Chứng khoán ‘đổ đèo’ sau một tuần chinh phục nhiều đỉnh
V.Dũng
(KTSG Online) - Sau khi liên tục chinh phục nhiều đỉnh cao mới, trong phiên giao dịch hôm nay (7-6), thị trường chứng khoán đã bất ngờ lao dốc. Gần như toàn bộ cổ phiếu ngân hàng giảm giá khiến nỗ lực chống đỡ thị trường của các cổ phiếu khác trở nên khó khăn hơn.
Chứng khoán đã điều chỉnh sau một tuần phá kỷ lục. Ảnh minh họa: TVSI |
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch tưng bừng khi dòng tiền trong nước cuồn cuộn chảy bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, giúp các chỉ số duy trì đà tăng điểm. Trong đó, chỉ số VN-Index đã duy trì đà tăng trong 5 phiên và liên tục phá đỉnh mới.
Đà tăng này được tạo bởi dòng tiền mới từ F0 và cả tiền bổ sung từ Fn vào tài khoản, bên cạnh sự đóng góp của margin các công ty chứng khoán. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước thông tin với báo chí: "Giao dịch ký quỹ (margin) theo thống kê chính thức thị trường cuối tháng 5 hơn 112.000 tỉ đồng, mặt bằng chứng khoán đã lên cao, tạo ra rủi ro điều chỉnh".
Trở lại với diễn biến của thị trường, sau vài phút thăm dò một cách khá thận trọng, thị trường chuyển động dần theo hướng tiêu cực. Tâm lý chốt lời để bảo vệ thành quả được nhà đầu tư kích hoạt sau đó không lâu. Lực bán lan rộng từ cổ phiếu ngân hàng sang các nhóm khác. Sau hơn một tiếng mở cửa, sắc đỏ phủ khắp thị trường và chỉ số đại diện cho các rổ đều giảm mạnh. VN30-Index lúc 11 giờ mất hơn 30 điểm, còn VNXAllShare mất gần 46 điểm.
Bất chấp diễn biến xáo động đến từ các chỉ số kể trên, VN-Index và giá trị giao dịch lại bị “treo” trong khoảng 90 phút. Chỉ số đại diện cho sàn HOSE vẫn hiển thị mức tăng 2 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản mới 4.500 tỉ đồng dù các nhóm cổ phiếu khác đã vượt xa mức này.
Cho đến 15 phút trước khi nghỉ trưa, VN-Index đột ngột rơi xuống 1.348 điểm, mất hơn 25 điểm. Chỉ số đi ngang từ đó đến lúc chốt phiên sáng, qua đó ghi nhận phiên điều chỉnh mạnh nhất từ cuối tháng 4 đến nay.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bị bán khá mạnh trong phiên hôm nay sau đợt tăng nóng. Đồng loạt dòng cổ phiếu ngân hàng giảm khá sâu với phần lớn đều có mức giảm trên 5%; đáng kể một số mã như LPB giảm sàn về mức 31.100 đồng/cổ phiếu với lượng dư bán sàn rất nhiều, tới 4,89 triệu đơn vị. Các mã khác như BID, STB, MSB cũng có thời điểm nằm sàn và tạm dừng phiên sáng với mức giảm hơn 6%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bị chốt lời ồ ạt khi có thời điểm đồng loạt nằm sàn với SHS, MBS, APS cùng giảm hơn 9%, cặp BSI và IVS nằm sàn, còn lại cũng có mức giảm mạnh trên dưới 5%.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 125 mã tăng và 286 mã giảm, VN-Index giảm 25,71 điểm (1,87%) xuống 1.348,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 606,68 triệu đơn vị, giá trị hơn 19.734 tỉ đồng.
Bước vào phiên giao dịch buổi chiều, nhà đầu tư chờ đợi liệu "kịch bản cũ" về cổ phiếu ngân hàng có tái diễn hay không. Trong quá khứ, đã không ít lần cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong phiên rồi lại hồi phục mạnh mẽ nên đà hồi phục nhanh đầu giờ chiều để làm trụ đỡ cho thị trường.
Thực tế, trong chiều nay đà giảm của thị trường được kéo lại nhờ nhóm ngân hàng, chứng khoán hồi phục. Ngay cả những mã giảm sàn trong phiên sáng như LPB, AGR, APS, ART, BSI, BVS cũng hồi phục trong phiên chiều. Đáng chú ý, cổ phiếu VPB là đại diện duy nhất trong nhóm ngân hàng xanh trở lại. Tuy nhiên nỗ lực này chưa đủ để các chỉ số thị trường kéo về mức tham chiếu.
Phiên giao dịch đầu tuần khép lại, Vn-Index vẫn mất 15 điểm về ngưỡng 1.359 điểm; HNX-Index giảm 11,13 điểm tương ứng 3,38% về 318,63 điểm. Việc cả 2 chỉ số chứng khoán chính giảm sâu cùng sắc đỏ bao trùm sàn chứng khoán đến từ hiệu ứng lo ngại từ việc cổ phiếu dòng ngân hàng giảm sâu.
Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi họ tiếp tục bán ròng khá mạnh với giá trị 650 tỉ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào HPG (527 tỉ đồng), VIC (225 tỉ đồng), VPB (123 tỉ đồng)… Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 660,2 tỉ đồng.
Xét về yếu tố dòng tiền, trong hai tuần qua, nhà đầu tư chứng khoán đã mua nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng và một số cổ phiếu nóng đều có một tỷ suất sinh lời tương đối lớn, đây chính là cơ sở để nhóm nhà đầu tư này tự tin thực hiện việc bắt đáy khi thị trường điều chỉnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu “quen thuộc” mà họ mới kiếm lời lớn trước đó.
Ngoài ra, việc giãn cách xã hội ở một số địa phương, nhất là tại TPHCM đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư có thời gian để tham gia và tiếp tục đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây chính là động lực và là dòng tiền chờ bắt đáy trong giai đoạn rung lắc và điều chỉnh sắp tới.
Như vậy, hiện tượng tăng mạnh, giảm mạnh là một hiện tượng tương đối bình thường khi thị trường vừa trải qua chuỗi tăng mạnh. Việc thị trường điều chỉnh như hiện tại về vùng giá hấp dẫn sẽ sớm kích hoạt một số nhà đầu tư đã chốt lời sớm quay trở lại bắt đáy thị trường và giúp thị trường sớm chinh phục các đỉnh cao mới.
Xem thêm: lmth.hnid-ueihn-cuhp-hnihc-naut-tom-uas-oed-od-naohk-gnuhc/311713/nv.semitnogiaseht.www