Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định hỗ trợ người dân tại quận Bình Thạnh trám lấp giếng khoan - Ảnh: LÊ PHAN
Sở Tài nguyên và môi trường TP cho hay UBND TP đưa ra lộ trình đến năm 2023 toàn TP mỗi ngày chỉ khai thác khoảng 150.000m3 nước ngầm.
Còn 110.000 giếng khoan hoạt động
Thống kê trên địa bàn TP.HCM có khoảng 110.000 giếng khoan khai thác nước ngầm. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác hơn 710.000m3 mỗi ngày.
Hiện nay còn rất nhiều hộ dân sử dụng song song nước máy và nguồn nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, mà còn ở các hộ kinh doanh và trong các khu công nghiệp.
Khai thác và sử dụng triệt để một thời gian dài dẫn đến việc nước ngầm đang cạn kiệt dần. Vấn đề này diễn ra nhiều nhất ở các quận huyện ngoại thành như Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường. Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và môi trường đã ban hành nhiều giải pháp để hạn chế.
Theo lộ trình giảm khai thác nước dưới đất do UBND TP.HCM ban hành, trong giai đoạn 2021 - 2023 tổng lưu lượng giảm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP là 50.000m3/ngày. Riêng trong năm 2021, dự kiến giảm khai thác 16.650 m3/ngày.
Ngoài các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân trám lấp giếng được Sawaco phối hợp thực hiện thời gian qua, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường dừng gia hạn giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho các công trình khai thác không bảo đảm điều kiện theo quy định, giảm lưu lượng các công trình khai thác hiện hữu không khai thác hết lưu lượng đã được cấp phép.
Ở góc độ TP, sở sẽ thực hiện dừng cấp phép, giảm lưu lượng khai thác 74 công trình với tổng lưu lượng giảm khai thác 8.650m3/ngày. Dừng cấp phép khai thác 2 công trình với tổng lưu lượng khai thác 4.000m3/ngày của Sawaco theo lộ trình.
Đồng thời, sở sẽ phối hợp với các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác không phép. Đối với các trường hợp giấy phép còn thời hạn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, các nghĩa vụ nêu trong giấy phép.
Nguồn: Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Dời điểm lấy nước, đảm bảo an toàn
Trao đổi với Tuổi Trẻ về lộ trình giảm khai thác nước ngầm và việc hỗ trợ người dân trám lấp giếng khoan, đại diện Sawaco cho biết đến năm 2025 tổng công ty cam kết mức khai thác nước ngầm giảm còn 30.000m3/ngày.
Để thực hiện mục tiêu này và đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân, tổng công ty sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000m3/ngày.
Đối với chi phí trám lấp giếng, ở giai đoạn đầu công ty cấp nước sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người dân, trung bình mỗi giếng khoan được trám lấp tốn khoảng 1,2 triệu đồng.
Song song với thực hiện trám lấp giếng, giảm khai thác nước ngầm, ngành cấp nước còn di dời điểm lấy nước thô để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho người dân.
Công ty đặt ra nhiều phương án kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy. Gần đây nhất Sawaco đã đề xuất và được UBND TP.HCM phê duyệt đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020 - 2050, trong đó dự kiến dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn.
Việc di dời điểm lấy nước thô lên vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi) 15 - 20km sẽ giúp hạn chế tối đa ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp từ Bình Dương đổ về.
Gần đây, nguồn nước thô từ sông Sài Gòn đang gia tăng mức độ ô nhiễm, thường chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào mùa khô. Để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp đến người dân, Sawaco đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát chặt cũng như xử lý nguồn nước trước khi đưa vào nhà máy.
Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức tại TP.HCM khiến đất nền sụp lún, nhất là tại các vùng đất có nền đất yếu.
Xem thêm: mth.22252739080601202-magn-coun-gnud-us-ehc-nah-mchpt/nv.ertiout