Nước sạch là điều bà con Tây Nguyên cần nhất - Ảnh: T.N
Đôi vai của cụ đã dành gần như cả đời để gùi nước mỗi ngày bằng chiếc gùi mây với chút nước đựng trong chai lọ cáu bẩn. Từ hôm nay, cụ có chiếc gùi bằng nhựa mới toanh, chứa được số nước gấp 3 lần gùi cũ, lại giữ được vệ sinh và thuận lợi khi hứng, xả nước.
Cụ Y Yôm cùng hơn 700.000 phụ nữ và trẻ em tại Kon Tum và Gia Lai vốn phải vất vả gùi nước bao đời, nay sẽ được chuyển qua cách gùi nước mới.
Đó là những chiếc gùi nhựa chuyên dụng đã và đang được liên tục trao tặng cho đồng bào ít người. Sáng kiến tạo chiếc gùi chuyên dụng thuộc dự án "Gùi nước về làng" tạo ra hữu ích bất ngờ.
Quá cực khổ với cách gùi nước cũ
Mỗi buổi sáng, cô bé Y Giao (14 tuổi, xã Đắk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đều phải tranh thủ dậy từ 4h sáng, gùi theo một giỏ đầy chai nhựa xuống con suối cách nhà 8km lấy nước cho cả gia đình.
Mới đây, có giếng nước ngọt mới khoan, Y Giao cũng phải đi bộ hơn 3km để gùi nước rồi mới đến trường.
Mỗi chuyến đi Y Giao chỉ lấy được 4-5 chai nhựa 1 lít là đã đầy gùi. Vì thế sau giờ học, cô bé còn tranh thủ đi gùi nước thêm vài chuyến nữa mới đủ cho cả nhà dùng.
Cách làng Y Giao 30km, chị Y Soap (25 tuổi, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) địu đứa con 1 tuổi trước ngực, sau lưng khoác gùi vượt qua con dốc lớn để cõng nước về cho gia đình 5 người.
"Sinh con được 1 tháng, tôi bắt đầu mang theo con đi lấy nước vì không có ai trông, ở nhà thì cả nhà không có nước uống" - chị Y Soap cho biết.
Việc đựng nước bằng những chai nước ngọt, chai bia đã qua sử dụng gặp nhiều bất tiện, nhất là khi có con nhỏ, nhưng chị Y Soap không còn cách nào khác. Lấy nước khó khăn, cả gia đình chị chắt chiu từng giọt. Nhiều lúc sắp hết nước, chị đành nhịn khát nhường chút nước cuối cùng cho lũ trẻ.
Cũng như gia đình cô bé Y Giao và chị Y Soap, hơn 1 triệu đồng bào Kon Tum và Gia Lai vẫn sống trong cảnh không có nguồn nước sinh hoạt tại chỗ. Họ phụ thuộc vào những nguồn nước có sẵn trong tự nhiên như ao, hồ, sông, suối.
Để có nước ăn uống, nấu nướng hằng ngày, hơn 700.000 phụ nữ và trẻ em phải vượt đoạn đường 5-7km để lấy nước. Đường đi gập ghềnh, mùa khô nắng gắt, mùa hè trơn trượt.
Dụng cụ họ sử dụng là những chai nhựa dùng một lần cáu bẩn, vừa kém hiệu quả, vừa dễ rơi rớt và mất vệ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh về đường ruột cho bà con.
Bao đời nay, đồng bào ít người vẫn gùi nước theo cách kém hiệu quả và bất tiện như thế. Họ hầu như không biết làm gì khác để thay đổi.
"Lợi ích gấp 3" với chiếc gùi chuyên dụng
Từ tháng 4-2021, thói quen gùi nước bằng những chai nhựa cáu bẩn nhỏ lẻ được thay đổi khi 5.000 chiếc gùi nước chuyên dụng đầu tiên được chuyển đến tay đồng bào ít người tại Kon Tum. Đó là những chiếc gùi đến từ sáng kiến của dự án "Gùi nước về làng".
Với mong muốn mang đến dụng cụ lấy và tích trữ nước sinh hoạt hiệu quả, giảm bớt khó nhọc cho bà con trên hành trình lấy nước, gùi nước chuyên dụng đã được
"Gùi nước về làng" thiết kế và đưa vào sử dụng. Gùi có dung tích 20 lít, được mô phỏng theo hình dạng chiếc gùi tre quen thuộc của người đồng bào. Chiếc gùi có quai đeo chắc chắn và van xả tiện lợi, thuận tiện cho người dân trong quá trình sử dụng và vệ sinh.
Chất liệu nhựa HDPE nguyên sinh của gùi an toàn cho sức khỏe và có thể tái chế khi không còn sử dụng. So sánh về mặt hiệu suất và các lợi ích khác về tiêu chí vệ sinh, thoải mái khi sử dụng, chiếc gùi mới mang lại lợi ích gấp 3 lần so với cách gùi nước cũ của bà con.
"Từ khi có gùi mới, em lấy được nhiều nước hơn mỗi chuyến, không còn phải đi xuống suối 2 - 3 lần như trước đây nữa. Nhờ đó em có thêm thời gian để học bài" - cô bé Y Giao cho biết.
Đeo trên vai chiếc gùi mới, chị Y Soap cười hiền lành: "Gùi mới có miệng rộng nên tôi có thể vừa địu con vừa cho nước vào gùi, lấy được nhiều nước hơn 2-3 lần so với trước đây. Mỗi ngày chỉ còn phải đi lấy nước một lần, hai mẹ con đỡ vất vả hơn rất nhiều".
Chị Nguyễn Thị Ven, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Kon Tum, đánh giá: "Kon Tum có 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự suy giảm diện tích rừng, nguồn nước sạch có sẵn trong tự nhiên mà bà con có thể sử dụng ngày càng khan hiếm.
Song song với chương trình "Giếng sạch trao buôn" - tặng những giếng khoan nước ngọt quý hơn vàng cho đồng bào, ASIF sáng tạo thêm những chiếc gùi chuyên dụng, thực sự giúp bà con giảm hẳn gánh nặng về nước sạch để sinh hoạt.
Có giếng nước ngọt mới, có gùi mới, người đồng bào giải quyết được vấn đề trầm kha tồn tại nhiều đời qua".
Trong năm 2021, "Gùi nước về làng" đặt mục tiêu trao tặng 50.000 chiếc gùi, nâng cao vấn đề y tế - sức khỏe cho 300.000 người dân. Sau những đợt tặng đầu, ASIF vận động mọi người cùng chung tay góp gùi cho đồng bào với phương thức: mỗi chiếc gùi được quyên góp từ cộng đồng, ASIF sẽ tài trợ thêm một chiếc nữa, nhân đôi số lượng gùi đến tay đồng bào.
Qua 3 tháng thực hiện, những chiếc gùi nước chuyên dụng đã được trao tại các địa điểm: xã Đắk Rơ Ông và xã Đắk Tơ Kan (huyện Tu Mơ Rông), xã Ngọc Tụ và xã Đắk Rơ Nga (huyện Đắk Tô), nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (TP Kon Tum). Dự kiến từ nay đến cuối năm, những đợt trao gùi khác sẽ tiếp tục diễn ra tại Kon Tum và Gia Lai.
Cấp thiết nhất vẫn là nước sạch
Chị Nguyễn Thị Ven, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Kon Tum, trao gùi nước chuyên dụng cho bà con - Ảnh: T.N.
Ông Cao Tiến Vị (nhà sáng lập Quỹ phi lợi nhuận ASIF) chia sẻ đồng bào nghèo Tây Nguyên cần hỗ trợ rất nhiều thứ, nhưng cấp thiết nhất vẫn là nước sạch.
Họ đang đối diện với nguy cơ bệnh tật, sức khỏe yếu khi phải dùng nước bẩn từ ao hồ, sông suối, nhất là khi thuốc bảo vệ thực vật được dùng phổ biến ở nương rẫy và gia súc, gia cầm được nuôi tràn lan.
"Với dự án Giếng sạch trao buôn, chúng tôi đã khảo sát và tiến hành khoan giếng để tặng cho người đồng bào ở những địa điểm căng thẳng nước sạch nhất tại Kon Tum và Gia Lai.
Chúng tôi đã trao 18 giếng (kinh phí khoan và lắp đặt là 120 triệu đồng/giếng) và theo đuổi mục tiêu trao 500 giếng.
Trong quá trình khoan và trao những giếng nước sạch, chúng tôi nhận thấy bà con quá vất vả và kém hiệu quả với cách gùi nước cũ nên đã phát kiến ra chiếc gùi nước chuyên dụng mới với trị giá chỉ 150.000 đồng/chiếc.
Với việc trao tặng giếng và gùi, trước mắt chúng tôi dành kinh phí của quỹ để trao tặng, sau đó vận động xã hội cùng chung tay với tiêu chí nếu vận động được một giếng thì quỹ tặng thêm một giếng, vận động được một gùi thì quỹ tặng thêm một gùi.
Chúng tôi kỳ vọng với cách làm này, vấn đề nhức nhối của đồng bào nghèo tại Tây Nguyên sớm được giải quyết" - ông Vị nói.
TTO - Có một cụ già tuổi đã ngoài 80, nhưng vẫn cần mẫn ngày ngày hái rau mang ra chợ bán, cắc cỏm kiếm từng đồng tiền lời giúp đỡ bà con nghèo khó, bệnh tật.
Xem thêm: mth.17350722260601202-oab-gnod-iougn-ohc-ogn-tab-hci-uuh-iug-ceihc/nv.ertiout