Khoản đóng góp của doanh nghiệp cho quỹ vaccine được trừ khi tính thuế TNDN
Đào Loan - Vân Phong
(KTSG Online) - Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khoản chi phí mà các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 sẽ được trừ thuế thuế thu nhập doanh nghiệp. Quỹ vaccine có thể gửi vốn nhàn rỗi bằng tiền đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại với kỳ hạn tối đa không quá 3 tháng.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Theo thông tư số 41/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng Covid-19, quỹ được vận động và tiếp nhận các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine cùng các loại hình vật chất khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Các loại hình vật chất này không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch.
Khoản tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Quỹ được sử dụng các nguồn tài chính của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân theo nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Y tế.
Sáng ngày 5-6, Bộ Y tế công bố thêm 75 ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong nước. Trong đó, Bắc Giang có thêm 45 nhiễm, Bắc Ninh thêm 19, TPHCM thêm 10 và Hà Nam 1 ca. |
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi bằng tiền đồng để gửi tại các ngân hàng thương mại, với kỳ hạn tối đa không quá 3 tháng nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn nhưng phải đảm bảo an toàn.
Sau khi quỹ chấm dứt hoạt động và giải thể, số dư của quỹ (nếu có) sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương để bổ sung nguồn lực mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước.
Về xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ và đóng góp tự nguyện cho quỹ, các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản này.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 được Chính phủ thành lập nhằm huy động các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để cùng với ngân sách nhà nước mua và tiêm vaccine cho người dân.
Ngày 3-6 rồi, tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, số dư của quỹ là gần 104 tỉ đồng nhưng sắp có thêm hàng ngàn tỉ đồng, gồm 1.000 tỉ đồng từ Bộ Y tế chuyển vào và khoảng 2.000 tỉ đồng từ ủng hộ của doanh nghiệp.
Dự kiến, sự kiện ra mắt quỹ vaccine sẽ được tổ chức vào tối nay (5-6) tại Hà Nội. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài chung sức với chính phủ, góp cho quỹ vaccine để có vaccine sớm nhất tiêm cho người dân.
Theo ước tính của Bộ Y tế, cần đến hơn 25.000 tỉ đồng để mua và tiêm vaccine cho khoảng 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, chưa tính đến việc tiêm nhắc lại hàng năm.
Công khai số tiền huy động, số tiền đã chi, số dư quỹ
Theo quy định, quỹ vaccine phòng Covid-19 phải thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức và cá nhân đóng góp, số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại với chu kỳ hàng tháng, 6 tháng một lần và một năm một lần.
Về trách nhiệm tiếp nhận các khoản tài trợ, Bộ Tài chính cho biết các khoản hỗ trợ, đóng góp bằng tiền sẽ được chuyển vào tài khoản tiếp nhận của Quỹ tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Với các khoản tài trợ, đóng góp cho quỹ bằng vaccine, Bộ Tài chính cho biết Bộ Y tế là đơn vị thực hiện tiếp nhận để quản lý, phân phối và sử dụng theo quy định.
Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm xác định giá trị quy tiền đồng Việt Nam của vaccine được tài trợ cho quỹ và định kỳ 10 ngày lập báo cáo gửi quỹ để hạch toán phản ánh vào thu, chi của quỹ.
Cơ sở để xác định giá trị quy tiền của vaccine là các hóa đơn, chứng từ do nhà tài trợ cung cấp. Nếu không có hóa đơn, chứng từ của nhà tài trợ thì giá trị quy tiền của vaccine được xác định theo giá tạm tính để phản ánh kịp thời vào thu của Quỹ.
Sau đó Bộ Y tế sẽ xác định giá chính thức của vaccine được tài trợ theo quy định của pháp luật và báo cáo quỹ để điều chỉnh hạch toán, nếu có chênh lệch.
Với các khoản tài trợ, đóng góp bằng các loại hình vật chất khác, quỹ sẽ thực hiện tiếp nhận để quản lý, theo dõi và hạch toán phản ánh vào thu của Quỹ khi xuất bán theo quy định.
Bộ Tài chính cũng cho biết việc xác nhận các khoản tài trợ, đóng góp bằng tiền và các hình thức vật chất khác của các tổ chức, cá nhân do Ban Quản lý quỹ thực hiện. Còn việc xác nhận các khoản tài trợ, đóng góp bằng vaccine do Bộ Y tế thực hiện.
Về thẩm quyền quyết định chi của Quỹ, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19, rồi trình Thủ tướng quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 theo quy định.
“Căn cứ các nội dung chi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế lập hồ sơ đề nghị xuất quỹ để chi theo quy định”, Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo cơ quan này, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng về các hoạt động, gồm: Quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ quỹ để mua, nhập khẩu vaccine, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; Quản lý, sử dụng vaccine đã mua, nhập khẩu và vaccine đã tiếp nhận từ các nhà tài trợ theo quy định.
Về việc công khai tình hình tài chính của Quỹ, Thông tư của Bộ Tài chính quy định Quỹ có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính quỹ với chu kỳ hàng tháng, 6 tháng một lần, 1 năm một lần và thực hiện báo cáo quyết toán Quỹ.
Nội dung công khai gồm: Số tiền huy động; Danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp; nội dung và số tiền đã chi; Số dư quỹ còn lại.
Hạn chót để công khai báo cáo tháng và 6 tháng là sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng và 6 tháng. Còn hạn chót để công khai báo cáo năm là ngày 31-1 năm sau. Với báo cáo quyết toán, hạn chót để công khai là 30 ngày tính từ khi báo cáo được Bộ Tài chính phê duyệt.
Việc công khai của Quỹ được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức, gồm: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Tài chính cho biết đã có 950 tổ chức và 124.600 cá nhân ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 tính tới 17h ngày 4-6. Tổng số tiền ủng hộ, đóng góp từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước là gần 265 tỉ đồng, hơn 8.700 đô la Mỹ và hơn 2.700 euro.
Mời đọc thêm:
Quỹ vaccine phòng Covid-19 sắp có hàng ngàn tỉ đồng
Bắc Giang cho 6.000 công nhân đi làm trở lại, người từ TPHCM đến Đồng Nai cách ly 21 ngày
Việt Nam phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Vero Cell của Trung Quốc
Nhiều địa phương sẽ thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19