Ngày 01/6/2021, trên trang cá nhân, Công Vinh đăng tải bài viết đính chính thông tin quảng cáo cho app cá cược. Theo đó, cựu cầu thủ khẳng định mình đang bị lợi dụng hình ảnh trái phép.
"Bên Vinh có ký hợp đồng cho phép sử dụng hình ảnh đối với ** Livestream. Bên agency cam kết đây chỉ là ứng dụng xem trực tiếp bóng đá giải trí, không hề liên quan đến trang cá cược nào… Và dù mình có cố gắng cách mấy, đôi lúc cũng không tránh khỏi thiếu sót khi có nhiều đơn vị cố tình đánh tráo thông tin nguồn gốc từ họ", trích nội dung bài viết của Công Vinh.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ pháp lý như sau:
Thứ nhất, căn cứ khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, nghiêm cấm việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Do đó, đối với hành vi quảng cáo cho app cá cược là vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, cần phải xem xét nội dung của hợp đồng giữa Công Vinh với bên cung cấp ứng dụng. Nếu hợp đồng rõ ràng, chi tiết, và Công Vinh biết hoặc thuộc trường hợp buộc phải biết việc quảng cáo của mình là liên quan đến cá cược thì Công Vinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể như sau:
(i) Căn cứ khoản 3 Điều 4 và điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
(ii) Nếu cơ quan công an xác định Công Vinh có hành vi thông đồng, hợp tác với bên cung cấp ứng dụng để quảng cáo app cá cược nhằm ‘ăn chia’ khoản thu lợi bất chính thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý, nếu nội dung hợp đồng giữa Công Vinh với bên cung cấp ứng dụng thể hiện chỉ là quảng cáo một sản phẩm bình thường (đúng quy định pháp luật) nhưng sau đó bên cung cấp ứng dụng đã tự ý lấy hình ảnh của Công Vinh để quảng cáo cho app cá cược thì Công Vinh không bị coi là có lỗi. Trong trường hợp này, Công Vinh có thể khởi kiện bên cung cấp ứng dụng ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
NHƯ THIÊN
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC
Xem thêm: nhc.11140857050601202-oan-eht-uhn-tahp-ux-ib-es-couc-ac-ppa-oac-gnauq-hniv-gnoc/nv.zibefac