Đức đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc áp dụng nguyên tắc bỏ phiếu đa số tuyệt đối vào quá trình quyết định chính sách đối ngoại sau khi Hungary nhiều lần ngăn chặn EU ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc, hãng tin Reuters cho hay.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 4-6, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức, ông Miguel Berger bất mãn trước việc Hungary nhiều lần ngăn EU ra tuyên bố chung bất lợi cho các đồng minh của Budapest.
Ông Berger cho biết Hungary "lại ngăn chặn một tuyên bố chung của EU về Hong Kong". Hồi giữa tháng 4, hai nguồn tin ngoại giao từ châu Âu tiết lộ với Reuters rằng Hungary đã ngăn EU ra tuyên bố chung chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức, ông Miguel Berger. Ảnh: HANDELSBLATT
Ông Berger còn nhắc tới việc cách đây ba tuần, Hungary đã ngăn chặn một tuyên bố chung của EU về giao tranh giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas. Trong số 27 thành viên EU, Hungary được coi là đồng minh gần gũi nhất của Israel, theo trang tin Euractiv.
Quốc vụ khanh Đức cho rằng chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU không thể đạt hiệu quả nếu còn cho phép một nước thành viên nào đó phủ quyết quan điểm của tất cả thành viên còn lại.
"Chúng ta cần một cuộc tranh luận nghiêm túc về các cách quản lý bất đồng, gồm cả cách bỏ phiếu đa số tuyệt đối" - ông Berger viết.
Chính sách an ninh và đối ngoại là một trong số các vấn đề cần đạt được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên, trong khi nhiều vấn đề khác của khối này chỉ cần nhận được sự ủng hộ đa số tuyệt đối là đã được thông qua.
Theo quy định của EU, một quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số tuyệt đối khi nội dung đó nhận được sự ủng hộ của ít nhất 55% thành viên (tức 15 trong số 27 nước EU) và đại diện cho ít nhất 65% tổng dân số EU.
Hungary là một trong những thị trường đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu và đã nhiều lần đi ngược lại số đông các nước EU trong những vấn đề gây bất lợi cho Bắc Kinh.
Việc một số ít quốc gia thành viên ngăn chặn các tuyên bố chung của EU bị coi như một đòn giáng mạnh vào uy tín của khối này, đồng thời làm nổi bật thách thức của châu Âu trong việc cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn thứ hai của EU - với các vấn đề chính trị.