Cụ ông đã tỉnh táo, hết sốt sau khi được nội soi lấy ra hạt đậu trong phổi - Ảnh: T. L.
Đó là trường hợp của cụ ông P.V.K. (95 tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), ông được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ do sốt, ho, khó thở, nặng ngực… kéo dài 2 tháng, đã từng điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không giảm.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy diễn biến bệnh liên tục sốt cao, có những cơn khò khè, khó thở, đáp ứng chậm với phác đồ điều trị viêm phổi.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khoa nội hô hấp quyết định nội soi phế quản bằng ống soi mềm để thám sát, phục vụ chẩn đoán và lấy bệnh phẩm xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Bất ngờ trong lúc nội soi thám sát đường thở, các bác sĩ phát hiện dị vật là nửa hạt đậu phộng (kích thước 6x12mm) nằm ở thùy giữa phổi phải, phần xung quanh dị vật viêm đỏ. Êkip nội soi đã dùng thòng lọng lấy thành công dị vật ra ngoài, bơm rửa sạch thùy giữa phổi phải, đồng thời lấy dịch để xét nghiệm.
Sau khi có kết quả nội soi, người nhà cụ ông mới nhớ lại và cho biết trùng khớp thời gian khoảng 2 tháng trước, cụ có ăn xôi đậu phộng, sau khoảng 1 tuần thì bắt đầu ho, khó thở, nặng ngực kéo dài.
Sau khi được lấy dị vật ra, hiện tại tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, phổi thông khí tốt và đã hết sốt. Theo tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy - trưởng khoa nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, dị vật phế quản, đặc biệt ở người già rất nguy hiểm, có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại đe dọa tính mạng người bệnh.
Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi, thường các trường hợp này không biết và hoặc không nhớ mình bị hóc, sặc dị vật trong lúc ăn uống nên có khi dị vật bị kẹt và bỏ quên lạc vào phổi, lâu ngày gây biến chứng như viêm phổi. Ở người lớn tuổi rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như lao phổi, u phổi hay tràn dịch màng phổi…
"Trong những trường hợp này, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định nội soi phế quản thám sát tìm nguyên nhân, phương pháp này giúp chẩn đoán xác định vị trí dị vật, các tổn thương nếu có. Đây là phương pháp tối ưu lấy dị vật ra khỏi đường thở nhanh và ít gây tổn thương" - bác sĩ Thúy nói.
TTO - Chiều 3-2, thạc sĩ - bác sĩ Phan Đình Long, khoa Mũi Xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng mới vừa lấy răng giả trong thanh quản cho ông L.M.H.