Biểu tình bên ngoài căn hộ của nhà sáng lập Công ty Amazon Jeff Bezos ở New York yêu cầu ông đóng nhiều thuế hơn - Ảnh: REUTERS
Cụ thể, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu được đề xuất là 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất. Hiểu đơn giản là các công ty như Apple, Facebook, Amazon... sẽ phải trả khoản thuế này ở nơi có hoạt động kinh doanh chứ không chỉ ở nơi đăng ký kinh doanh - thường là những "thiên đường thuế khóa" với chính sách thuế thấp.
Sẽ cần nhiều năm để thỏa thuận được hiện thực hóa.
Báo The Globe and Mail của Canada nhận định
Ngăn "cuộc chạy đua xuống đáy"
Với thỏa thuận mới, trước tiên G7 sẽ tập trung buộc các công ty phải đóng nhiều thuế hơn ở quốc gia mà công ty trực tiếp bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Sau đó, họ muốn thống nhất một mức thuế tối thiểu toàn cầu để tránh việc các nước cạnh tranh nhau bằng một "cuộc chạy đua xuống đáy", như lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Theo thông tin từ cuộc họp của G7, các quy định sẽ được ban hành để buộc các công ty đa quốc gia phải trả thuế ở nơi mình có hoạt động bằng ít nhất 10% biên lợi nhuận. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nói trên, 20% của các khoản lợi nhuận trên mức biên lợi nhuận 10% này sẽ được phân bổ lại và đánh thuế tại các quốc gia mà công ty đăng ký hoạt động.
Hãng tin Reuters nhận định thỏa thuận ngày 5-6 giữa các nước G7 có thể giúp chính phủ các nước trong nhóm này thu được thêm hàng tỉ USD để xây bệnh viện, trường học, cải tạo cơ sở hạ tầng và khắc phục những hậu quả của dịch bệnh COVID-19.
Theo Đài BBC phân tích, chính phủ các nước từ lâu đã gặp nhiều khó khăn trong việc đánh thuế các công ty toàn cầu hoạt động ở nhiều quốc gia. Thách thức này ngày càng lớn hơn với sự bùng nổ của các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Amazon và Facebook.
Theo quy định thuế hiện tại, các công ty này có thể lập các chi nhánh địa phương ở các quốc gia có mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp và khai báo lợi nhuận ở đó một cách hợp pháp. Kẽ hở pháp lý này giúp cho họ chỉ phải trả mức thuế thấp ở những quốc gia được mệnh danh là "thiên đường thuế" ngay cả khi lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc bán hàng ở các quốc gia khác.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số của các nước, như thuế do Vương quốc Anh và các nước EU đưa ra, được cho là nhắm vào các hãng công nghệ lớn của Mỹ một cách không công bằng, sẽ được miễn trừ và thay thế bằng thỏa thuận mới.
Thời gian bỏ các quy định này chưa được làm rõ nhưng chắc chắn sẽ được tiến hành song song với việc triển khai thỏa thuận mới.
Thỏa thuận này sẽ tiếp tục được nêu ra trong cuộc họp G20 vào tháng 7-2021 với sự có mặt của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil... và sau đó là trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) với 37 thành viên.
Một số công ty công nghệ lớn có mặt ở Dublin, Ireland - một trong những thiên đường thuế lớn nhất của thế giới - Ảnh: Placetech
"Thiên đường thuế" lo lắng
Báo Irish Times, một tờ báo của Ireland - một "thiên đường thuế" toàn cầu, lo lắng rằng vì Mỹ đang thúc đẩy thỏa thuận này một cách mạnh mẽ, nên dù còn nhiều chi tiết cần cụ thể hóa, thỏa thuận coi như đã "xong".
Với Ireland, điều này có nghĩa là "thiên đường thuế" này sẽ thu được ít tiền thuế từ các công ty đa quốc gia hơn. Để hưởng ưu đãi về thuế, nhiều công ty toàn cầu đã lập trụ sở chính ở Ireland và từ đây kinh doanh ở khắp thế giới.
Khi thỏa thuận mới được áp dụng, các nước mà các công ty này kinh doanh có quyền tăng mức thuế thu dựa trên doanh số của họ trên thị trường. Khi phải đóng thuế nhiều hơn ở quốc gia có người tiêu dùng thực sự, họ sẽ đóng thuế ít lại ở Ireland.
Tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính Ireland cho thấy Ireland sẽ giảm hơn 2,4 tỉ USD trong tổng tiền thu thuế doanh nghiệp (gần 14,6 tỉ USD). Ngoài ra, Ireland cũng sẽ phải quyết định cách phản ứng với mức thuế tối thiểu toàn cầu, hiện được thống nhất là 15% và một số nước EU như Pháp đòi tăng cao hơn nữa.
Ireland có quyền giữ mức 12,5% hiện nay, trong khi các nước khác, như Mỹ, áp dụng mức thuế doanh nghiệp cao hơn. Khi đó, các công ty đặt trụ sở tại Ireland có thể phải trả thêm thuế tại các nước này bên cạnh khoản thuế đã nộp tại Ireland.
Trong đề xuất với OECD, bà Janet Yellen đưa ra các biện pháp chế tài khi một số nước không tham gia thỏa thuận đánh thuế tối thiểu mà cụ thể là từ chối xét tín dụng thuế - khoản ưu đãi cho phép các cá nhân hoặc tổ chức khấu trừ một tỉ lệ nhất định chi phí đầu tư từ trách nhiệm thuế của họ ngoài các khoản khấu trừ thông thường.
Về cơ bản, biện pháp này sẽ "gây áp lực" để buộc các quốc gia tham gia áp dụng mức thuế tối thiểu.
Đây là thỏa thuận lớn về thuế với các tập đoàn trong kỷ nguyên hiện đại, nhưng sẽ có nhiều rào cản lớn trong việc thực hiện đề xuất này. Đề xuất mới do G7 đưa ra, không phải EU, Mỹ hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - nơi các quy định mang tính ràng buộc. Đây sẽ là một quy trình lâu dài và có rất nhiều vấn đề để các luật sư và kế toán phải giải quyết.
Ông PATRICK HOLDEN (chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế ở Đại học Plymouth, Anh)
Báo cáo của Mạng lưới Bình đẳng về thuế, trụ sở tại Anh, cho biết trên phạm vi toàn cầu, các nước trên thế giới bị thất thu tổng cộng hơn 427 tỉ USD tiền thuế mỗi năm bằng các chiêu né thuế hợp pháp của các tập đoàn quốc tế và cá nhân. Trong đó, 245 tỉ USD là thất thoát thuế từ các doanh nghiệp và 182 tỉ USD là thất thoát thuế từ cá nhân. Mạng lưới này xếp Ireland ở vị trí thứ chín trên thế giới và thứ tư ở châu Âu về gây thất thu thuế cho các quốc gia khác.
Chính sách thuế của Ireland - một trong những "thiên đường thuế" lớn nhất thế giới - khiến các nước khác bị thiệt hại gần 16 tỉ USD tiền thuế mỗi năm, trong đó 10 tỉ USD do cá nhân và 6 tỉ USD do doanh nghiệp. Ireland là "tội đồ" với khoảng 3,7% thất thoát về tiền thuế trên toàn cầu.
Mặc dù ủng hộ thỏa thuận của G7, Ireland - nước mất tiền từ thỏa thuận - cũng kêu gọi cần chú ý đến quan ngại của các quốc gia nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về quy định thuế đối với doanh nghiệp toàn cầu sẽ phải đáp ứng nhu cầu của cả nước phát triển và đang phát triển.
Viết trên Twitter, ông Donohoe nêu: "Đây là vì lợi ích của mọi người để đạt được một thỏa thuận bền vững, tham vọng và bình đẳng đối với cấu trúc thuế quốc tế". Ông tự tin rằng nền kinh tế dựa vào thu thuế thấp của đất nước sẽ tiếp tục thu hút đầu tư đa quốc gia và việc làm ngay cả trong bối cảnh cải tổ về quy tắc thuế các tập đoàn toàn cầu thành công.
Mức 15% ra đời như thế nào? - H.V. tổng hợp
Phù hợp với thế kỷ 21
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đánh giá đây là một thỏa thuận "lịch sử" của G7. Theo ông, các doanh nghiệp sẽ không còn có thể trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp. Trong một tuyên bố, ông Scholz nhấn mạnh: "Đây là một tin tốt cho sự công bằng về thuế và tinh thần đoàn kết".
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ca ngợi: "Thỏa thuận này là điểm khởi đầu, và trong những tháng tới chúng tôi sẽ cố gắng để mức thuế doanh nghiệp tối thiểu này cao nhất có thể", trong khi Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận này đã tạo ra một "hệ thống công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ 21".
Facebook, Google, Amazon ủng hộ
Trụ sở của Facebook tại Dublin, Ireland - một trong những thiên đường thuế lớn nhất của thế giới - Ảnh: PierreOlivier
Sau khi các nước G7 nhất trí mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google và Apple đã lên tiếng ủng hộ sự cải tổ này và kêu gọi các nước sớm cụ thể hóa chính sách thuế của mình.
Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook và là cựu phó thủ tướng Anh, nêu: "Chúng tôi muốn quá trình cải tổ thu thuế các công ty quốc tế thành công, và hiểu rõ điều này có nghĩa là Facebook sẽ trả nhiều thuế hơn ở nhiều nơi hơn".
José Castañeda, người phát ngôn của Google, khẳng định hãng công nghệ này ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực đổi mới các quy tắc thuế quốc tế. "Chúng tôi hy vọng các nước sẽ hợp tác cùng nhau để chính sách thuế mới cân bằng và dài hạn sớm hoàn thiện", José Castañeda nói.
Trong khi đó, theo Reuters, người phát ngôn của Amazon cho biết: "Chúng tôi tin tưởng quy trình do OECD lĩnh xướng nhằm đề ra một giải pháp đa phương sẽ giúp mang lại sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế. Thỏa thuận của G7 đánh dấu một bước tiến đáng hoan nghênh trong nỗ lực đạt đến mục tiêu này. Chúng tôi hy vọng chủ đề này sẽ tiếp tục được thảo luận với khối G20 và các khuôn khổ rộng lớn hơn".
Amazon đã hạ biên lợi nhuận của công ty thấp hơn so với đa số các công ty công nghệ khác. Các nước châu Âu quan ngại rằng công ty này sẽ né được chính sách thuế mà Mỹ vừa nêu ra với G7.
Ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một chuyên gia của Tổng cục Thuế nhận xét lâu nay nhiều nước, vùng lãnh thổ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là để cạnh tranh thu hút đầu tư. Điển hình như Hong Kong, Singapore, một số quốc đảo thuộc địa của Anh…
Thực tế, các công ty nước ngoài rời trụ sở để lập ra các cơ sở kinh doanh ở các "thiên đường thuế" này để hưởng thuế suất thấp. Trong khi đó ở Anh, Mỹ, Nhật Bản…, thuế thu nhập doanh nghiệp rất cao nên nguồn lực của các nước này giảm đi.
Chính vì vậy, các nước G7 đã cùng thỏa thuận về thuế tối thiểu để các nước nhỏ không được hạ thuế quá thấp như không có chuyện thuế thu nhập doanh nghiệp áp mức 0% - 10%. Hay nói cách khác các nước G7 muốn lập lại trật tự về thuế với mức thuế tối thiểu có thể là 15%. Mục đích là để đảm bảo các nước tăng nguồn thu từ thuế và hạn chế sự dịch chuyển đến các nước "thiên đường thuế".
Nếu Việt Nam tham gia thỏa thuận này thì có lợi gì? Vị này nhận định có thể số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc thận trọng chính sách này vì nó không đơn thuần chỉ tác động đến kinh tế mà còn là các vấn đề quan trọng khác như ổn định công ăn việc làm cho người lao động…
"Môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể sẽ kém hấp dẫn hơn, nếu tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên" - vị này nói.
Mặt khác, một loạt các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi, như Samsung, nếu nâng thuế thu nhập cao hơn mức 10% như đang áp dụng thì có được không? Chắc chắn là khó, vì Chính phủ đã cam kết với nhà đầu tư này từ khi họ có quyết định kinh doanh ở Việt Nam rồi.
L.THANH
230.800 tỉ đồng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tốc độ tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp dao động ở mức 5 - 7% trong mấy năm gần đây, như năm 2018 đạt 217.822 tỉ đồng. Còn đến năm nay, dự toán Quốc hội giao số thu từ sắc thuế này đạt 230.800 tỉ đồng.
“Thiên đường thuế” là cách gọi bóng bẩy của khái niệm “Offshore Zone”- một khu vực mà về mặt pháp lý mức thuế được ấn định hoặc rất thấp hoặc được miễn hoàn toàn.
Xem thêm: mth.40934449070601202-ioht-teh-pas-euht-gnoud-neiht/nv.ertiout