Theo các chuyên gia, giá lương thực thế giới tăng cao sẽ tạo cơ hội tích cực, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu lương thực của Việt Nam, cần tận dụng cơ hội.
Giá nhóm hàng lương thực tăng mạnh
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) vừa cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5.2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Theo báo cáo, chỉ số giá lương thực của FAO đứng ở mức 127,1 điểm trong tháng 5.2021, thấp hơn 7,6% so với mức đỉnh hồi tháng 2.2011. Chỉ số này đã tăng 12 tháng liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 9.2011, do giá dầu thực vật, đường và ngũ cốc tăng cao.
Trong tháng 5, chỉ số giá ngũ cốc tăng 6% so với tháng 4 và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dẫn đầu là giá ngô, hiện cao hơn 89,9% so với đầu năm 2021.
Chỉ số giá dầu thực vật đã tăng 7,8% trong tháng 5.2021, chủ yếu do báo giá đối với các mặt hàng dầu cọ, đậu nành và hạt cải dầu tăng.
Chỉ số giá đường trong tháng 5 tăng 6,8% so với tháng 4; chỉ số giá thịt tăng 2,2% so với tháng trước khi báo giá tất cả loại thịt tăng do nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia Đông Á.
Chỉ số giá dầu thực vật đã tăng 7,8%; chỉ số giá đường trong tháng 5 tăng 6,8% so với tháng 4; giá sữa cũng tăng 1,8% và tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái… ghi nhận những thay đổi hàng tháng về giá cả các mặt hàng thực phẩm thông thường, trong tháng 4.2021 ở mức trung bình 120,9 điểm, so với mức 118,5 điểm ghi nhận trong tháng 3.2021.
Tác động tích cực đến xuất khẩu
Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc giá lương thực tăng trên toàn cầu có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu gạo.
Trao đổi với PV Lao Động sáng 4.6, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - nhấn mạnh: Thông thường, giá thế giới tăng sẽ tác động “hút” gạo của các nước xuất khẩu như nước ta, nếu ta tranh thủ được nhu cầu thế giới tăng thì ta sẽ xuất khẩu được nhiều hơn.
“Mặt khác, tác động giá thế giới tăng cũng sẽ kéo giá trong nước tăng sẽ có lợi cho người trồng lúa. Tuy nhiên, đòi hỏi phải điều hoà cung cầu hợp lý, tránh để xảy ra giá tăng đột biến gây bất lợi cho người tiêu dùng lương thực và kiểm soát lạm phát” - TS Nguyễn Tiến Thỏa nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng: "Năm nay khí hậu thời tiết ở nhiều quốc gia không thuận lợi cho phát triển cây trồng, do dịch COVID-19 nên việc chăm bón cũng không được như mọi năm. Lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia cũng đẩy giá hàng nông sản, thực phẩm tăng giá, người dân nhiều nước cũng tăng tích trữ để phòng dịch. Vì vậy, giá nông sản, thực phẩm tăng trên thế giới. Ở mặt tích cực, đây là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu".
Một số chuyên gia kinh tế cũng phân tích rằng, giá một số mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm tăng, nhưng cơ bản nhất là lúa gạo hầu như không tăng giá.
“Cần phải xem 4 mặt hàng đó (ngô, đường, sữa, dầu thực vật - PV) tăng giá có tác động được đến giá gạo không? Rõ ràng là nguồn tin Reuters đưa tin giá gạo giảm” - doanh nhân Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, nêu ý kiến.
Doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cũng nhấn mạnh: "Giá gạo tăng hay giảm trên thế giới hay ở trong nước đều không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Trên thực tế, hàng mấy chục năm nay, kể cả những năm “sốt” gạo, Việt Nam vẫn luôn dư thừa gạo để xuất khẩu nên nếu giá gạo thế giới tăng thì Việt Nam có lợi".
Xem thêm: odl.208619-uahk-taux-hnam-yad-uht-hnart-nac-man-teiv-gnat-ioig-eht-cuht-gnoul-aig/et-hnik/nv.gnodoal