Đầu tháng 3/2021, thành phố Detroit (Michigan, Mỹ) chuẩn bị nhận được lô hàng 6200 liều vaccine từ Johnson & Johnson. Nhưng thật bất ngờ, thị trưởng thành phố - ông Mike Duggan thẳng thừng từ chối. Ông bảo rằng ông sẽ chỉ tin tưởng vào vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna, vì đó là những loại tốt nhất.
Ý của Duggan liên quan đến những con số gọi là "tỉ lệ hiệu quả ngăn ngừa" của vaccine. Theo đó, vaccine của Pfizer có chỉ số này lên tới 95% vào 7 ngày sau mũi thứ 2. Của Moderna là 94% vào ngày thứ 14 sau mũi thứ 2. Để so sánh, Johnson & Johnson là 66%, sau 28 ngày.
Và nếu như chỉ nhìn vào các chỉ số như vậy, có thể thấy AstraZeneca và Johnson & Johnson có hiệu quả kém nhất, nếu so với nhóm đầu bảng như trong bức hình dưới đây!
Nguồn ảnh: Vox
Nhưng vấn đề là giả định về sự hiệu quả của vaccine nếu chỉ dựa vào chỉ số này thì hoàn toàn không đúng. Mọi thứ không đơn giản chỉ có như vậy, và chúng ta đã hiểu sai về "hiệu quả" của vaccine là như thế nào.
Cách các hãng tính "chỉ số hiệu quả" của vaccine
Chỉ số hiệu quả của vaccine được tính thông qua thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, khi các hãng tiến hành thử nghiệm trên hàng chục ngàn người. Những người tham gia sẽ được chia làm 2 nhóm: một nửa được tiêm vaccine, và nửa còn lại được tiêm giả dược (placebo).
Sau khi tiêm, tất cả trở lại cuộc sống bình thường nhưng được các chuyên gia theo dõi sát sao trong vài tháng, để xem liệu họ có nhiễm Covid-19 hay không!
Như thử nghiệm lâm sàng của Pfizer được thực hiện trên 43.000 người. Đến cuối cùng, 170 người dương tính với Covid-19. Nhưng điều quan trọng nằm ở việc 170 người này phân bổ thế nào vào 2 nhóm trên mới ra được chỉ số hiệu quả của vaccine.
Sự hiệu quả của vaccine nằm ở tỉ lệ nhiễm được phân bổ ở nhóm được tiêm và không được tiêm (Ảnh: Vox)
Nếu như tỉ lệ phân bổ là 50-50 (mỗi nhóm có 85 người), có nghĩa người được tiêm có rủi ro nhiễm bệnh chỉ ngang ngửa người không tiêm, và chỉ số hiệu quả là 0%. Nếu nhóm placebo chiếm trọn, tỉ lệ hiệu quả là 100%. Trong trường hợp của Pfizer, có đến 162 người nhiễm bệnh ở nhóm không tiêm, và chỉ có 8 người thuộc nhóm đã tiêm, nên tỉ lệ hiệu quả là 95%.
Nhưng con số 95% này cũng có sự hiểu nhầm. Nó không có nghĩa cứ 100 người được tiêm sẽ có 5 người nhiễm bệnh. Đây là tỉ lệ áp dụng cho từng cá nhân - người được tiêm sẽ có ít rủi ro nhiễm bệnh hơn người không tiêm 95% nếu không may tiếp xúc với mầm bệnh. Đây cũng là cách mà toàn bộ các hãng vaccine hiện nay áp dụng để tính toán tỉ lệ hiệu quả của mình.
Tại sao không thể so sánh chỉ số hiệu quả của các loại vaccine?
Đơn giản là vì thử nghiệm lâm sàng của mỗi loại vaccine được thực hiện trên các điều kiện khác nhau hoàn toàn.
"Một trong những điều đáng chú ý nhất khi chúng ta nhìn vào những con số này (tỉ lệ hiệu quả), đó là thời điểm thực hiện thử nghiệm lâm sàng," - Deborah Fuller, chuyên gia sinh học từ ĐH Washington (Mỹ) lên tiếng.
Lấy ví dụ từ 3 loại vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Biểu đồ dưới đây cho thấy thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và Moderna rơi vào tháng 8 - 11/2020, giai đoạn dịch bệnh tại Mỹ đang hạ nhiệt. Johnson & Johnson thì khác, họ thử nghiệm lâm sàng từ giữa tháng 11 cho đến cuối tháng 1/2021, thời điểm ca nhiễm tăng vọt, nghĩa là khả năng tiếp xúc với ca bệnh của các ứng viên tham gia là nhiều hơn hẳn.
Biểu đồ ca nhiễm và giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của 3 hãng vaccine tại Mỹ (Nguồn: Vox)
Thêm vào đó, Johnson & Johnson còn thực hiện thử nghiệm lâm sàng tại các nước khác như Nam Phi và Brazil. Những nơi ấy không chỉ có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn, mà chủng bệnh cũng khác biệt (như biến chủng B.1.351 của Nam Phi, và P.2 của Brazil). Thử nghiệm của Johnson & Johnson rơi vào đúng thời điểm các biến chủng xuất hiện và trở thành chủng chiếm ưu thế tại các quốc gia được lựa chọn, và đó đều là các chủng có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.
Số liệu cho thấy, 67% các ứng viên tham gia thử nghiệm lâm sàng bị nhiễm bệnh tại châu Phi là tác phẩm của biến chủng mới, chứ không phải chủng bệnh hoành hành tại Mỹ suốt mùa hè năm 2020. Nhưng bất chấp như vậy, tỉ lệ hiệu quả vẫn ở mức 64%.
"Nếu muốn so sánh 2 loại vaccine với nhau, chúng ta sẽ cần so chúng ở cùng thử nghiệm, cùng điều kiện, cùng thời điểm và địa điểm," - chuyên gia Amesh. Adalja từ ĐH Johns Hopkins nhận định.
"Nếu yêu cầu Pfizer và Moderna thực hiện lại thử nghiệm lâm sàng ở cùng điều kiện với Johnson & Johnson, chúng ta sẽ thấy tỉ lệ hiệu quả rất khác biệt," - Fuller bổ sung thêm.
Nói cách khác, chỉ số hiệu quả của vaccine chỉ cho chúng ta thấy chuyện gì đã xảy ra trong thử nghiệm lâm sàng của mỗi loại, chứ không hoàn toàn là những gì sẽ xảy ra khi áp dụng vào thực tiễn.
Chỉ số hiệu quả ngăn ngừa không phải mục đích thực sự của vaccine Covid-19
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng đây không phải là các chỉ số tốt nhất để đánh giá sự hiệu quả của một loại vaccine. Bởi lẽ, việc chặn đứng toàn bộ khả năng nhiễm bệnh không phải là mục đích chính của các chương trình tiêm chủng.
"Mục đích của các chương trình tiêm chủng Covid-19 hiện nay không phải là để đưa thế giới về mức 'không có ca nhiễm', mà là để kìm hãm virus, khiến nó bớt nguy hiểm hơn, giảm khả năng gây ra triệu chứng nghiêm trọng, giảm mức cần thiết phải nhập viện, và giảm ca tử vong," - trích lời Adalja.
Lấy ví dụ với một người bình thường, tình huống lý tưởng nhất là không nhiễm bệnh, và xấu nhất là nhiễm bệnh rồi chết. Nhưng đại dịch không đơn giản như vậy. Ở giữa nó là nhiều mốc khác: nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, có triệu chứng nặng, rồi nhập viện và tử vong.
Trong tình huống lý tưởng nhất, vaccine sẽ giúp chúng ta hoàn toàn ngăn chặn được khả năng nhiễm bệnh. Nhưng trong thực tế, nó hoàn toàn không khả thi và cũng không phải là mục đích các chương trình tiêm chủng nhắm đến. Mục tiêu thực sự là cung cấp đủ miễn dịch cho con người nhằm tránh được 3 kịch bản xấu nhất, đưa Covid-19 trở về một căn bệnh giống như cảm cúm, thay vì một thứ có thể khiến bạn buộc phải nhập viện rồi không thể trở về nữa.
Và đoán xem, mục tiêu ấy là thứ mà toàn bộ các loại vaccine hiện nay đều làm được, thậm chí là rất tốt. Ở toàn bộ các thử nghiệm lâm sàng, trong khi nhóm không tiêm chủng có người phải nhập viện, có người tử vong, thì những người đã tiêm mà nhiễm bệnh không một ai phải nhập viện cả (và cũng không ai chết).
"Một điều tôi muốn mọi người hiểu là toàn bộ các loại vaccine đều hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn tử vong," - Fuller chia sẻ.
Sự hiệu quả trong khả năng ngăn chặn virus của vaccine có quan trọng, nhưng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Thứ bạn nên quan tâm không phải là vaccine nào sẽ giúp ngăn ngừa dịch bệnh, mà là vaccine nào giúp bạn sống sót, hoặc không phải nhập viện nếu nhiễm bệnh. Và câu trả lời là toàn bộ các loại vaccine hiện nay, dù là Pfizer, Moderna của Mỹ, AstraZeneca của Anh, hay Sinopharm của Trung Quốc.
Nguồn: Vox
JD
Pháp luật và bạn đọc