Quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ hiện tại không giống bất kỳ lần hồi phục nào trong lịch sử thế giới hiện đại. Kinh tế Mỹ diễn biến tích cực nhờ vào những người tiêu dùng có hàng nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm bổ sung, doanh nghiệp hào hứng tuyển dụng và chính sách hỗ trợ kinh tế dồi dào.
Nhiều doanh nghiệp và người lao động thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nhưng không phải chịu nhiều tác động nặng nề như trong các đợt suy thoái kinh tế trước đây, đặc biệt đỡ hơn hẳn so với khủng hoảng kinh tế năm 2007-2009.
Số lượng các doanh nghiệp mới tăng với tốc độ kỷ lục. Tỷ lệ người lao động nghỉ việc, chỉ báo quan trọng về niềm tin vào thị trường lao động, cao nhất tính từ ít nhất năm 2000. Tỷ lệ nợ của các hộ gia đình Mỹ hiện thấp nhất tính từ năm 1980.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng gần 18% tính từ mức đỉnh thiết lập tháng 2/2020. Giá nhà trên toàn quốc hiện đã tăng đến 14% tính từ thời điểm đó.
Tốc độ phục hồi của kinh tế quá cao cũng đang gây ra tình trạng nhiễu loạn. Tình trạng thiếu hụt hàng hóa nguyên liệu và lao động vốn thường xuất hiện cuối quá trình tăng trưởng kinh tế đã đến sớm hơn bình thường.
Nhiều chuyên gia kinh tế, cùng với Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho rằng lạm phát sẽ chỉ tăng trong ngắn hạn, tuy nhiên nhiều người lo ngại lạm phát sẽ vẫn tiếp tục duy trì một khi quá trình mở cửa nền kinh tế hoàn tất.
Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm chiến lược gia tại Decision Economics, ông Allen Sinai,nhận xét: “Chúng ta chưa trải qua cái tương tự như thế này bao giờ. Sự sụp đổ chóng vánh và phục hồi bùng nổ. Lịch sử chưa từng có câu chuyện nào như vậy”.
Mùa xuân năm ngoái, các biện pháp hạn chế áp dụng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã khiến cho kinh tế Mỹ suy giảm nhanh chóng, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lo ngại sẽ phải mất nhiều năm kinh tế Mỹ mới có thể hồi phục.
Giờ đây họ dự báo kinh tế Mỹ sẽ trở lại quy mô trước khủng hoảng ngay trong quý này. Các chuyên gia phân tích dự báo rằng đến cuối năm nay, kinh tế Mỹ sẽ đạt ngưỡng mà cứ như thể khủng hoảng trong đại dịch chưa bao giờ xảy ra và rồi vượt mức đó, ít nhất trong ngắn hạn.
Giai đoạn kinh tế Mỹ suy giảm 1990-1991; 2001 và rồi sau đó đến 2007-2009 không mang lại việc làm cho người dân. Nhu cầu yếu làm giảm nhu cầu của giới chủ với nhân lực, tỷ lệ thất nghiệp cao chóng mặt trong suốt nhiều năm.
Lần này, thị trường lao động dường như rất ngột ngạt. Chỉ số chi phí việc làm trong quý 1/2021 tăng 0,9% so với quý trước đó và như vậy ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2007. Thực tế này vẫn diễn ra trong khi tỷ lệ thất nghiệp Mỹ hiện đang ở mức 6,1%, cao hơn rất nhiều so với trước đại dịch Covid-19.
Các cuộc suy thoái kinh tế trước đây thường bắt nguồn từ việc lãi suất cơ bản đồng USD tăng lên và giá trị tài sản đi xuống gây tồn hại đến sản lượng kinh tế, thu nhập và việc làm, nhiều khi tình trạng đó kéo dài đến hơn 1 năm, theo phân tích của chuyên gia kinh tế và chủ tịch quỹ The GailFosler Group LLC, ông Gail Fosler. Những thiệt hại đối với tài chính gia đình và các tổ chức tài chính sau sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ năm 2007 dẫn đến việc nhu cầu suy giảm gây tổn thất nền kinh tế suốt nhiều năm.
Suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 trong khi đó không hề bắt nguồn từ lĩnh vực tài chính mà từ một sự gián đoạn kiểu như thảm họa thiên nhiên.
Thông thường, thảm họa thiên nhiên tạm thời gây gián đoạn hoạt động kinh tế, cùng lúc đó không ảnh hưởng đến nhu cầu và nguồn cung hàng hóa dịch vụ. Một khi thảm họa qua đi, kinh tế phục hồi nhanh hơn sau các đợt suy thoái thông thường. Nghiên cứu về lợi tức thuế với các công dân tại New Orleans cho thấy rằng sau cơn bão Katrina, thu nhập của nạn nhân hồi phục chỉ trong vòng vài năm và thậm chí còn cao hơn cả những người không chịu tác động bởi thảm họa.
Trong các đợt suy giảm kinh tế, người tiêu dùng sợ mất việc hoặc sụt giảm thu nhập thường cắt giảm chi tiêu và vì vậy kinh tế suy giảm kéo dài. Lần này, tiêu dùng người dân tại những khu vực không bị phong tỏa tăng nhẹ một chút,tuy nhiên cũng có những người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu bởi sợ tình trạng dịch kéo dài sẽ khiến họ mất việc.
Hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 trên diện rộng đang giúp kiềm chế đại dịch Covid-19, nó cho phép người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại. Những tháng gần đây, chi tiêu vào ăn uống tại nhà hàng của các khách hàng đã tiêm vắc xin Covid-19 tăng nhanh hơn rất nhiều so với người chưa tiêm vắc xin, theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Cardify.ai.
Khi mà ngày một nhiều người được tiêm vắc xin Covid-19, hoạt động tuyển dụng đang tăng trưởng nhanh hơn. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế lao động tại trường quản lý Carlson thuộc đại học Minnesota, cứ 100 người thuộc độ tuổi lao động đã tiêm vắc xin Covid-19, trung bình 12 người nhanh chóng được tuyển dụng.