Nguy cơ rình rập
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới hiện có hơn 2,3 tỷ người dưới 18 tuổi đang truy cập Internet hằng ngày. Bình quân cứ ba người truy cập Internet, có một trẻ em. Còn theo số liệu của UNICEF tại Việt Nam, hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính mạng Internet cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội, là nạn nhân của bạo hành, lợi dụng.
Hiện nay, có một số hình thức phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em, đặc biệt trẻ em từ 11 đến 16 tuổi thường gặp phải. Đó là trẻ tiếp cận với quá nhiều thông tin giả (fake news) trên mạng; bị bắt nạt trên mạng, nguy cơ bị lộ lọt thông tin của trẻ em trên môi trường mạng, bị gạ gẫm về tình dục qua mạng…
“Bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi sẽ được xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục. (Ảnh minh hoạ) |
Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh, thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trực tuyến trên mạng Internet. Ngoài ra, hơn 75% số trẻ thanh, thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.
Số liệu thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, sau 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 (gọi tắt là tổng đài 111) đã nhận trên 4 triệu cuộc gọi đến trao đổi về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin cho biết: Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế xã hội như gia đình, họ hàng người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em...
Tuy nhiên, trên môi trường mạng, hiện còn thiếu các thiết chế để bảo vệ trẻ em. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng đề án với những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, trước hết, chúng ta cần xây dựng một môi trường mạng thật lành mạnh cho trẻ em vì đây đang là không gian mà trẻ đang tiếp xúc hằng ngày, từng giờ. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dang hoá các hoạt động bảo đảm đủ không gian vui chơi an toàn và sáng tạo cho trẻ em trong đời sống thực.
Tạo lập “thiết chế” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo ra một “thiết chế” để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điểm nhấn đáng chú ý mà chương trình hướng tới là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em “hệ miễn dịch số" để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
Phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các trang web tên miền quốc gia “.vn”, trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam phải tự phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em.
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” có tính liên ngành cao. Bên cạnh cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông, chương trình cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an.
Trong đó, Bộ Công an được giao nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và lực lượng nghiệp vụ áp dụng các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em. Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em liên quan đến môi trường mạng.
Chương trình cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá như triển khai các giải pháp công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…) để tự động thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn/xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em; thành lập và tổ chức hoạt động của"Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" với các nhiệm vụ chính gồm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời những phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111; hướng tới hình thành một ứng dụng duy nhất trên môi trường mạng để phản ánh, chia sẻ các vấn đề liên quan tới trẻ em.