Các cuộc thảo luận đang được tiến hành bao gồm đề cập eo biển Đài Loan trong tuyên bố chung sẽ được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G7 trong tháng này trong bối cảnh Mỹ và Nhật đang tìm kiếm một mặt trận thống nhất nhằm chống lại sức ép của Trung Quốc đối với hòn đảo.
Ứng phó các vấn đề liên quan đến Trung Quốc - không chỉ bao gồm Đài Loan, mà cả Hong Kong và các cáo buộc vi phạm quyền con người ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương - sẽ là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự tại sự kiện kéo dài ba ngày ở Anh bắt đầu từ ngày 11-6. Đây cũng là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo đến từ bảy nền kinh tế lớn kể từ tháng 8-2019.
Một tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ biển Đài Loan. Ảnh: REUTERS
Theo tờ Nikkei Asia, Washington và Tokyo tìm cách thuyết phục các thành viên khác tuân tiếp nối thông cáo từ cuộc họp của các ngoại trưởng G-7 vào tháng 5, trong đó cho biết các thành viên “nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định giữa hai bờ eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”.
Làm như vậy sẽ đánh dấu lần đầu tiên đề cập rõ ràng đến eo biển Đài Loan trong một tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G7, theo tờ báo Nhật. Tài liệu này cũng được cho là sẽ bày tỏ “quan ngại” về tình trạng vi phạm quyền con người đối với cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Trung Quốc và việc trấn áp các hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Mục tiêu là khẳng định lập trường cơ bản của những người tham dự hội nghị đối với Bắc Kinh - bao gồm cả lãnh đạo các nước ngoài G7, chẳng hạn như Úc và Hàn Quốc vốn tham dự với tư cách khách mời - và đảm bảo sự hợp tác liền mạch.
Đài Loan dự kiến sẽ tham dự một phiên thảo luận về một loạt các vấn đề xung quanh Trung Quốc, bao gồm các lo ngại về an ninh và kinh tế, đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách hợp tác với các đồng minh để kiềm chế các cuộc xâm nhập trên biển và vi phạm quyền con người của Trung Quốc. Các tuyên bố chung sau những hội nghị thượng đỉnh song phương gần đây với Nhật và Hàn Quốc đã đề cập rõ ràng đến eo biển Đài Loan, và Washington hy vọng rằng việc G7 làm điều tương tự sẽ chứng minh rằng các nền kinh tế lớn đều thống nhất về vấn đề này.
Kéo châu Âu vào cuộc sẽ có ý nghĩa đặc biệt, theo Nikkei Asia. Các nước châu Âu nhìn chung đã kiềm chế hơn Mỹ trong việc chỉ trích Trung Quốc, ưu tiên quan hệ với một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như không coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh do khoảng cách địa lý giữa họ.
Tuy nhiên, sự cảnh giác đối với Bắc Kinh đang gia tăng trong khu vực, không chỉ do các vấn đề ở Hong Kong và Tân Cương, mà còn do lo ngại về cách Trung Quốc xử lý dịch COVID-19 lúc ban đầu.
Các nước bao gồm Anh và Đức sẽ điều tàu chiến đến Đông Á trong năm nay và chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật nhằm mục đích ngăn cản bất kỳ động thái khiêu khích nào từ phía Bắc Kinh.
Tình hình Đài Loan cũng trở thành một mối quan tâm về an ninh kinh tế, do hòn đảo này hiện là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới - một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng. Một cuộc xung đột trong khu vực sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn và các nước châu Âu đang muốn ngăn chặn rủi ro này tác động lên các chính sách công nghiệp của họ.
Các yếu tố chính trị có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, là “lợi ích cốt lõi” mà họ không sẵn sàng nhượng bộ. Trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang có những tiếng nói mạnh mẽ nhằm thúc đẩy một cuộc thống nhất nhanh chóng, chưa kể có những lo ngại trong G7 rằng đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2022 có thể “thổi bùng ngọn lửa”.