Bạn có đang bị công nghệ thao túng?
Trong cuốn sách này, hai tác giả Imran Rashid và Soren Kenner sẽ chỉ ra những đặc điểm giúp độc giả thấy rằng, mình đang bị công nghệ thao túng như: Luôn khư khư mang theo thiết bị thông minh bên mình và thiết bị luôn trong trạng thái mở; đồ vật ở trên tay trước khi ngủ và ngay sau khi ngủ dậy luôn là thiết bị thông minh; lập tức mở điện thoại khi có thông báo mới; thậm chí chốc chốc lại mở điện thoại và các ứng dụng xã hội ra xem dù không có thông báo mới; dễ dàng bị phân tâm vì điện thoại/ máy tính bảng; cảm thấy túi quần áo rung lên như điện thoại có thông báo mới, nhưng khi mở điện thoại ra xem mới phát hiện rằng đó chỉ là tâm trí đang đánh lừa mình; mất hàng chục phút thậm chí hàng giờ đồng hồ để tương tác hoặc kéo vuốt liên tục bảng tin trên mạng xã hội…
Thực tế, theo các số liệu thống kê, tính đến năm 2019, trên thế giới đã có 6,5/ 8 tỷ người sở hữu điện thoại thông minh và máy tính bảng; trong đó 3,7 tỷ người có thể dùng các thiết bị này để truy cập internet. Và tổng cộng có hơn 1/3 dân số thế giới sử dụng một hoặc nhiều hơn một mạng xã hội để đăng tải thông tin, trao đổi ý tưởng, giữ liên lạc với bạn bè, giải trí…
Và DFAG - Hội chứng phân mảnh kỹ thuật số là hiện tượng người dùng ban đầu, sử dụng công nghệ vì mình muốn, nhưng cuối cùng lại buộc sử dụng nó vì không thể cưỡng lại sự thu hút của nó. Không muốn bị bỏ lỡ thông tin, dù phần lớn những thông tin đó không có nhiều lợi ích cho cuộc sống của bản thân - là hiệu ứng FOMO…
Những người đang thao túng bạn, con bạn và những ô nhiễm kỹ thuật số đáng lo ngại
Từ phân tích về hoạt động của não bộ và hai loại hormone quan trọng giúp duy trì sự chú ý và thỏa mãn của con người bao gồm dopamine và oxytocin; các tác giả của cuốn sách "Offline" đã chỉ ra cách thức những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới – tiêu biểu như: Facebook, Apple, Google và Instagram… - đã và đang tận dụng các kiến thức này để hack não, lôi kéo, gây nghiện người dùng, để kéo họ vào guồng kinh doanh kiếm tiền khổng lồ và bất tận của họ.
Thiết kế gây nghiện có rất nhiều kiểu ngụy trang: núp dưới hình thức các thông báo, biểu tượng cảm xúc, câu chuyện thú vị có kết thúc bỏ lửng, mấy câu thả thính, hiệu ứng vuốt màn hình liên tục, nỗi lo sợ bị bỏ lỡ (FOMO) và các hiệu ứng khác. Tất cả đều được thiết kế để khơi gợi, khiến người dùng tò mò mở màn cuộc đọ súng với các yếu tố kích hoạt dopamin của mình và khởi phát một chu kỳ thèm muốn - hành động - phần thưởng. Hiệu ứng này thường được gọi là độ dính, cực kỳ có giá trị đối với các công ty đang cạnh tranh để thu hút và bán lại sự chú ý của người dùng cho các đối tác khác, kích thích họ quyết định mua sắm.
Nếu người dùng không trả tiền cho sản phẩm, thì chính họ là sản phẩm. "Chúng ta là sản phẩm của các nền tảng truyền thông xã hội. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của họ, chúng ta thậm chí còn cung cấp cho họ tất cả thông tin mà họ yêu cầu một cách miễn phí từ tên, tuổi, số điện thoại, đến sở thích…"
Doanh thu của các gã khổng lồ công nghệ cực lớn. Năm 2017, tổng doanh thu của Apple đạt 215 tỷ đô, Alphabet (công ty mẹ của Google) đạt 110 tỷ đô, Facebook đạt 40 tỷ đô… lớn hơn cả nền kinh tế của nhiều nước như Thụy Điển, Ý hay Hà Lan...
Điều đáng nói, bên cạnh mặt tích cực, hàng trăm triệu người đang phải hứng chịu các ô nhiễm kỹ thuật số, gây độc hại cho cơ thể và tâm trí không kém các chất gây ô nhiễm môi trường khác.
Rối loạn giấc ngủ; căng thẳng gia tăng; khả năng phục hồi bị suy giảm; thể chất yếu đi; mối quan hệ với người thân bị suy giảm; nơ-ron thần kinh tái cấu trúc kém, đặc biệt là ở trẻ em… là các ô nhiễm về mặt sinh lí của những người nghiện thiết bị kỹ thuật số.
Về mặt tâm lý, việc nghiện các thiết bị số làm đầu óc kém hoạt bát, giảm thiểu khả năng kiểm soát xung động, hành vi phản ứng ngày càng gia tăng, hành vi chủ động ngày càng ít đi; mức độ của các hành vi bốc đồng cũng tăng lên, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, thời gian chú ý bị rút ngắn; khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng giảm sút; ít kiểm soát được bản thân làm lòng tự trọng bị suy giảm; cảm thấy cuộc sống của mình thua kém nhiều người khác, không yêu bản thân.
Về mặt xã hội, người nghiện các thiết bị kỹ thuật số sẽ có tương tác thực ngoài xã hội bị giảm sút, có ít lòng thông cảm với người khác, sợ bị bỏ rơi, dễ dàng tham gia vào các hành vi tiêu cực như bắt nạt hội đồng; nhìn nhận hiện thực lệch lạc, giảm gắn kết xã hội, thậm chí gia tăng chống đối xã hội
Đã đến lúc ngắt bỏ sự thao túng đó
Điều tuyệt vời không thể không nhắc đến đó là trong cuốn sách "Offline - Giải phóng tâm trí bạn khỏi điện thoại thông minh và mạng xã hội’", hai tác giả đã cung cấp những chỉ dẫn giúp bản thân mỗi người thay đổi cách sử dụng các thiết bị số, nhằm tránh các ô nhiễm/tác hại xấu của các thiết bị này. Đó là cách tạo thói quen tốt, cách sử dụng thời gian hiệu quả; xác định yếu tố kích hoạt/ tín hiệu và lập kế hoạch đối phó; rồi bắt đầu hành động; tìm nguyên nhân thất bại để sửa sai…
Tương tự như vậy, các tác giả cũng đưa ra các hướng dẫn giúp độc giả dạy con các thói quen kỹ thuật số hợp lý và lành mạnh; các nguyên tắc tâm lý cơ bản, học cách tập trung, thực hành có chủ ý; xây dựng hiệu quả cho bản thân.
Đây là cách để mỗi người dùng các thiết bị kỹ thuật số có thể tận hưởng những lợi ích của các thiết bị này, đồng thời chống lại được các tổn thương não bộ, cùng các ô nhiễm về mặt tâm, sinh lý và xã hội như đã kể trên.
Hai tác giả viết: "Mạng internet và các thiết bị thông minh, giống như mọi công nghệ quan trọng khác, là một con dao hai lưỡi… Con đường tốt nhất đang nằm ở phía trước, tùy thuộc vào việc chúng ta có giành lại được quyền làm chủ thiết bị - vốn đang làm chủ chúng ta – hay không?"
‘Offline’ là phiên bản nâng cấp của cuốn sách ‘Sluk’ (tạm dịch: Tắt đi!) đã được hai tác giả xuất bản trước đó bằng tiếng Đan Mạch và nằm trong danh sách sách bán chạy nhất tại Đan Mạch trong vòng 18 tháng!
Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách ‘Offline’ cũng nhận được đánh giá tích cực của rất nhiều chuyên gia và độc giả có danh tiếng cũng như độc giả thông thường ở khắp nơi trên thế giới. Nhận xét về cuốn sách, Anette Prehn, Chủ tịch Ban phòng chống căng thẳng của Đan Mạch viết: "Offline là cuốn sách cần phải đọc với bất kỳ ai đang sử dụng điện thoại thông minh và máy tình bảng!". Teresa Egballe, Giám đốc Hội đồng một thành phố tại Mỹ, mẹ của 3 đứa trẻ thì viết: "Nếu con bạn đang sử dụng điện thoại thông minh, thì bạn cần đọc cuốn sách này!".
Tác giả cuốn sách Tiến sĩ Imran Rashid là một chuyên gia công nghệ thông tin và bác sĩ gia đình, ông hiện đang là Trưởng phòng đổi mới của Bệnh viện tư nhân lớn nhất Đan Mạch, Aleris-Hamlet. Trong khi đó Soren Kenner là một nhà kinh doanh và tiếp thị trực tuyến thành công, ông từng là CEO của McCann MRM EMEA, công ty quảng cáo chuyên làm việc với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Cùng với nhau họ đã sử dụng các kiến thức phong phú của mình trong y học, công nghệ và marketing để đưa ra những kiến thức đơn giản nhưng chất lượng về tác động của công nghệ với sức khỏe và não bộ con người.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị