiến công này không phải của riêng tôi mà là sự phối hợp nhuần nhuyễn của cả ban chuyên án, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Ban giám đốc Công an tỉnh. Tôi chỉ là người thương thuyết thôi", Đại tá Nam nói.
Sau khi hạ gục 2 đối thủ bằng khẩu súng K59, Cao Trọng Phú đóng cổng cố thủ trong nhà. Công an TP Vinh, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị nghiệp vụ ngay lập tức có mặt, bao vây, phong tỏa hiện trường.
Hiện trường vụ án là một ngôi biệt thự rộng, được xây tường rào kiên cố. Các phương án bắt giữ đối tượng được lên kế hoạch kỹ lưỡng, bao gồm cả việc "đột kích" vào biệt thự. "Nếu không thực sự cần thiết, không được nổ súng tiêu diệt đối tượng. Tập trung tuyên truyền vận động, thuyết phục Cao Trọng Phú đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật", chỉ thị từ Ban giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo phá án tại hiện trường được đưa ra.
Các đơn vị vào vị trí thực hiện nhiệm vụ. Xe đặc chủng, lính đặc nhiệm và cảnh khuyển lần lượt bổ sung cho lực lượng phá án. Người thân và những người Phú tin tưởng nhất cũng được mời đến, tham gia thuyết phục tên sát thủ này đầu thú. Nhiều giờ trôi qua, đáp lại là sự im lặng đến đáng sợ của Phú trong căn biệt thự màu trắng.
Những giờ "căng não" trong căn biệt thự màu trắng
Mặt trời lên cao, cái nắng như thiêu đốt khiến không khí trở nên đặc quánh, ngột ngạt hơn. Sự căng thẳng thấy rõ trên từng khuôn mặt của các đồng chí chỉ huy Ban chuyên án.
"Hay các anh để tôi vào thuyết phục Cao Trọng Phú", Đại tá Phạm Hoài Nam đề xuất. Ông vừa rời vị trí Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự được hơn 1 tháng, hiện là Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An. Đôi mày của Đại tá Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẽ nhíu lại, Đại tá Nam quả quyết: "Các anh cứ tin tôi!".
Đại tá Tùng nhìn thấy rõ sự quả quyết trong đôi mắt người được mệnh danh "khắc tinh" của tội phạm hình sự tỉnh Nghệ An. Kế hoạch yểm hộ và đảm bảo an toàn cho "người thương thuyết" được gấp rút xây dựng cho từng tình huống cụ thể. "Anh cẩn trọng nhé!", Đại tá Phạm Thế Tùng nắm chặt tay người đồng đội. Đại tá Nam gật đầu, bình thản bước vào cuộc chiến với tên sát thủ trong sự lo lắng và tin tưởng của các đồng chí, đồng đội.
"Lúc đó anh chắc thắng bao nhiêu phần trăm? Với một kẻ trong chốc lát đã tước đoạt 2 mạng sống, có nhất thiết phải mạo hiểm vậy không?" - tôi hỏi. Vị Đại tá mới hơn 50 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng trầm ngâm: "Sinh mạng nào cũng đáng quý, khi chưa bắt buộc, tôi nghĩ không nhất thiết phải tiêu diệt đối tượng. Pháp luật nghiêm minh mà công bằng, ai có tội sẽ bị trừng trị thích đáng. Tôi chưa từng gặp Phú, cũng không quen biết, chưa có nhiều thông tin về đối tượng vì Phú có thời gian dài sống ở nước ngoài rồi định cư ở TP Hồ Chí Minh, mới chuyển về Nghệ An được ít lâu. Trong thời gian về quê, gã sống khép kín, chưa có điều tiếng hay bằng chứng nào cho thấy dính dáng đến hoạt động tội phạm. Khi bước qua cánh cổng để vào căn biệt thự, tôi chỉ chắc thắng 40% thôi".
"Nhưng anh quyết định vào đối mặt với hiểm nguy dù không còn là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự?" - tôi hỏi tiếp.
"Việc đấu tranh với tội phạm là nhiệm vụ chung của cả tập thể lực lượng công an tỉnh, trong đó có trách nhiệm của cá nhân tôi. Tôi tin các đồng chí khác trong hoàn cảnh này đều sẽ lựa chọn đối mặt với nguy hiểm nhưng tôi may mắn hơn là được các đồng chí trong Ban giám đốc, ban chuyên án tin tưởng, đồng ý để vào thuyết phục đối tượng. Không phải vì tôi giỏi hơn các anh em khác. Về chuyên môn nghiệp vụ, chắc chắn họ không thua kém gì tôi, thậm chí là hơn tôi. Nhưng tôi có kinh nghiệm và lòng tin có thể thuyết phục được Phú", Đại tá Phạm Hoài Nam chia sẻ.
Dường như cái uy và danh tiếng của "Nam đầu bạc" trở thành "vật đảm bảo" đối với Cao Trọng Phú. Đại tá Nam lách qua cánh cổng mở chỉ đủ một người đi, bước qua khoảng sân rộng rồi biến mất sau cánh cửa của căn biệt thự. Bên ngoài, những khuôn mặt đồng đội căng thẳng, lo lắng chờ đợi. Sự căng thẳng khiến thời gian như trôi qua nặng nề trong cái nắng đầu hè chói chang.
Trong câu chuyện của mình, ông luôn nhấn mạnh đây là trí tuệ chung của cả tập thể, của các đồng chí trong Ban giám đốc trong xây dựng kịch bản thuyết phục đối tượng, còn mình chỉ là một nhân tố nhỏ, góp vào thành công chung của chuyên án. Hơn nữa, ông biết rằng không hề đơn độc dù một mình vào đối mặt với đối tượng nguy hiểm đặc biệt này.
Bên trong căn biệt thự là cuộc trò chuyện của hai người đàn ông mà nội dung theo Đại tá Nam là "không tiện tiết lộ" nhưng không khí dần cởi mở hơn. Bằng con mắt nhà nghề, ông biết thời khắc nào đối tượng dao động tâm lý để "ra đòn" quyết định. "Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất của một cuộc thương thuyết là phải để cho đối tượng thấy được mình hoàn toàn thiện chí. Muốn vậy, mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, thậm chí là độ cao thấp của giọng nói phải thực sự tạo được sự tin cậy. Mỗi câu chuyện đều phải được tính toán kỹ lưỡng và quan trọng là phải có thông điệp rõ ràng để thu phục đối tượng", vị Đại tá chia sẻ về "nghệ thuật thương thuyết" của mình.
Ở trong đó bao nhiêu lâu, vào thời điểm đó, Đại tá Nam không nhớ nữa, chỉ biết "lưng đã bắt đầu tê cứng" vì ngồi quá lâu. Khi Cao Trọng Phú lấy khẩu súng đưa cho mình, ông hiểu, "trận chiến" đã đi đến hồi kết. Kiểm tra kỹ khẩu súng để đảm bảo an toàn, Đại tá Nam đặt xuống nền nhà, ngay cạnh chân phải của mình. Tin nhắn của ban chuyên án dồn dập gửi đến. Bằng một động tác kín đáo, Đại tá Nam chụp bức ảnh khẩu súng, gửi ra ngoài. Lúc này, khuôn mặt của các đồng chí trong ban chuyên án mới có thể giãn ra, nỗi lo cũng vơi đi một phần.
Cao Trọng Phú xin đi tắm, pha mì tôm ăn và thực hiện một số việc cá nhân. Khi tĩnh tâm hơn, Phú đưa đôi bàn tay vừa siết cò khẩu súng, tước đoạt hai sinh mạng đưa ra, sẵn sàng bỏ vào còng, chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật. Nhìn thẳng vào đôi mắt của Phú, Đại tá Nam gật đầu "tôi tin anh". Và không có chiếc còng nào bập vào cổ tay Phú!.
Đúng 13h30 ngày 30/4, cánh cửa biệt thự bật mở, Cao Trọng Phú và Đại tá Phạm Hoài Nam bước ra ngoài.
Ban chuyên án đưa Phú ra xe đặc chủng, đi thẳng về cơ quan Cảnh sát điều tra. Mặt trời đã chếch hẳn về hướng Tây, lúc này họ mới chợt nhận ra bữa trưa đã qua từ lâu...
"Nếu có tình huống tương tự, tôi vẫn xung phong vào"!
Xong nhiệm vụ của mình, Đại tá Nam lên xe về nhà, lặng lẽ như tính cách vốn có của ông. Kỳ nghỉ hiếm hoi cả gia đình mới có dịp quây quần suýt chút nữa đã bị phá vỡ. Lúc này vợ của ông vẫn chưa biết chuyện chồng mình vừa trải qua một cuộc chiến cân não với tên tội phạm hết sức manh động và liều lĩnh. Đến chiều, khi báo chí rầm rộ đưa tin, vợ ông mới thảng thốt: "Răng ba liều rứa?. Lỡ ba mệnh hệ gì, mẹ con em biết sống thế nào?".
Bà trách chồng, đôi mắt ngân ngấn nước. Thực ra, là vợ của lính hình sự, lại là chỉ huy của đơn vị chủ công trong phòng chống, đấu tranh với tội phạm, bà quá hiểu chồng mình.
"Làm sao là làm sao được. Chả phải ba đang đứng trước mặt mẹ, lành lặn, khỏe mạnh đây thôi", ông cười xòa như thể để ngăn những giọt nước mắt sắp trào ra từ đôi mắt lo lắng của vợ. Nói vậy nhưng lúc này ông mới giật mình, nhỡ có mệnh hệ gì thì vợ con biết sống thế nào? Điều ấy lúc vào đánh án ông ít khi nghĩ tới.
"Mình đánh án, lo cho sự an toàn của anh em, cho sự thành công của chuyên án thì ở nhà, bà ấy cũng lo không ngủ được". Ông chợt cay khóe mắt khi nhận ra dường như bao lâu nay đã vô tâm với nỗi lo lắng của vợ.
"Nếu có vụ việc tương tự anh có xung phong vào nữa không?" - tôi hỏi. Đôi mắt ông đầy cương quyết: "Chắc chắn rồi. Dù đi đâu, làm gì thì tôi vẫn là lính hình sự. Bà ấy lo thì lo thế thôi chứ ai làm vợ lính đều sẽ hiểu và thông cảm với những hiểm nguy thường trực của chồng mình".
Hoàng Lam