Lái xe chở nông sản khai báo y tế tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trước khi làm thủ tục đưa hàng qua Trung Quốc - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ngày 7-6, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 đề nghị cấp sổ thông hành cho lái xe chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thương mại nông sản qua khu vực các tỉnh biên giới.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng trong việc đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó bao gồm tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Từ ngày 31-5 đến 2-6 vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với UBND các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nông sản khu vực biên giới Việt - Trung trước tác động của dịch COVID-19.
Qua thực tế, một số địa phương biên giới phía Bắc đã có sáng kiến thành lập đội lái xe chuyên trách để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc quản lý sinh hoạt tập trung đội lái xe chuyên trách tại khu vực cửa khẩu hiện nay có những khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp hoạt động xuất khập khẩu, nhất là đảm bảo cơ sở vật chất, quản lý giám sát, phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho đội lái xe là giải pháp hữu hiệu nhất trong phòng chống dịch, do vậy bộ đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi cả hai địa phương biên giới cùng nghiên cứu thực hiện, trước mắt cho phép đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới được tiêm vắc xin đủ theo quy định y tế, test nhanh để đảm bảo an toàn vận chuyển.
Bộ cũng đề xuất Ban Chỉ đạo thống nhất hình thức cấp, sử dụng sổ thông hành (hộ chiếu vắc xin) cho lái xe đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa giữa hai bên an toàn, thuận lợi hóa thông quan, tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân hai nước. Việc này sẽ được giao UBND các địa phương thực hiện.
TTO - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mô hình kết nối cung - cầu chính quy vừa giữ được giá trị của nông sản, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe và chứng minh cho xã hội thấy rằng, nông sản không phải để giải cứu mà là sản phẩm để nâng niu.