Đây là đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới như S&P, Fitch, Moody's dựa trên những chỉ báo kinh tế tích cực trong các tháng đầu năm, cũng như sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Việt Nam trong ứng phó với dịch bệnh.
Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao qua dòng vốn FDI tăng bền vững, ổn định. 5 tháng qua, thu hút FDI đạt khoảng 14 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng gần 19% và vốn thực hiện tăng tới 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó là những chính sách điều hành tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tập trung vào sản xuất - kinh doanh đã kịp thời giúp khối doanh nghiệp trụ vững, đảm bảo chuỗi cung ứng cho bạn hàng nước ngoài.
Bà Sagarika Chandra - Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Fitch Ratings khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Niềm tin nhà đầu tư vào Việt Nam đang rất tốt. FDI vào Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Theo dự báo hiện tại của chúng tôi, FDI ròng sẽ ở mức 4% GDP năm 2021 và 2022. Với sự gia tăng của chu kỳ công nghệ, dòng vốn FDI ổn định và nhiều FTA, Việt Nam vẫn là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á".
Việt Nam tiếp tục giữ vững tín nhiệm quốc gia. Ảnh minh họa - VGP.
Dù có khả năng phục hồi thị trường bên ngoài, nhưng nhu cầu thị trường trong nước đang khó khăn do ảnh hưởng của biện pháp giãn cách trong đợt dịch mới đây. Thực tế cho thấy, các chỉ số thể hiện việc đi lại của người Việt Nam đã giảm xuống, khiến tăng trưởng dịch vụ bị giảm sút. Thị trường lao động còn yếu nên có khả năng ảnh hưởng đến sức mua.
"Việc triển khai tiêm chủng mở rộng là điều kiện quan trọng để mở cửa trở lại du lịch, đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động, khối doanh nghiệp và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế bền vững. Có thể thấy 1 năm qua trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn có đủ dư địa chính sách để bổ sung nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", ông Tim Evans - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định.
Các tổ chức tín nhiệm cũng lưu ý việc tốc độ tăng trưởng kinh tế cao có thể làm gia tăng lạm phát với mức dư báo lạm phát trung bình của Việt Nam năm nay là 3,8%. Tuy nhiên, trong ngắn hạn có thể cho phép lạm phát tăng để hỗ trợ nền kinh tế trước khi thực hiện các biện pháp kiểm soát thông qua phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả.
Theo các chuyên gia, để giữ vững và nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục nỗ lực để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng đến việc nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.25482800240601202-aig-couq-meihn-nit-gnah-pex-cum-gnan-coud-man-teiv/et-hnik/nv.vtv