Hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của SK Group có phần chậm chạp hơn so với Samsung và Hyundai. Có lẽ chính bởi vậy mà họ đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ tấn công thị trường Việt Nam - trong một nỗ lực nhằm tận dụng lượng người tiêu dùng trẻ tuổi ngày một tăng ở đây.
SK đã mua một lượng lớn cổ phần ở 2 tập đoàn lớn của Việt Nam, một trong số họ điều hành chuỗi siêu thị Vinmart.
Vinmart là ví dụ rõ nét cho thấy tiềm năng tăng trưởng của các siêu thị ở Việt Nam. Khoảng 5 năm trước, xu hướng mua sắm chủ yếu ở Việt Nam vẫn là các chợ ngoài trời. Tuy nhiên, siêu thị hiện đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Tháng 4, SK đã đầu tư 410 triệu USD vào nhà điều hành Vinmart là VinCommerce để đổi lấy 16,3% cổ phần. SK đã bổ nhiệm các thành viên vào hội đồng quản trị VinCommerce và 2 bên đang cân nhắc những thỏa thuận hợp tác kinh doanh.
VinCommerce là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam đang điều hành mạng lưới 2.300 siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên những chiến lược mở rộng không đạt hiệu quả đã khiến công ty chịu thua lỗ lớn.
VinCommerce vẫn tiếp tục điều hành một lượng lớn những cửa hàng chưa có lợi nhuận. Điều đó khiến tờ Nikkei dẫn lời một số chuyên gia phân tích nói rằng sự hồi phục với VinCommerce là điều khá khó khăn. Tuy nhiên, SK đã chọn cách đầu tư bất chấp vào đây.
Lý do có lẽ xuất phát từ việc SK đang muốn chấp nhận rủi ro để thay đổi hướng tiếp cận vốn chỉ tập trung vào thị trường Hàn Quốc như trước đây. Mặc dù là chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc nhưng hầu hết hoạt động của họ như hóa dầu, viễn thông đều phụ thuộc vào nhu cầu nội địa. Trong khi đó, những đối thủ như Samsung, Hyundai đều đã lấn sân ra nước ngoài từ lâu.
"So với những chaebol lớn khác, SK đã đi quá muộn trong việc mở rộng ra những thị trường nước ngoài như Việt Nam", một chuyên gia nghiên cứu nhận định.
Trong những năm gần đây, SK đã đầu tư mạnh để bước chân vào Việt Nam. Năm 2018, tập đoàn này đã chi 470 triệu USD để mua cổ phần công ty mẹ hiện tại của VinCommerce là Masan Group. Năm sau đó, SK lại rót 1 tỷ USD cho Vingroup để đổi lấy 6,1% cổ phần. Vingroup đã chuyển phần lớn quyền sở hữu VinCommerce cho Masan trong một thỏa thuận tuyên bố vào tháng 12/2019.
Thông qua những khoản đầu tư đó, SK lên kế hoạch đưa mạng lưới bán hàng và phân phối vào Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng muốn chia sẻ hiểu biết về cách quản lý Eleven Street – một nền tảng thương mại điện tử tại Hàn Quốc.
Tờ Nikkei đánh giá, dường như SK đang nhắm tới việc chuyển VinCommerce thành "nhà bán lẻ đa kênh" như Amazon hay Alibaba của Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng của việc làm này là đẩy nhanh quá trình công ty này có thể có lãi.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người với độ tuổi trung bình 31 và người tiêu dùng trẻ đang mạnh tay chi tiền hơn. Chính bởi vậy mà có không ít doanh nghiệp Hàn Quốc để mắt tới Việt Nam.
Lotte Group sở hữu tòa nhà Lotte Center 65 tầng ở Hà Nội cũng nhắm tới thị trường Việt Nam. Có nhiều đồn đoán nói rằng tập đoàn này sẽ mở 1 khách sạn xa xỉ ở Việt Nam vào năm 2025.
CJ Group cũng đang điều hành rất nhiều rạp chiếu phim ở Việt Nam.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phát triển nhanh chóng kể từ khi 2 nước thắt chặt mối quan hệ vào năm 2009. Riêng Samsung đang chiếm 1/5 tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn: Nikkei
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị