Đó là khẳng định của ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khi trao đổi với PLO sau các bài viết phản ánh dự án trồng rừng 147 ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), trong đó chủ yếu là cây xoan từng được kỳ vọng là cây thoát nghèo của đồng bào. Tuy nhiên trong suốt gần 10 năm qua kế từ khi triển khai cho đến nay cây xoan đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
“Xây dựng phương án tìm cây trồng phù hợp”
Xung quanh vấn đề việc Mường Lát sẽ trồng cây gì để thay thế cây xoan kém hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: “UBND tỉnh đã giao cho Sở NN-PTNT trong năm nay phải làm xong bản đồ phong hóa thổ nhưỡng, trong đó có Mường Lát. Sau đó Sở NN-PTNT có báo cáo cụ thể với UBND tỉnh để xây dựng phương án thực hiện, từ đó xác định được vùng đất này trồng được cây gì”.
Đối với dự án trồng cây xoan ở Mường Lát khi nào đánh giá tổng kết? ông Giang cho rằng: “Đây là dự án của tỉnh, vì thế bây giờ tỉnh đang xem xét, đánh giá cho giai đoạn trước và đề ra chương trình cho giai đoạn sau, tuy nhiên phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Việc đánh giá tổng kết dự án trồng xoan và đưa ra chương trình phải cùng một thời điểm để tính phương án. Trong thời gian tới, trên Mường Lát sẽ trồng cây gì để phù hợp còn phải dựa trên trình độ kỹ thuật canh tác của người dân và phong hóa thổ nhưỡng của địa bàn này".
Bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung (Mường Lát) cho biết, xã này có 660 hộ dân trồng xoan trên diện tích 1.419 ha, tuy nhiên đến nay đa số diện tích xoan không có hiệu quả. Ảnh: Đ. TRUNG
Trong khi đó, phản hồi sau khi PLO.VN đăng tải loạt bài “Tan giấc mơ cây xoan thoát nghèo Mường Lát”, trưởng bản Nàng, xã Mường Lý (Mường Lát) Ngân Văn Tịnh nói: “Cần quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Mường Lát, đặc biệt là đưa giống thay thế cây xoan vì không mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con”.
Tương tự, nhiều người dân cho rằng, thu nhập từ trồng xoan trong gần 10 năm qua không có hiệu quả vì cây không lớn. Hơn nữa, nhiều rừng trồng xoan không bán được mà chỉ có thể làm củi và chỉ một số rất ít là đủ kích cỡ thì bán cho thương lái. Trong khi đó, có những hộ gia đình với diện tích khoảng 2.000 – 3.000 m2 chỉ trồng chuối thì mỗi ngày cũng cho thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đến 3 triệu/tháng.
“Không để người dân đợi quá lâu”
Bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung (Mường Lát) cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan các cấp rằng cần tổng kết, đánh giá đối với cây xoan càng sớm càng tốt. Bởi vì, nhiều hộ dân ở Tam Chung nhiều năm chờ đợi đến ngày khai thác, nhưng cả rừng trồng xoan chỉ lựa được một vài cây làm gỗ được, còn lại thì quá nhỏ và có bán cũng không ai mua.
Có những diện tích trồng xoan không mang lại hiệu quả, người dân chặt bỏ làm củi để tìm cây khác thay thế mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Đ. TRUNG
Còn Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát Hà Văn Ca cho rằng, việc cây xoan không có hiệu quả kinh tế là có thật, trong khi đó thời gian đợi cây xoan để thu hoạch là quá lâu.
Sau khi tổng kết được dự án này thì phải có đánh giá cụ thể, khi tìm loại cây trồng mới phải mang lại hiệu quả kinh tế, đừng giống như cây xoan và hy vọng không để dân đợi quá lâu.
Nhiều hộ dân trồng chuối ở xã Mường Lý cho hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với cây xoan. Ảnh: Đ. TRUNG
“Để làm được điều này tỉnh cần quan tâm hơn các cơ sở, căn cứ, đánh giá khoa học đối với từng vùng đất khác nhau của Mường Lát như chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng…Từ đó để trồng những loại cây phù hợp vừa bảo vệ môi trường, giữ nước, chống xói mòn và khai thác, trong đó đặc biệt là trồng rừng sản xuất.
Hơn nữa cần ưu tiên cho Mường Lát xây dựng bản đồ phong hóa thổ nhưỡng trước, từ đó tìm hướng đi mới trong việc thay thế cơ cấu cây trồng phù hợp, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống của đồng bào vùng biên Mường Lát”, ông Hà Văn Ca mong mỏi.