vĐồng tin tức tài chính 365

Thợ đào tiền mã hóa ở Trung Quốc bắt đầu tháo chạy, điên cuồng bán tháo thiết bị

2021-06-07 18:06

Một người đàn ông đeo khẩu trang, kính không gọng và đội mũ cứng màu trắng đang đi dạo gần lối vào của một nhà kho đầy ắp hàng đống máy khai thác tiền kỹ thuật số đã kết nối Internet. Khi quay máy ảnh vào gần để giới thiệu máy móc, anh ta nói bằng tiếng Trung Quốc: "Đây là lô hàng dành cho bạn. Chúng thậm chí còn chưa bắt đầu khai thác bitcoin".

Trên đây là những hình ảnh trong đoạn video rao bán hàng, được một doanh nhân trong lĩnh vực tiền điện tử tại Thụy Sĩ nhận được qua tin nhắn. Và nó chỉ là một trong rất nhiều thông điệp tương tự đã được gửi đi từ Trung Quốc ra thế giới trong hai tuần qua.

Trung Quốc từ lâu đã trở thành tâm điểm khai thác bitcoin của thế giới, một quá trình tiêu tốn năng lượng để đảm bảo mạng lưới tiền điện tử vận hành và tạo ra bitcoin mới thông qua các máy chuyên dụng được gọi là "giàn khai thác". Theo Trung tâm Tài chính Thay thế của Đại học Cambridge, hơn 65% thợ đào tiền mã hóa làm việc trên blockchain của bitcoin có trụ sở tại Trung Quốc, tính đến tháng 4/2021. Nhưng các thợ đào này hiện đang bắt đầu một cuộc di cư, sau thông báo của một quan chức hàng đầu của chính phủ nước này đưa ra vào ngày 21/5, về việc kiểm soát và hạn chế hành vi khai thác và giao dịch bitcoin.

Thợ đào tiền mã hóa ở Trung Quốc bắt đầu tháo chạy, điên cuồng bán tháo thiết bị - Ảnh 1.

Sau thông báo, một số thợ đào tiền mã hóa đã bắt đầu đưa ra phản ứng của mình. Theo Robert Van Kirk, CEO của một sàn giao dịch các thiết bị khai thác tiền mã hóa có trụ sở tại Mỹ, những người khai thác tiền ảo ở Trung Quốc đang điên cuồng "bán tháo" thiết bị của họ. Ông cho biết họ đang làm điều đó ngay cả khi các thông báo trên chưa được chuyển thành bất kỳ quy định thực tế nào.

"Những người khai thác ở đó đã nhận ra rằng các hoạt động ở Trung Quốc có thể là một vấn đề rủi ro hơn dự đoán", Van Kirk nói. "Họ có thể rời đi, bất kể quyết định được đưa ra sau đó là gì."

Do đó, một số lượng lớn các giàn khai thác đã qua sử dụng hiện đang được bán với giá chiết khấu cao, thậm chí có trường hợp thấp hơn tới 40% so với giá thông thường. Con số này cao hơn số liệu từ báo cáo gần đây của Reuters, khi nói rằng giá máy đã giảm từ 20 đến 30% từ đầu tháng 5.

Theo Van Kirk, một số người bán thiết bị có khả năng là những doanh nhân có hợp đồng lưu trữ đã gần hết hạn. Đây là những người thuê không gian để đặt thiết bị của mình trong một cơ sở khai thác lớn của Trung Quốc để tận dụng năng lượng giá rẻ và cơ sở hạ tầng được tối ưu hóa. Do trong bối cảnh bất ổn hiện tại, những người này có thể đã quyết định bán các thiết bị của họ hơn là gia hạn tiếp hợp đồng.

Các công ty khai thác khác cũng đang có kế hoạch đưa hoạt động kinh doanh của họ di chuyển tới nơi khác, mặc dù vậy rất khó để đánh giá có bao nhiêu công ty khai thác đang trong quá trình tháo chạy khỏi Trung Quốc. Hiện tại, hashrate của bitcoin - số liệu đại diện cho số lượng giàn khai thác được kết nối với mạng lưới - đang thấp hơn khoảng 1,5% so với thời điểm trước ngày 21/5. Điều này cho thấy một cuộc di cư quy mô lớn vẫn chưa xảy ra, và thậm chí sự sụt giảm đó có thể được giải thích bởi những lý do không liên quan. Nhưng về lâu dài, sự thay đổi trong phân bố địa lý của hoạt động khai thác bitcoin có thể vẫn đang diễn ra.

Một nguồn tin quen thuộc với ngành công nghiệp khai thác bitcoin của Trung Quốc, giấu tên vì lo ngại về an ninh, mô tả những người khai thác đang hoảng loạn vận chuyển máy móc của họ đến nước láng giềng Kazakhstan "qua đêm". Nguồn tin này cũng cho biết những người không đủ khả năng thực hiện một động thái di cư nhanh chóng cũng đang có kế hoạch đóng cửa các mỏ khai thác lớn của họ và tiếp tục khai thác theo cách phi tập trung hơn, kín đáo hơn.

Didar Bekbauov là người sáng lập Xive, một công ty có trụ sở tại Kazakhstan chuyên giúp các thợ đào tiền ảo tìm kiếm không gian và các hợp đồng năng lượng giá rẻ ở Trung Quốc. Bekbaouv nói rằng, trong hai tuần qua, mỗi ngày anh nhận được vô số yêu cầu từ đại diện của các công ty khai thác Trung Quốc muốn chuyển hoạt động kinh doanh đến Kazakhstan.

"Những người này đang chờ chính phủ Trung Quốc ra thông báo rõ ràng và họ đang tìm kiếm một phương án B trong trường hợp chính phủ hạn chế hoặc bằng cách nào đó cấm hoàn toàn việc khai thác bitcoin", Bekbaouv nói.

Kazakhstan đã chiếm hơn 6% sản lượng khai thác bitcoin trên thế giới và được ưu đãi với năng lượng sản xuất từ ​​than rẻ và khí hậu tương đối lạnh, điều rất tốt cho những người khai thác tiền mã hóa không muốn chi nhiều cho hệ thống làm mát cho các giàn khai thác của họ. Một lợi thế khác là nó giáp với khu vực Tân Cương, nơi diễn ra hơn một phần ba hoạt động khai thác của Trung Quốc. Kazakhstan chắc chắn có thể tăng thị phần khai thác toàn cầu của mình - Bekbaouv ước tính rằng nó có thể tăng gấp đôi công suất - nhưng có thể nó sẽ đơn giản chỉ được sử dụng như một điểm dừng chân cho những người khai thác tiền ảo đang tìm cách xây dựng lại các giàn khai thác quý giá của họ ở một nơi khác. Và nơi khác, theo chia sẻ của một số người, có khả năng là Bắc Mỹ.

Alex Brammer, phó chủ tịch phát triển kinh doanh của công ty tiền điện tử Luxor Tech của Mỹ, nhớ lại việc bị "tấn công" bởi các cuộc gọi đến từ các thợ khai thác tiền mã hóa Trung Quốc, chỉ trong vòng vài giờ sau bài phát biểu ngày 21/5.

"Chúng tôi đã nhận được các cuộc gọi từ những nhà khai thác quy mô lớn đang cố gắng tìm kiếm nơi đặt giàn khai thác mới trên khắp Bắc Mỹ", ông nói. "Câu hỏi chung được đặt ra là: 'Có nơi có thể chứa 20.000 máy trong 14 ngày không?'"

Theo Brammer, ông dự đoán rất nhiều trong số họ sẽ rời Trung Quốc, trong vòng 1 tới 3 tháng tới.

Van Kirk thì nói rằng các doanh nhân không phải là người Trung Quốc có thể mới là những người đầu tiên của làn sóng này. Ông nói: "Chúng tôi có những khách hàng ở Trung Quốc, nhưng họ là người phương Tây, và đang muốn tìm cơ hội bên ngoài Trung Quốc. Họ đang tìm kiếm thứ gì đó ở Mỹ hoặc Canada."

Không chỉ Bắc Mỹ, các khu vực của Bắc Âu và Mỹ Latinh cũng đang được xem xét. Nói chung, theo Brammer, một số cá nhân Trung Quốc muốn chuyển công việc kinh doanh của họ đến một nơi "ổn định về mặt chính trị, có quyền sở hữu mạnh mẽ, có một số loại khuôn khổ pháp lý hoàn thiện và ổn định". Và Mỹ, vốn đã là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về khai thác bitcoin, tỏ ra đặc biệt hấp dẫn và phù hợp.

Nhưng về mặt thực tế, đó sẽ là một "cơn ác mộng" khi chuyển hàng chục nghìn máy móc từ Trung Quốc sang Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đang gây ra sự thiếu hụt container vận chuyển và một cuộc chiến thương mại tiềm ẩn sẽ khiến bất kỳ công ty nào tìm cách di chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ phải trả mức thuế 25%. Ngay cả khi các máy khai thác được dỡ xuống từ máy bay chở hàng tư nhân hoặc tàu container, việc thiết lập một hoạt động khai thác mới ở Bắc Mỹ cũng sẽ mất một thời gian.

Theo Brammer, một số thợ khai thác Trung Quốc đang đến và muốn mua nguồn năng lượng có công suất 500 megawatt, từ các cơ sở sản xuất điện năng ở địa phương. Nhưng ông ước tính khung thời gian để xây dựng một trang trại khai thác tiền mã hóa lớn từ con số 0 sẽ mất khoảng 12 đến 24 tháng.

Sue Ennis, người đứng đầu bộ phận phát triển công ty tại Công ty tiền điện tử Hut 8 Mining Corp, có trụ sở tại Toronto (Canada), cho biết các chính sách mới của chính quyền Bắc Kinh sẽ cải thiện triển vọng của đồng tiền kỹ thuật số này trong dài hạn bằng cách giảm bớt "nỗi sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ rằng Trung Quốc đang khai thác tất cả bitcoin trên thế giới".

"Tất cả những người không ở Trung Quốc đều coi đây là cơ hội để nắm bắt một miếng bánh lớn hơn", cô nói và lưu ý rằng công ty của nubgf đang bổ sung thêm năng lực để tiếp nhận bất kỳ thợ khai thác nào muốn rời Trung Quốc.

Thợ đào tiền mã hóa ở Trung Quốc bắt đầu tháo chạy, điên cuồng bán tháo thiết bị - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, làn sóng "di cư" của các mỏ khai thác bitcoin khỏi Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.

Edward Evenson, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty khai thác bitcoin Braiins, thì có suy nghĩ lạc quan hơn. Ông nói rằng hầu hết các công ty khai thác lớn sẽ chỉ vận chuyển máy mới từ các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc tới và họ sẽ có đủ nguồn lực để thực hiện điều đó một cách tương đối nhanh chóng.

"Những người khai thác nhỏ có thể không có tài nguyên hoặc mối quan hệ, vì vậy họ có thể sẽ phải bán bớt máy móc của mình", Evenson nói. "Nhưng các công ty với quy mô hoạt động lớn hơn sẽ chỉ đơn giản là chuyển máy của họ sang một môi trường ổn định hơn để khai thác."

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn là liệu những cuộc gọi hoảng loạn và mang tính cầu cứu nói trên có dẫn đến một cuộc di cư thực sự hay không. Trên thực tế, hiện tại hầu hết các thợ khai thác tiền ảo ở Trung Quốc đang chờ đợi động thái tiếp theo của chính phủ.

"Các thợ khai thác Trung Quốc, là những người có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn so với các đồng nghiệp phương Tây, phần lớn đang áp dụng phương pháp chờ đợi", Ian Wittkopp, phó chủ tịch của công ty đầu tư mạo hiểm Sino Global Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. "Hầu hết họ đã trải qua những chu kỳ tin tức tương tự trong quá khứ. Chi phí di chuyển đến một địa điểm mới có thể cao, và mọi người sẽ đợi sự rõ ràng hơn về các quy định trước khi chuyển địa điểm."

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc vung tay vào thị trường bitcoin, nhưng những điều đó chưa bao giờ thực sự đánh chìm ngành công nghiệp bitcoin đang phát triển mạnh của đất nước này.

"Bất cứ khi nào giá bitcoin tăng và có rất nhiều xu hướng đầu cơ xung quanh nó, chính phủ sẽ đưa ra các thông báo tương tự", Evenson nói. "Về cơ bản, họ đã làm điều đó hàng năm hoặc cách năm, kể từ năm 2013."

Nhưng, lần này mọi thứ có thể khác. Các tín hiệu đều cho thấy lần này chính phủ Trung Quốc dường như có kế hoạch hành động quyết đoán hơn. Chính quyền khu vực Nội Mông - một trung tâm khai thác bitcoin - đã đề xuất lệnh cấm, trong khi các quan chức năng lượng ở Tứ Xuyên, một khu vực khai thác bitcoin quan trọng khác, đang tổ chức tham vấn về vấn đề này.

Evenson cũng chỉ ra một điểm khác biệt chính so với trước đây là mức đầu tư mà các thợ khai thác Trung Quốc đã đổ vào hoạt động của họ đã lớn hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây, đồng nghĩa với việc họ có nhiều thứ để mất hơn.

"Không ai, khi đã đầu tư nhiều vốn vào một dự án, lại muốn tiếp tục đối phó với sự không chắc chắn. Vì vậy, nếu có thể, bạn sẽ muốn đảm bảo một môi trường ổn định để vận hành máy móc của mình", ông nói. Mặc dù hy vọng Trung Quốc sẽ vẫn là một cường quốc về khai thác bitcoin, Evenson dự kiến ​​sẽ có tới một phần tư số thợ khai thác của họ sẽ chuyển địa điểm trong vòng hai năm.

Khó có thể nói trước được sự thay đổi như vậy sẽ tác động ra sao đối với bitcoin ở giai đoạn này. Một hậu quả ngay lập tức là các mạng bitcoin sẽ trở nên phi tập trung hơn về mặt địa lý, điều sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi của nhiều tín đồ tiền điện tử bởi họ luôn lo lắng về sự tập trung quá mức của các thợ khai thác ở một quốc gia trong thời gian dài.

Một kết quả bất ngờ khác có thể liên quan đến tác động môi trường của bitcoin. Tiền điện tử gần đây đã bị chỉ trích nặng nề vì tiêu thụ nhiều năng lượng. Đại học Cambridge ước tính rằng 39% hoạt động khai thác được cung cấp bởi năng lượng tái tạo, nhiều người nổi tiếng như Elon Musk cung cho rằng lượng khí thải carbon của hoạt động khai thác vẫn còn quá cao.

Sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang Bắc Mỹ, nơi mà câu hỏi về tác động môi trường của bitcoin đã trở thành ưu tiên hàng đầu, song song với việc Trung Quốc hạn chế hoạt động khai thác ở các khu vực sử dụng điện từ than đá, có thể mang tới kết quả cuối cùng làm làm cho việc khai thác tiền mã hóa trở nên xanh hơn.

Tham khảo Wired

Xem thêm: nhc.71535336170601202-ib-teiht-oaht-nab-gnouc-neid-yahc-oaht-uad-tab-couq-gnurt-o-aoh-am-neit-oad-oht/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thợ đào tiền mã hóa ở Trung Quốc bắt đầu tháo chạy, điên cuồng bán tháo thiết bị”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools