Hôm 3-6, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Nghị (39 tuổi, trú tại Nam Định) về tội chống người thi hành công vụ.
Theo công an, khi lưu thông đến ngã tư Khuất Duy Tiến, Nghị bị tổ công tác Đội CSGT số 7 ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, Nghị không chấp hành, liên tục chửi bới, thậm chí cầm gạch lao vào định tấn công CSGT. Ngay lập tức, Nghị bị lực lượng chức năng khống chế, đưa về trụ sở giải quyết.
Trước đó, Công an quận 8 (TP.HCM) cũng khởi tố ba người về cùng tội danh nêu trên. Cụ thể, tối 9-5, tổ công tác 363 phát hiện chiếc Ferrari biển số 51F-819.40 chạy trên đường Dương Bá Trạc, không gắn biển số phía trước nên dừng xe kiểm tra.
Quá trình làm việc, tài xế không chấp hành mà liên tục la hét, có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm cảnh sát nên bị khống chế. Trong khi đó, người phụ nữ đi cùng dùng điện thoại quay clip, lợi dụng việc mang thai ngồi trước đầu xe, cản trở không cho tổ cẩu xe về trạm…
Cảnh sát khống chế Nguyễn Văn Nghị vì có hành vi chống đối CSGT. Ảnh: FB
Cùng với hai vụ việc trên, thời gian qua liên tiếp xảy ra các trường hợp chống đối người thi hành công vụ, nhất là với lực lượng CSGT. Các biện pháp xử lý nghiêm khắc đã được cơ quan chức năng áp dụng, tuy nhiên tình trạng này vẫn tồn tại.
Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng hành vi chống đối CSGT ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thực thi công vụ của lực lượng CAND, đồng thời thể hiện sự coi thường pháp luật của người vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Hiếu nhận định cần giải quyết từ cả hai phía người dân và CSGT. Trong đó, người dân cần được tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật để hiểu biết, nâng cao ý thức, không vi phạm pháp luật.
Với lực lượng CSGT, “vũ khí” mạnh nhất để trấn áp tội phạm chống người thi hành công vụ chính là luật pháp. “CSGT phải hiểu và phải thực hiện hết quyền hạn của mình mà pháp luật cho phép” – ông Hiếu nói.
Theo vị trung tá, mỗi cán bộ, chiến sỹ CSGT cần dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong đó tập trung vào các chế định phòng vệ chính đáng, bắt người phạm tội quả tang, cần hiểu rõ các yếu tố cấu thành tội các chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…
“Bởi khi đã hiểu thì sẽ ngay lập tức nhận diện được hành vi đó đã cấu thành tội gì, để kịp thời có biện pháp trấn áp tương ứng với tính chất, mức độ sai phạm. Tuyệt đối không được đứng im hoặc xử lý lóng ngóng, không dứt khoát…” – ông Hiếu giải thích.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, theo Trung tá Đào Trung Hiếu, còn một yếu tố quan trọng khác đến từ chỉ huy các đơn vị CSGT. Để cán bộ, chiến sĩ tự tin và mạnh dạn thực hiện hết các quyền hạn mà pháp luật quy định, người chỉ huy ở nhà cũng cần phải bản lĩnh, bênh vực cán bộ trong những tình huống cưỡng chế người vi phạm hoặc bị đưa lên mạng xã hội (mà phần đúng thuộc về CSGT).
“Thực tế có những chiến sĩ ngại va chạm, không dám mạnh tay trấn áp người vi phạm có hành vi chống đối đến mức cần phải xử lý hình sự, là do họ sợ bị kỷ luật, phải giải trình, kiểm điểm, ảnh hưởng đến công tác, sự nghiệp” – vị này ví dụ.
Đặc biệt, chuyên gia tội phạm học cho rằng cần xử lý nghiêm theo quy định Luật An ninh mạng và các văn bản luật liên quan đối với những người có hành vi ghi hình hoạt động của CSGT, đăng tải lên mạng xã hội với mục đích khiêu khích, cố tình cản trở hoạt động của lực lượng chức năng.
“Rất nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, nhằm mục đích khiêu khích, giễu cợt, làm xấu hình ảnh lực lượng CAND, cổ vũ cho thái độ bất tuân pháp luật, kích động sự chống đối cơ quan thực thi pháp luật” – ông Hiếu dẫn chứng.
Vị trung tá nói việc quay clip hoạt động của CSGT rồi đăng tải lên mạng xã hội với thái độ thách thức, giễu cợt chính là “thủ phạm giấu mặt” làm lây lan thói quen, lối hành xử coi thường pháp luật, tạo ra các khuôn mẫu ứng xử cho người khác khi bị CSGT kiểm tra, tạo thành nhận thức lệch lạc rằng việc chống lại CSGT là đương nhiên, cần thiết.
“Hành vi sai trái mà được phổ biến thường xuyên, liên tục, được nhiều nhóm xã hội tán thưởng, cổ vũ...sẽ tạo cảm giác hành vi đó là đúng. Theo quy luật tâm lý đám đông, sự lây lan phản ứng chống đối từ hiệu ứng bắt chước là điều khó tránh khỏi” – Trung tá Hiếu phân tích, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý hành vi sai phạm này.