GoJek và Tokopedia (Indonesia)
Mới đây, GoJek và Tokopedia - 2 startup hàng đầu Indonesia đã quyết định hợp nhất để tạo ra một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Đông Nam Á. Tập đoàn này sẽ cung cấp mọi dịch vụ từ gọi xe, thanh toán kỹ thuật số đến thương mại điện tử. Thông qua sự hỗ trợ của các cổ đông gồm Google và Alibaba, Gojek và Tokopedia sẽ thành lập một liên doanh có tên GoTo.
Trong thông cáo chung, Gojek và Tokopedia cho biết thương vụ hợp nhất này có giá trị khoảng 18 tỷ USD sau các cuộc đàm phán. Trong đó, cổ đông Gojek nắm 58% cổ phần tại GoTo, phần còn lại thuộc về Tokopedia.
GoTo, công ty sáp nhâp giữa Gojek và Tokopedia hướng tới định giá 40 tỷ USD. Ảnh: AP/Getty Images
Liên doanh mới mới này được cho là đang thảo luận về kế hoạch IPO trong năm nay tại Mỹ và Indonesia, với mức định giá hướng đến là 35-40 tỷ USD. Gojek và Tokopedia cho biết họ có tổng giá trị giao dịch trên 22 tỷ USD năm ngoái và hơn 100 triệu người dùng hoạt động thường xuyên mỗi tháng.
Grab (Singapore)
Theo Bloomberg, Grab dự kiến IPO thông qua thỏa thuận sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) có tên Altimeter Growth, do hãng Altimeter Capital Management ở Thung lũng Silicon hậu thuẫn. Grab đặt mục tiêu huy động hơn 4 tỷ USD, qua đó đạt định giá 39,6 tỷ USD.
Nếu thỏa thuận này được thực hiện thành công, Grab sẽ là kỳ lân Đông Nam Á đầu tiên IPO tại Mỹ thông qua một SPAC.
Grab có thể IPO tại Mỹ trong năm nay. Ảnh: Reuters |
Trước đó, công ty có trụ sở tại Singapore được định giá khoảng 16 tỷ USD. Grab cho biết đã kiểm soát 72% thị phần gọi xe ở Đông Nam Á, 50% thị phần giao đồ ăn và 23% thị phần ví điện tử trong năm 2020. Hãng gọi xe này cũng nói rằng doanh thu thuần tăng 70% trong năm 2020.
Dù vậy, Grab vẫn đang kinh doanh lỗ. Cả Moody's và S&P Global đều dự báo, kỳ lân này sẽ tiếp tục lỗ và đốt tiền đến tận năm 2023 khi phải cạnh tranh gay gắt với Gojek và FoodPanda. Theo báo cáo, Moody's cho biết Grab sẽ không thể hòa vốn trước năm 2023 còn S&P Global xác định công ty sẽ tiếp tục lỗ và đốt tiền đầu tư trong 2-3 năm tới.
Traveloka (Indonesia)
Tương tự Grab, startup du lịch trực tuyến Traveloka được cho là có kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong năm 2021 thông qua một SPAC. Kỳ lân Indonesia cũng cân nhắc về việc niêm yết ở Indonesia sau khi IPO tại Mỹ.
Người dùng tìm kiếm phòng khách sạn trên ứng dụng Traveloka. Ảnh: Thejakartapost. |
Kể từ khi được thành lập vào năm 2012, Traveloka đã mở rộng ra khắp Đông Nam Á khi mang đến giải pháp để khách hàng có thể đặt vé máy bay hoặc khách sạn trong khu vực. Cũng giống như các đối thủ của mình, Traveloka dần mở rộng phạm vi dịch vụ cung cấp sang cả mảng dịch vụ đời sống và dịch vụ tài chính.
Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Traveloka đã thực hiện gọi vốn hồi tháng 7 năm ngoái ở mức định giá thấp hơn vòng đầu tư trước đó. Còn theo dữ liệu của CB Insights, startup này đang được định giá khoảng 3 tỷ USD.
JustCo (Singapore)
Một startup tỷ USD khác của Đông Nam Á cũng có kế hoạch IPO trong tương lai gần là JustCo. Startup không gian làm việc chung này vừa gia nhập câu lạc bộ kỳ lân vào năm 2020. Theo Business Times, các thị trường tiềm năng JustCo có thể thực hiện IPO là Singapore, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) và Australia.
Không gian làm việc chung của JustCo. Ảnh: JustCo |
Nhu cầu thuê không gian làm việc của JustCo tăng mạnh vào năm ngoái khi các doanh nghiệp tìm các không gian làm việc linh động vì chính phủ Singapore yêu cầu họ phải cho phép nhân viên làm việc từ xa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
JustCo cũng cho phép khách hàng sử dụng công cụ phân tích không gian dựa vào trí tuệ nhân tạo SixSense để kiểm tra lượng người đang làm việc tại các không gian làm việc chung theo thời gian thực, giúp họ tránh những nơi có đông người làm việc.
Linh Lam
NDH
Xem thêm: nhc.36295648050601202-opi-pas-a-man-gnod-nal-yk-gnuhn/nv.zibefac