Phân biệt tuổi tác
Ngay sau khi Annie Li nói với giám đốc tuyển dụng tại một công ty game Trung Quốc rằng mình 35 tuổi, đã kết hôn nhưng chưa có con, cô nhận thấy không khí của cuộc phỏng vấn đã thay đổi đột ngột dù trước đó, mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp. Người tuyển dụng nhanh chóng kết thúc buổi phỏng vấn và nói rằng Li phù hợp với công ty nước ngoài hơn công ty của họ.
Li cho rằng nguyên nhân là vì cô đã quá "già". Tại Trung Quốc, trong các lĩnh vực phát triển nhanh của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh của ứng viên giảm mạnh khi họ gần 35 tuổi. Thậm chí, nhiều nơi công khai đặt "dưới 35 tuổi" là tiêu chí tuyển dụng, bao gồm cả cơ quan nhà nước.
Đặc biệt là trong ngành công nghệ, sự phân biệt tuổi tác ở đất nước tỷ dân lại càng nghiêm trọng. Những nhân viên từ 35 tuổi trở lên nhưng không ở vị trí quản lý hay có năng lực tốt sẽ có nguy cơ bị sa thải cao khi công ty có đợt cắt giảm nhân sự.
Theo báo cáo của một trung tâm nghiên cứu, gần 2/3 số người Trung Quốc từ 35 tuổi trở lên bị cho thôi việc vào tháng 3 năm ngoái đến tháng 9 vẫn chật vật tìm việc mới.
Ở Trung Quốc, nơi tuổi kết hôn trung bình là 27,1 đối với nam và 24,9 với nữ, 35 thường là độ tuổi mà mọi người đang nuôi con. Những bà mẹ mới sinh sẽ được hưởng ít nhất 14 tuần nghỉ thai sản có lương theo luật của nước này.
Tại nhiều quốc gia, phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp nhưng Trung Quốc thì không. Đây là nước đang đối mặt với tình trạng dân số già nhanh và lực lượng lao động thu hẹp dần sau 3 thập kỷ áp dụng chính sách 1 con.
Năm ngoái, Huawei từng vấp phải chỉ trích khi sa thải khoảng 7.000 nhân viên, phần lớn trong độ tuổi 35. Sau đó, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi nói rằng tập đoàn không hề phân biệt tuổi tác của nhân viên.
Theo báo cáo của nhà tuyển dụng trực tuyến Maimai vào tháng 3/2020, độ tuổi trung bình của người lao động tại 19 công ty Internet hàng đầu Trung Quốc là 29,6. ByteDance (công ty mẹ của TikTok) và Pinduoduo là những công ty có tuổi trung bình của nhân viên là 27. Trong khi đó, Didi Chuxing được đánh giá cao nhất khi có độ tuổi trung bình của nhân viên là 33.
Năm ngoái, Tencent tiết lộ đã thuê hơn 30.000 nhân viên trong độ tuổi từ 30 – 50 và hơn 20.000 người dưới 30 tuổi. Chỉ có 88 nhân viên từ 55 tuổi trở lên đang làm việc tại tập đoàn.
Với độ tuổi trung bình của đất nước đang tăng cũng như nguồn cung nhân tài trẻ hạn chế, nhiều người đặt câu hỏi liệu rào cản vô hình về tuổi tác của các gã khổng lồ công nghệ có nên bị phá vỡ hay không.
Brian Tang - Giám đốc một phòng thí nghiệm tại Khoa Luật Đại học Hong Kong nhận định: "Rất nhiều công ty công nghệ và kỹ thuật số của Trung Quốc như các công ty truyền thông xã hội, game, thương mại điện tử và video trực tuyến, nhắm mục tiêu đến nhóm nhân khẩu học trẻ am hiểu công nghệ. Do đó, việc thuê nhân viên ở độ tuổi tương tự là điều hợp lý".
Tang nói thêm rằng mọi thứ có thể thay đổi khi lĩnh vực công nghệ đang phải đối mặt với nhiều quy định hơn, đòi hỏi phải tuyển dụng những nhà quản lý rủi ro có kinh nghiệm lâu năm hơn.
Bị đào thải vì quá tuổi
Matt Lin, một lập trình viên 40 tuổi người Trung Quốc cho biết, không giống như bác sĩ và một số nghề khác mà càng nhiều tuổi càng "có giá", giá trị của lập trình viên có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.
"Những công việc tốt đối với chúng tôi không còn liên quan đến lập trình mà là dẫn dắt nhóm nhân viên cũng như thực hiện một số nhiệm vụ khác ngày càng xa rời việc viết code", ông chia sẻ.
Joseph Zhu, lập trình viên trong độ tuổi 30 đến từ Nam Kinh, nói rằng tuổi tác thường chống lại những người trong ngành công nghệ.
Những người khác nói rằng xu hướng tuyển dụng người trẻ tuổi trong ngành công nghệ chỉ đơn giản là phản ánh thực tế là không thể mong đợi nhân viên trung niên, có con cái làm việc theo văn hóa "996" (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày /tuần).
Nhận thức của cộng đồng về văn hóa 996 trong lĩnh vực công nghệ đã được khơi dậy vào tháng 1 khi một nữ nhân viên 22 tuổi của Pinduoduo, gục ngã và tử vong khi đang đi bộ về nhà lúc 1h30 sáng. Sự việc khiến chính quyền Thượng Hải mở cuộc điều tra cũng như thổi bùng lên tranh cãi về sự nguy hiểm của làm việc quá sức.
Mike Dai, một người lập trình game kỳ cựu sinh ra vào những năm 1980, nói rằng ngành công nghệ của Trung Quốc là "ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động với rất nhiều công việc nặng nhọc, được bao bọc dưới một lớp vỏ tráng lệ".
Dai cho rằng "khủng hoảng trung niên" thực sự cho thấy ngành công nghệ Trung Quốc còn nhiều lỗ hổng và không thể mãi phụ thuộc vào những nhân lực trẻ tuổi. Ông tin rằng sau này, họ sẽ phải dựa nhiều vào lao động trung niên hơn khi dân số già đi. Khi đó, "khủng hoảng tuổi 35" sẽ không còn đúng nữa.
Đối với những người như Annie Li, sự phân biệt tuổi tác là điều vô cùng bức xúc và nhục nhã. Cô có bằng thạc sĩ của 1 trường đại học hàng đầu Hong Kong và 1 thập kỷ kinh nghiệm trong ngành công nghiệp game. 2 tháng trước, cô đột ngột mất công việc quản lý khi chủ cũ đóng cửa văn phòng ở Quảng Châu, Chỉ 2 tiếng sau thông báo đóng cửa, Li trở thành người thất nghiệp.
Sau khi nộp đơn xin việc vào 30 công ty, cô chỉ nhận được 5 lời mời phỏng vấn. "CV của tôi phù hợp với 98% mô tả công việc, trừ việc tôi đã 35 tuổi. Một số công ty ghi rõ rằng họ chỉ tuyển người dưới 35 tuổi. Thành thật mà nói, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi bị từ chối", Li nói.
Cuối cùng, cô cũng xin được việc là giám đốc đầu tư tại một công ty game mới ở Thâm Quyến qua sự giới thiệu của bạn bè. Đây là một kết quả không tồi nhưng vẫn khiến Li "đắng lòng".
Jimmy Zhao, chuyên gia tuyển dụng tại HRPartners ở Thâm Quyến, cho biết độ tuổi lý tưởng cho lao động trong lĩnh vực Internet là dưới 40 và sau 35 tuổi, nhiều người trong ngành càng khó phát triển sự nghiệp của mình.
Một chuyên gia khác cho biết sự lo lắng của nhân viên công nghệ sắp bước sang tuổi 35 đang gia tăng, cả về mức độ hữu ích và triển vọng thăng tiến của họ. Đối với nhiều người, việc thăng chức dường như là không thể.
Nguồn: SCMP
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị