Đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa) đang gây nhiều tranh cãi, thậm chí được cho là phản giáo dục khi trích dẫn nội dung trong sách của Lu-Mannup: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: 'Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng'. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu" và đặt câu hỏi: "Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Thậm chí có ý kiến cho rằng giả định này phản cảm, không mang tính giáo dục vì "nói nước sôi trong văn học, học sinh thường hay nghĩ đến chi tiết độc ác trong 'Tấm Cám', hay nói cách khác đề thi không hướng đến tính nhân văn".
Theo bạn đọc Huỳnh Long Minh, đề thi này không phải là rùng rợn hay mang tính phản cảm nhưng cách đặt vấn đề thiếu tính trong sáng và nông cạn.
"Mục đích của đề thi này theo tôi là kiểm tra khả năng phân tích thực tế của hoàn cảnh một cách khách quan dựa trên sự quan sát thế giới xung quanh. Qua đó đánh giá tính chủ quan của học sinh trong sự chọn lựa của cá nhân, cũng dựa trên sự quan sát này, về những tiêu chuẩn cá nhân về giá trị luân lý và đạo đức.
Hình thức của đề thi vì tối nghĩa và phiến diện nên mất mục tiêu chính yếu. Thêm vào đó, đề thi thiếu tính dân tộc khi chỉ dựa vào "phương Tây" mà không liên đới với phương Đông nói chung hay Việt Nam nói riêng" - bạn đọc này nhận định.
Bạn đọc Hà Yên (TP Cần Thơ) đồng tình với một số ý kiến cho rằng đề thi có nhiều "sạn".
"Ở đây, người ra đề có thể biện luận là trong đề bài có chữ "nếu", tức chỉ giả định, nhưng giả định kiểu này thì bị phản ứng là đúng. Đó là chưa kể tính đến việc sẽ mở đường cho những giả định vô cảm, kiểu như: "Nếu nhà em bị cháy,...", "Nếu cả gia đình em bị mắc COVID-19"..., dư luận sẽ "ném đá". Điều này cũng khiến tôi nhớ đến một bài tập môn toán từng đọc đâu đó có câu: "Hai bàn tay em có 10 ngón, chặt bỏ 2 ngón thì còn mấy ngón?".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Quốc Thắng (TP.HCM) cho rằng đề thi hay và mang một triết lý tuy đơn giản mà sâu xa, hiệu quả, giá trị bài học cuộc sống rất rõ, rất cần thiết cho các em học sinh tuổi 15-16, tuổi đã biết suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống.
Bạn đọc này chia sẻ: "Tôi cảm nhận đây là đề thi hay. Bài học về sự thích nghi với cuộc sống là bài học hay hơn hết. Cuộc đời như nồi nước sôi, nồi nước sôi này là những khó khăn, thử thách, là những cuộc thi mà bạn phải vượt qua, là những mối quan hệ cần phải gắn kết hay càng lãng quên càng tốt. Khi bạn vào đời, bạn sẽ là khoai tây hay là trứng là do bạn tự chọn cho mình. Khi đã vào đời - nhảy vào nồi nước sôi thì khoai tây hay là trứng đều cùng chịu tác động của nước sôi.
Là khoai tây hay là trứng thì cũng là vật chất giúp ích cho đời, phải uyển chuyển để thích nghi. Củ khoai tây khi chưa vào nước sôi thì cứng, nhưng để ăn được thì nó sẽ mềm đi. Trứng trước khi vào nồi là một dạng chất lỏng nằm trong lớp vỏ cứng, khi vào nồi nước sôi trứng sẽ đặc lại, khi đó sẽ thành món trứng luộc.
Và ngược lại, nếu khoai tây vào nước sôi mà không mềm là khoai sượng, trứng vào nước sôi mà không chín là trứng ung. Nói tóm lại, nó sẽ là thứ bỏ đi. Đó cũng là hình ảnh đại diện cho mỗi chúng ta, những người mỗi ngày đều cùng chịu một áp lực nào đó của cuộc sống. Nhưng cũng như những vật chất trên, chúng ta có cách phản ứng khác nhau để là thứ có ích cho cuộc sống".
Theo bạn đọc Phan Thế Hoài, giáo viên môn văn trường THPT ở TP.HCM, tình huống "nước sôi" cũng chỉ là một giả định, quan trọng là giám khảo chấm theo hướng mở thế nào. Học sinh có thể phản biện lại giả định, em không chọn nước sôi, có thể chấp nhận giả định nhưng lại chọn làm khoai tây, hoặc không chọn cả hai như nhiều người vẫn tranh biện. Thế mới gọi là nghị luận, mới kiểm tra được năng lực học sinh.
"Học sinh có thể bày tỏ quan điểm thế này, nếu phải ở trong nước sôi em sẽ chẳng chọn làm củ khoai tây hay làm quả trứng. Bởi vì chọn làm khoai tây thì em bị luộc mềm, còn chọn làm quả trứng em sẽ bị luộc chín. Khi đó khoai tây hay trứng đều trở thành món ăn khoái khẩu cho người khác.
Và nếu giả định xảy ra thật, lại bắt em lựa chọn một trong hai thứ đó thì chọn cái gì cũng sẽ phũ phàng hơn. Em nhất quyết không chọn làm củ khoai tây hay chọn làm quả trứng khi ở trong nước sôi, vì chọn như vậy là chọn con đường chết khi rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt. Do đó nếu phải ở trong nước sôi thì lựa chọn duy nhất của em đó là phải thoát ra khỏi cái vũng nước sôi nhanh nhất bằng bất cứ giá nào, chỉ có như vậy thì sự sống với em mới còn tồn tại và em mới còn mục tiêu để thực hiện các ước mơ khác", thầy Hoài nói.
Cũng theo thầy giáo này, có thể học sinh sẽ không có một lựa chọn nào, củ khoai tây hay quả trứng. Vậy nên, rất cần một đáp án mở, phù hợp thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán, đúng với tinh thần nghị luận để phù hợp với yêu cầu đề ra.
Chưa thể tìm ra câu tục ngữ nào của Việt Nam tương tự như câu ngạn ngữ trong đề thi, nhưng bạn đọc Huỳnh Long Minh gợi ý giả định đề thi: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Phép ẩn dụ này nhằm nói lên thực chất của bản lĩnh nội tại khi đối đầu với một hoàn cảnh nghiệt ngã. Tục ngữ Việt Nam, khi đề cập đến việc chọn lựa trước hoàn cảnh quyết định sự sống còn, có câu: "Thà chết vinh hơn sống nhục", nhưng vẫn có những người vẫn chọn sống nhục!? Lu-Mannup cho rằng "hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu". Nếu phải đứng trước một hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, sự chọn lựa của em là gì, mềm như khoai tây hay cứng như trứng? Tại sao?".
"Phương Tây có câu ngạn ngữ: Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu" (Lu-Mannup). Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Theo bạn, đề thi trên có rùng rợn và phản cảm? Có nên ra đề dạng như vậy cho học sinh? Mời bạn gửi ý kiến về email: giaoduc@tuoitre.com.vn.
TTO - Câu hỏi trong phần nghị luận xã hội của đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa) đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí được cho là phản giáo dục.