Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mtex Việt Nam trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Lần này dịch đã tấn công vào KCN nên chúng tôi cũng đã dự trù cho biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn. Trong trường hợp bất khả kháng sẽ tổ chức cho công nhân ăn ở, sinh hoạt và làm việc khép kín để đảm bảo kế hoạch sản xuất" - ông Nguyễn Minh Trung, giám đốc Công ty cổ phần In số 7, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân (TP.HCM), chia sẻ.
"Cắm trại" ở công ty
Ông Trung cho biết gần đây công ty đã hợp tác với một đơn vị y tế để đánh giá, theo dõi, điều chỉnh các biện pháp phòng dịch trong công ty mỗi ngày.
Đơn vị y tế sẽ kiểm tra, đánh giá cả các trang bị chống dịch như khẩu trang, nước diệt khuẩn để tư vấn bổ sung hoặc thay đổi.
Công ty cũng tăng cường thêm các biện pháp phòng chống dịch như hệ thống sát khuẩn người ra vào công ty, hệ thống quét mã trực tiếp để theo dõi thông tin ra vào của nhân viên, khu vực nào đông công nhân sẽ được bố trí giãn cách rộng hơn, khu vực nhà ăn bố trí thêm bàn ăn...
"Bên đơn vị y tế cũng tư vấn chúng tôi lên phương án không bật máy lạnh, đồng thời tháo tấm lót trần. Bàn ăn trước đây 4 người thì sau đó giảm còn 3 và đến nay còn 2 người/bàn" - ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng các công ty nên chuẩn bị phương án để công nhân ăn ở, làm việc ngay tại công ty.
"Lượng đơn hàng của công ty hiện nay khá lớn, nếu dịch xâm nhập và nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất thì đây có thể là một giải pháp. Chúng tôi cũng đã bàn bạc để lựa chọn khu vực bố trí ăn ở, sinh hoạt cho công nhân các bộ phận trong tình huống phải cách ly tại chỗ, liên hệ với các đơn vị để cung cấp suất ăn, nước uống..." - ông Trung cho biết thêm.
Công ty TNHH Kim May Organ (KCX Tân Thuận) từ lâu đã bắt buộc đo thân nhiệt cho toàn bộ khoảng 1.200 công nhân trước khi vào nhà máy.
Những công đoạn do đặc thù không thể giãn cách tối thiểu 2m, người lao động được bố trí ở trong các ô, các hộp được thiết kế vừa cho một người có thể ngồi làm việc riêng lẻ.
"Hiện nay các ca F1, F2 khi xuất hiện ở nhà máy, KCN thì doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động. Nếu muốn duy trì sản xuất, đảm bảo hợp đồng với các đối tác thì phải bố trí cho công nhân ăn, ngủ, làm việc ngay tại công ty.
Chúng tôi cũng đã thảo luận phương án cho tình huống này. Nhưng đây là biện pháp tức thời chỉ có thể thực hiện tạm thời trong 1-2 tháng để doanh nghiệp không gãy đơn hàng" - ông Đặng Văn Tuấn, phụ trách công tác phòng chống dịch của Công ty Kim May Organ, cho biết.
Một doanh nghiệp ở Bình Dương đo thân nhiệt công nhân - Ảnh: B.A.
Người lao động phải tuân thủ tuyệt đối
Ông Hồ Xuân Lâm - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng mô hình của Bắc Ninh bố trí cho công nhân ăn ở, làm việc khép kín sẽ giúp thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà Chính phủ đề ra.
"Việc xây dựng phương án để không bị đứt gãy đơn hàng khi có dịch xâm nhập rất quan trọng. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được vì yêu cầu về điều kiện mặt bằng, nhà xưởng..." - ông Lâm nhận định.
Ông Nguyễn Văn Bé - chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM - cho rằng khi các công ty thực hiện chế độ này thì cũng không khác gì chế độ quân ngũ. "Người lao động cũng phải có ý thức tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng dịch thì mới đảm bảo an toàn" - ông nói.
Theo ông Bé, các doanh nghiệp có thể tùy vào điều kiện cơ sở vật chất để xây dựng phương án cho công nhân ăn ở, làm việc ngay tại doanh nghiệp, hạn chế dịch lây lan, tránh đưa mầm dịch từ ngoài vào.
Tổ phản ứng nhanh
Tại Cần Thơ, ông Võ Quốc Hùng - phó trưởng Ban quản lý các KCX&CN Cần Thơ - cho hay hầu hết các công ty đã thực hiện đo thân nhiệt cho công nhân khi vào công ty và trong giờ làm việc; rửa tay sát khuẩn trước khi vào làm việc; khi làm việc áp dụng giãn cách trong phân xưởng, giữa các công nhân và chia ca để ăn cơm...
"Các công ty còn thành lập các tổ phản ứng nhanh để kịp ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra. Mỗi công ty đều có phòng y tế và phân công y sĩ trực. Chúng tôi yêu cầu trong quá trình làm việc nếu phát hiện người lao động có biểu hiện sốt, ho... phải đưa vào phòng cách ly tại chỗ theo quy định và báo ngay qua đường dây nóng của y tế" - ông Hùng nói.
Các KCN của Cần Thơ có lượng công nhân đến từ các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang khá đông, có cả người đi làm và trở về nhà khi hết ca. Hiện nhiều đơn vị đã bắt buộc cài phần mềm khai báo y tế và Bluezone để có thể dễ dàng kiểm soát lịch trình di chuyển khi cần thiết.
"Chúng tôi đặc biệt quan tâm quản lý công nhân, đặc biệt công nhân ở các địa phương khác vào thành phố làm việc. Khuyến cáo các doanh nghiệp bố trí ăn ở, làm việc tại chỗ cho công nhân ở xa" - ông Huỳnh Minh Truyền, bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Cần Thơ, cho biết.
Lên sẵn kịch bản chống dịch
Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho hay ngay từ khi xuất hiện dịch tại VN, ban đã thông tin và yêu cầu các doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, tuyên truyền cho người lao động, khai báo y tế, thực hiện bố trí làm việc khoảng cách...
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã ban hành kịch bản "Những việc cần thực hiện khi các công ty trong KCN có trường hợp mắc bệnh".
Do đó, trong trường hợp các KCN Đồng Nai có ca bệnh xảy ra, sẽ tiến hành các biện pháp và nhiệm vụ được phân công tại kịch bản này và quyết định của ban chỉ đạo.
Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 tại các thành phố, thị xã đông dân của tỉnh gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và một phần của huyện Bàu Bàng, nơi có nhiều KCN. Các doanh nghiệp được yêu cầu xây dựng, cập nhật chính xác cơ sở dữ liệu về người lao động của mình như nơi cư trú, số điện thoại, lịch trình đi lại... để quản lý chặt chẽ.
Ban quản lý các KCN, UBND các huyện thị được yêu cầu phải thường xuyên giám sát, xuống tận các doanh nghiệp, hộ gia đình để kiểm tra.
A LỘC - BÁ SƠN
TP.HCM đã ghi nhận 3 ca nhiễm COVID-19 làm việc tại 3 KCN gồm: KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Vĩnh Lộc - Hóc Môn. Ngoài ra còn phát hiện thêm ca nhiễm ở Long An, là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (TP Thủ Đức).
TTO - Tối 3-6, Chủ tịch UBND Bắc Giang Lê Ánh Dương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó nổi bật là việc tỉnh đã quyết định hỗ trợ 100% tiền ăn cho công nhân COVID-19.
Xem thêm: mth.97540648050601202-ugn-nauq-od-ehc-oav-nahn-gnoc/nv.ertiout