Janet Ngô: nghệ thuật giúp xã hội bền vững và định hình bản sắc
Diễm Trang thực hiện
(KTSG) - Tốt nghiệp trường luật ở Úc nhưng lại không theo đuổi nghề luật, Janet Ngô quay về với niềm đam mê nghệ thuật thuở bé. Cô về Việt Nam để đi làm phim và chọn thể loại phim khó: về lịch sử. Nay thì mọi người được biết đến Janet Ngô như một nhà sản xuất phim với dự án phim huyền sử Trưng Vương, được ra mắt công chúng vào 20-10-2019. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn tính chất của dự án cũng như triển vọng của việc làm phim điện ảnh về lịch sử Việt Nam, Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với nhà sản xuất Janet Ngô - người cầm trịch của dự án dài hơi này.
Janet Ngô. |
KTSG: Thưa chị Janet Ngô, cơ duyên nào khiến chị bắt tay vào thực hiện dự án Trưng Vương?
- Chị Janet Ngô: Tình yêu mãnh liệt (cười lớn). Thật ra, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Luật tại Sydney (Úc), Janet đã có thể hành nghề luật sư với lý tưởng dùng luật để bảo vệ con người. Nhưng rồi, Janet nhận ra có những điều không giống như mình đã nghĩ, thậm chí đi ngược lại với cái tâm của mình. Vậy là Janet quay sang đam mê từ bé của mình là nghệ thuật. Qua sự giới thiệu của bạn bè, Janet đã gặp gỡ diễn viên Trương Ngọc Ánh. Cả hai nhận thấy mong muốn, đam mê làm được điều gì đó cho dân tộc Việt Nam và cùng nghĩ ra dự án Trưng Vương.
KTSG: Vậy những khó khăn ban đầu là gì?
- Lúc đầu, Janet không phải là người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nên chủ yếu hỗ trợ dự án về tài chính. Nhưng cái khó là Janet thì ở Úc, những người đồng hành thì ở Việt Nam. Đã vậy, khi bắt tay vào làm dự án thì mới thấy quá khó, có nhiều điều về thời kỳ hai Bà Trưng mà cả nhóm chỉ biết lơ mơ, các thao tác làm việc lại chồng chéo. Vậy là Janet quyết tâm về hẳn Việt Nam từ năm 2015. Khi Janet bắt đầu công việc khảo sát kiến thức về hai Bà Trưng, câu trả lời thường xuyên nhận được là “Hai Bà Trưng là hai người phụ nữ cưỡi voi đánh giặc”, thế thôi. Janet mới nghĩ thêm là: Vì sao họ lên ngôi được? Vì sao họ đánh giặc được? Câu chuyện tình yêu của họ là gì?... Từ đó, Janet phân tích từng phần một, tập huấn cộng sự và tìm kiếm đối tác có thể xây dựng câu chuyện, giải mã các dữ kiện.
Poster phim Trưng Vương. |
KTSG: Nhưng tại sao là đề tài hai Bà Trưng mà không phải là những nhân vật lịch sử khác?
- Số phận rồi (cười). Hầu hết các phụ nữ bên họ ngoại của Janet đều học trường Trưng Vương (quận 1). Từ bé, Janet đã nghe họ nhắc đến tên ngôi trường này rất nhiều. Ở Úc, mẹ của Janet thường xuyên tham gia văn nghệ của Hội nữ sinh Trưng Vương. Thế là Janet có động lực thực hiện dự án Trưng Vương, một phần vì đam mê, một phần vì hiểu rằng nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa. Về lâu dài, nghệ thuật sẽ giữ bền vững xã hội, giúp người ta biết định hình bản sắc của mình. Ngoài duyên gắn bó với tên tuổi hai Bà, Janet cũng nhận ra tiềm năng đắt giá của nguyên mẫu: hai người phụ nữ đứng lên khởi nghĩa chống giặc, tình nhà nợ nước đan xen...
KTSG: Những cá nhân hay tổ chức nào hỗ trợ cho dự án Trưng Vương của TNA Entertainment thời kỳ đầu?
- Bên cạnh sự hỗ trợ của chị Trương Ngọc Ánh thì Janet phải tự lo rất nhiều phần khác nhau. Khi đọc các tài liệu về hai Bà Trưng, Janet nhận ra sử Việt có quá nhiều điều hấp dẫn mà chưa được khai thác. Dưới trướng của hai Bà có rất nhiều nữ tướng tài giỏi như Bát Nàn, Ả Chạ, Thánh Thiên, Lê Chân, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Quý Lan. Họ được nhân dân kính trọng và tôn thờ. Nếu như đồng loạt đưa các hình tượng nữ tướng này vào một bộ phim điện ảnh thì chưa chắc khai thác sâu được chân dung từng vị. Vì vậy, Janet nghĩ ra cách làm phim hoạt hình ngắn về từng nữ tướng để khán giả tiếp cận họ trước.
KTSG: Các phim hoạt hình của dự án Trưng Vương được dán nhãn C18, trong khi người ta thường mặc định thể loại hoạt hình gắn liền với đối tượng khán giả thiếu nhi; và lẽ ra nên để trẻ em tiếp cận với phim hoạt hình lịch sử như một cơ hội học tập. Chị lý giải điều này như thế nào?
- Thật ra Janet cũng rất băn khoăn trước khi quyết định dán nhãn C18 cho loạt phim hoạt hình về các nữ tướng của hai Bà Trưng. Sau khi bàn bạc và cân nhắc, ê kíp nhận thấy nếu làm phim về lịch sử mà không có các cảnh xung trận thì không hợp lý. Hơn thế nữa, các nước như Nhật, Mỹ... đều có dòng phim hoạt hình dành cho khán giả trưởng thành.
KTSG: Chị có biết rằng rất ít phim về đề tài lịch sử Việt Nam đạt được thành công cho đến thời điểm này?
- Janet có biết. Nhiều người đã cảnh báo Janet là làm phim lịch sử rất khó, ít nhất là khó trên bốn phương diện: doanh thu, áp lực đầu tư, kỹ thuật, cách thức làm phim. Nhưng không lẽ hễ thấy khó thì không làm? Và trong thực tế là dự án Trưng Vương đã vào guồng được hơn năm năm và Janet xác định theo đuổi tiếp các dự án nghệ thuật về lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ đại trong vòng 20-30 năm tới.
KTSG: Ngoài nhiệt huyết và sự dấn thân, điều gì khiến chị có niềm tin rằng các dự án của mình sẽ thành công và có thể đi đường dài trong vài thập kỷ?
- Hai Bà Trưng đã xuất hiện cách đây hơn 2.000 năm nhưng đến bây giờ họ vẫn tồn tại mãnh liệt trong lòng chúng ta. Thế thì 20 hay 30 năm cũng như một cái chớp mắt thôi. Việt Nam có thể chưa có nhiều nhưng các dự án dài hơi trên thế giới thì không thiếu, ví dụ như Inception của Christopher Nolan phát triển kéo dài hàng chục năm. Janet kính trọng hai Bà và hiểu rằng sản phẩm điện ảnh mình làm ra cũng phải tương xứng với công sức và thành quả mà hai Bà đã tạo dựng trong lịch sử. Để dự án phát triển hiệu quả, Janet xây dựng ê kíp chuyên gia trong từng lĩnh vực như ngôn ngữ Hán Nôm, lịch sử, tôn giáo, âm nhạc, dịch thuật, họa sĩ phục dựng hình ảnh, kỹ sư đồ họa 3D... thành một tập thể nghiên cứu và sản xuất phim lịch sử, có thể làm việc đường dài.
KTSG: Chị cân đối kinh tế như thế nào khi phải nuôi dưỡng dự án trong hơn 5 năm qua và cả thời gian sắp tới nữa, vì có một thực tế là “cơm áo không đùa với khách thơ”?
- Trước mắt, Janet cố gắng tự ứng tài chính cá nhân để bảo vệ ý tưởng và ước mơ của mình. Về lâu dài, Janet hy vọng tìm được những cộng sự cùng lý tưởng. Hiện nay, tất cả các cộng sự của Janet đều hiểu được ý nghĩa của dự án nên không bao giờ lấy giá cao cho các hoạt động. Bản thân các sản phẩm đã và sắp ra mắt cũng sẽ có đầu ra, từ đó có thể tự nuôi lại dự án. Janet có niềm tin sẽ được hai Bà phù trợ, có lúc mắc kẹt một chút rồi vẫn tìm thấy lối ra (cười).
KTSG: Dự án có bao nhiêu phần chính? Những bước tiếp theo của dự án là gì?
- Chắc chắn sẽ có phần âm nhạc, vì âm nhạc là thứ chạm đến trái tim của mọi người nhanh nhất. Tiếp đó là các sản phẩm phim hoạt hình, phim điện ảnh, nhạc kịch, phim truyền hình, sản phẩm lưu niệm... Còn nhiều lắm nhưng Janet xin được giữ bí mật (cười).
Tiếp đến là một cuộc triển lãm nhiều ngày có chủ đề “Vùng đất anh thư Lạc Việt” với nhiều sử liệu, mô hình phục dựng, các hội thảo và tọa đàm về phương thức làm phim lịch sử cùng nhiều hoạt động khác.
KTSG: Chị có thể kể một vài điều tâm đắc nhất khi thực hiện dự án Trưng Vương?
- Khi đã xác định thực hiện dự án Trưng Vương một cách nghiêm túc và dài hơi, Janet ý thức rằng phải nghiên cứu cả lịch sử lẫn các phương diện lý thuyết khoa học khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta đều biết trống đồng nhưng ít có ai để ý rằng tổ tiên của chúng ta đã biểu hiện toàn bộ ý niệm về vũ trụ thông qua các hình ảnh trên mặt trống.
Janet rất yêu thích môn Lịch sử, đã từng đọc các tài liệu về lịch sử cổ đại vùng Ai Cập, Hy Lạp, Anh Quốc… nên lập tức đối chiếu các thông tin về thời kỳ cổ đại của họ với Việt Nam. Về cơ bản, ý niệm về thế giới và cội nguồn của các dân tộc là tương tự nhau.
Ngoài ra, Janet và các chuyên gia cũng như ê kíp luôn cố gắng tìm hiểu, hình dung hình ảnh làng xã, cộng đồng người Việt cổ từ thời Hùng Vương. Những nghiên cứu này nhằm phác thảo hai yếu tố song song là thực tế (fact) và huyễn tưởng (fantasy) để ứng dụng vào các sản phẩm nghệ thuật của dự án.
Dự án phim huyền sử Trưng Vương (She-Kings) của Công ty TNA Entertainment được công bố chính thức vào ngày 20-10-2019. Đến nay đã phát hành 5 tập phim hoạt hình về các nữ tướng dưới thời hai Bà Trưng trên kênh YouTube, ca khúc I’ll give my soul (nhạc sĩ Nguyễn Khôi Nguyên, ca sĩ Mai Phương) bước vào bảng xếp hạng Billboard của thế giới. |
Xem thêm: lmth.cas-nab-hnih-hnid-av-gnuv-neb-ioh-ax-puig-tauht-ehgn-ogn-tenaj/359613/nv.semitnogiaseht.www