Trung Quốc hôm 7-6 đã kêu gọi Mỹ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, đồng thời ngừng cường điệu cái mà Bắc Kinh gọi là giả thuyết về mối đe dọa Trung Quốc.
Theo đài CGTN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đưa ra nhận xét trên khi được yêu cầu bình luận về những phát biểu liên quan đến Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thống Biden, trong một bài viết đăng trên tờ The Washington Post hôm 5-6, cho biết ông sẽ coi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 như một cơ hội để tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc và Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: CGTN
Ông nhấn mạnh dù là chống chọi với đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu hay đối phó với Nga và Trung Quốc thì Mỹ cũng phải “dẫn đầu thế giới ở vị thế của kẻ mạnh”.
Ông cũng cho biết Washington và các đồng minh đang “thống nhất với nhau để giải quyết những thách thức mà Nga tạo ra đối với an ninh châu Âu” và cam kết đưa ra “những biện pháp đáp trả thích đáng đối với hành vi vi phạm chủ quyền của Mỹ, bao gồm việc can thiệp vào các cuộc bầu cử”.
Trước đó, Tổng thống Biden từng chọc giận người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi gật đầu đồng ý với một nhà báo gọi chủ nhân Điện Kremlin là “kẻ giết người”. Vụ việc đã khiến Nga triệu đại sứ ở Washington về nước.
Đối với Trung Quốc, ông Biden cho rằng cần phải đảm bảo các nền dân chủ thị trường, chứ không phải Bắc Kinh hay bất kỳ bên nào khác, lập ra các quy định về thương mại và công nghệ toàn cầu trong thế kỷ 21.
Đáp trả nhận định của ông Biden, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 7-6, ông Vương khẳng định Trung Quốc luôn tin tưởng rằng phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi là xu thế của thời đại và là nguyện vọng chung của tất cả các nước.
Ông nói thêm: “Mọi thành viên của cộng đồng quốc tế cần tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), duy trì hệ thống quốc tế với cốt lõi là LHQ và thúc đẩy dân chủ hóa các quan hệ quốc tế”.
Nhấn mạnh những vấn đề quốc tế nên được giải quyết thông qua tham vấn ý kiến tất cả các quốc gia thay vì để một vài quốc gia “ra lệnh”, ông Uông kêu gọi tiếp tục cam kết cởi mở và hòa nhập thay vì khép kín và loại trừ, đồng thời duy trì việc tham vấn và hợp tác thay vì tìm kiếm quyền lực tối cao của riêng mình.
Theo ông Uông, việc vẽ lằn ranh ý thức hệ, tìm cách hình thành các nhóm nhỏ nhắm vào các nước khác và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương giả hiệu đều là những động thái đi ngược lại xu thế thời đại, sẽ bị phản đối và chắc chắn sẽ thất bại.
Ông cũng kêu gọi phía Mỹ nỗ lực thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác song phương cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và sự ổn định của thế giới.