vĐồng tin tức tài chính 365

Tiếp cận quân bình khi làm luật: Thành viên lớn của công ty phải hy sinh?

2021-06-06 12:07

Tiếp cận quân bình khi làm luật: Thành viên lớn của công ty phải hy sinh?

Trương Trọng Hiểu (*)

(KTSG) - Kinh tế Sài Gòn số 16-2021 có đăng bài Đem luật công ty đi đáo tụng đình. Qua đó, tác giả - LS. Trương Hữu Ngữ đã có những đánh giá xác đáng về việc thực thi pháp luật doanh nghiệp. Quá trình giải quyết tranh chấp vì vậy cần lấy luật làm trọng, dù điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích của bên này, bên kia. Việc bảo vệ lợi ích của các bên thuộc về khâu làm luật. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhà làm luật rất cần một cái nhìn khác.

Các phiên bản Luật Doanh nghiệp càng về sau càng mở rộng quyền tự quyết của doanh nghiệp. Chính vì vậy, điều lệ công ty ngày càng trở thành văn kiện quan trọng trong tổ chức và hoạt động của công ty cho dù trên thực tế vẫn có không ít doanh nghiệp “làm” điều lệ cho có và cốt chỉ để thỏa mãn điều kiện thành lập.

Xin trở lại quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 về họp và đưa ra quyết định của hội đồng thành viên (HĐTV) trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên để làm ví dụ điển hình.

Theo quy định hiện thời, cuộc họp của HĐTV được tiến hành (triệu tập lần đầu) khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên (điều 58.1).

Trên cơ sở đó, quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty cần phải được biểu quyết tại cuộc họp và phải được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn của tất cả các thành viên dự họp trở lên tán thành (điều 59.3 (b)).

Tuy nhiên, điều 58 và 59 đều dành cho doanh nghiệp quyền được tự xác định tỷ lệ biểu quyết cụ thể đó. Đối với điều kiện tiến hành cuộc họp, công ty có quyền thiết lập “tỷ lệ cụ thể” từ con số 65% nói trên. Riêng với điều kiện thông qua quyết định, luật còn nới lỏng hơn nhiều khi cho phép doanh nghiệp được quy định một tỷ lệ khác, có nghĩa con số đó không nhất thiết phải “từ 75%”.

Soi vào tình huống của Công ty Sunwah Pearl, nơi mà hai thành viên của công ty (công ty chỉ có hai thành viên này) đã thống nhất ghi vào điều lệ công ty rằng, bất kỳ sửa đổi nào đối với điều lệ đều phải có sự chấp thuận của 100% thành viên HĐTV(1), chúng ta có thể thấy điều đó chỉ xảy ra khi cuộc họp của HĐTV có sự hiện diện của tất cả các thành viên dự họp. Điều này đồng nghĩa, khi thiết lập tỷ lệ tuyệt đối cho việc thông qua quyết định thì đồng nghĩa tỷ lệ tham dự của các thành viên trong công ty tại HĐTV cũng phải đạt con số tuyệt đối.

Pháp luật, đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp, cần phải ghi nhận quyền tự quyết của nhà đầu tư và doanh nghiệp, thể hiện qua bản điều lệ của công ty. Nhưng điều đó không có nghĩa là Luật Doanh nghiệp không cần đặt ra những giới hạn nhất định...

Thực ra, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty chỉ là một trong những nội dung quản lý của công ty được Luật Doanh nghiệp đề cập. Điều đáng quan tâm là trong tất cả các lần triệu tập cuộc họp HĐTV(2) hay thông qua các quyết định của cơ quan này, Luật Doanh nghiệp đều... không quên sử dụng cụm từ đại loại là “trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác” với hàm ý rằng, Luật Doanh nghiệp chỉ là “kẻ” đứng sau Điều lệ.

Không thể phủ nhận là pháp luật, và đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp, cần phải ghi nhận quyền tự quyết của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhưng điều đó không có nghĩa là Luật Doanh nghiệp không cần đặt ra những giới hạn nhất định để bảo toàn môi trường kinh doanh, thuộc tính thống nhất của loại hình doanh nghiệp và đặc biệt là trạng thái quân bình lợi ích có thể có được giữa các bên.

Về mặt tổ chức, với cách trao quyền không có sự khống chế như hiện tại, trong việc quản lý công ty, điều gì sẽ xảy ra nếu như cuộc họp của HĐTV không thể tiến hành cho dù được triệu tập nhiều lần mà vẫn không có đủ thành viên tham dự? Về mặt lợi ích, điều gì sẽ xảy ra nếu như một quyết định của HĐTV sẽ không thể thông qua chỉ vì một thành viên nắm giữ tỷ lệ vốn nhỏ không tán thành?

Nếu cho rằng, việc trao quyền tự quyết như vậy là nhằm để bảo vệ quyền lợi của thành viên nhỏ thì chẳng lẽ nào thành viên lớn buộc phải... hy sinh lợi thế và lợi ích của mình? Về mặt lý thuyết, công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp có và cần phải có tính đối vốn cao hơn các hợp danh (partnership) hay kể các nhóm kinh doanh, tổ hợp tác tương thân, tương trợ truyền thống khác. Đối vốn cao, dù chưa phải là tuyệt đối, thì ít ra người góp vốn nhiều cũng có nhiều hơn một tí quyền và quyền lợi. Cho nên, trao quyền tự quyết cho các bên và doanh nghiệp mà thiếu sự hạn định vô hình trung làm mất đi thuộc tính cần phải có của loại doanh nghiệp này.

Và câu chuyện lại trở nên cần thiết hơn trước nguy cơ thành viên “nhỏ” chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình để buộc thành viên “lớn” cũng phải hy sinh quyền lợi của họ vì dù gì thì quyền lợi của thành viên “nhỏ” cũng... có đáng là bao.

Nhưng nguy hiểm hơn chính là cách nhìn quân bình lợi ích cào bằng trong xây dựng pháp luật. Trên thực tế, không ít tình huống cho thấy những mâu thuẫn chồng chất trong nội bộ công ty mà xuất phát điểm của nó chính là những xung đột về mặt lợi ích.

Một trong những nội dung xung đột đó là có thành viên/nhóm thành viên cho rằng bộ máy quản lý/thành viên quản lý công ty đã buộc họ phải hy sinh quyền lợi (như được chia lợi nhuận/lợi nhuận cao) để bảo đảm lợi ích của người quản lý, của thành viên khác và thậm chí là vì lợi ích chung của công ty mà riêng bản thân họ không có trách nhiệm cho những lợi ích và mục tiêu chung đó. Có thể không hoàn toàn tương thích nhưng trường hợp của Coteccons là đã phản chiếu ít nhiều vài góc cạnh của những tranh cãi này, và hậu quả của nó chính là một cuộc cải tổ và tái thiết bộ máy quản lý.

Luật Doanh nghiệp vì vậy cần phải dự liệu để tránh xảy ra sự ách tắc trong quá trình vận hành của một doanh nghiệp. Và câu chuyện lại trở nên cần thiết hơn trước nguy cơ thành viên “nhỏ” chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình để buộc thành viên “lớn” cũng phải hy sinh quyền lợi của họ vì dù gì thì quyền lợi của thành viên “nhỏ” cũng... có đáng là bao. Tỷ như, thay vì đồng thuận thông qua quyết định chia lợi nhuận để có thể nhận số tiền lời ít ỏi được chia theo số vốn góp thấp, thành viên “nhỏ” có thể bác bỏ điều này để thành viên “lớn” cũng phải dành luôn số tiền lời nhiều hơn của họ cho các kế hoạch, phương án tái đầu tư. Câu chuyện rõ ràng đang rẽ theo một hướng khác.

Còn nếu cho rằng, những nội dung điều lệ công ty như vậy đó là lựa chọn của thành viên lớn ngay từ đầu vì thành viên nhỏ... có lợi thế gì đó, nếu điều đó xảy ra thật thì pháp luật càng... “có lỗi” vì đã không khống chế mà còn mở đường cho những thứ, giá trị ẩn dưới lớp văn bản thương thảo. Nếu thành viên nhỏ có tài năng thì có nên chăng thành viên lớn, doanh nghiệp dành cho họ vị trí quản lý, điều hành và trả lương sòng phẳng thay vì biến thành... quyền phủ quyết?

Nhưng quan trọng hơn hết là pháp luật cần phải đóng vai trò dẫn dắt, để các bên có cơ chế hợp lý hơn trong hợp tác cũng như tránh xui rủi sai đường.

Tuy nhiên, như đã nói ngay từ đầu, cách tiếp cận này cần phải được phản ánh rõ nét lúc làm luật. Còn khi “gạo đã thành cơm” thì với tòa, luật là căn cứ để giải quyết vấn đề.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.

(1)  Điều lệ được xây dựng vào năm 2016, vì vậy sẽ chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp 2014 vào thời điểm đó. Tuy nhiên, quy định hiện tại của Luật Doanh nghiệp 2020 về vấn đề này không thay đổi.

(2)  Theo Luật Doanh nghiệp, cuộc họp HĐTV lần thứ hai được tiến hành (nếu triệu tập lần đầu không thành công) khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở lên và cuộc họp HĐTV lần thứ ba được tiến hành (nếu triệu tập lần thứ hai không thành công) không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu “Điều lệ công ty không có quy định khác” (điều 58.2).

Xem thêm: lmth.hnis-yh-iahp-yt-gnoc-auc-nol-neiv-hnaht-taul-mal-ihk-hnib-nauq-nac-peit/719613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiếp cận quân bình khi làm luật: Thành viên lớn của công ty phải hy sinh?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools