Liên quan đến vụ người lao động thua kiện Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định kháng nghị đối với bản án lao động ngày 15.9.2020 của TAND tỉnh Đắk Lắk; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án lao động cấp thúc thẩm lẫn cấp sơ thẩm.
Người lao động kiên trì kháng cáo
Vừa qua, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án lao động số 09/2020/LĐ-PT ngày 15.9.2020 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Nguyên đơn là ông Đoàn Thành Tùng, nguyên Trưởng văn phòng đại diện của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và bị đơn là Prudential Việt Nam.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét yêu cầu khởi kiện của ông Tùng, trong quyết định ngày 15.3.2018 (được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương đến 24.4.2018-PV), Công ty Prudential đã không cho ông Tùng vào trụ sở làm việc, thu hồi lại máy vi tính và cũng không giao quyết định 25.4.2018 (chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế).
Vì vậy, ông Tùng cho rằng Prudential đã buộc nghỉ việc trái pháp luật nên đâm đơn khởi kiện. Sau này, ông Tùng còn gửi tiếp đơn khởi kiện bổ sung lẫn thay đổi nội dung khởi kiện với thông tin có thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên ý chí đề nghị toà xác định Prudential đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và yêu cầu khởi kiện là đúng pháp luật.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng khi xét bản án phúc thẩm ngày 15.9.2020 của TAND tỉnh Đắk Lắk thì toà án đã "không phát hiện ra sai lầm của TAND cấp sơ thẩm (TP.Buôn Ma Thuột), không xem xét yêu cầu của ông Tùng trong tổng thể nội dung các đơn kiện mà cho rằng ông Tùng chỉ khởi kiện quyết định ngày 15.3.2018".
Ngoài ra, toà án cấp phúc thẩm nhận định: "Ông Tùng khởi kiện quyết định ngày 15.3.2018 của Prudential cho bản thân nghỉ việc hưởng nguyên lương từ 16.3.2018 đến 23.4.2018 là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. HĐXX xét thấy không có căn cứ để chấp nhận. Bởi, quyết định này của Prudential chưa chấm dứt hợp đồng làm việc và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tùng...".
TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng nhận định trên là không có căn cứ, làm mất quyền khởi kiện của ông Tùng đối với quyết định ngày 25.4.2018 về việc chấm dứt hợp đồng của Prudential. Lẽ ra, trong trường hợp này toà án cấp phúc thẩm cần huỷ bản án cấp sơ thẩm; giao hồ sơ cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Tạm đình chỉ thi hành bản án
Từ những phân tích trên, do toà án cấp sơ thẩm có thiếu sót khi thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện vụ án lao động nhưng toà án cấp phúc thẩm không phát hiện nên cần kháng nghị huỷ bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm; kết hợp giao hồ sơ cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho ông Tùng.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định kháng nghị đối với bản án lao động ngày 15.9.2020 của TAND tỉnh Đắk Lắk; đề nghị uỷ ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án lao động cấp thúc thẩm lẫn cấp sơ thẩm. Qua đó, giao hồ sơ cho TAND TP.Buôn Ma Thuột giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định; tạm đình chỉ thi hành bản án lao động phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm (nếu có).
Như Lao Động đã thông tin, tháng 3.2018, tại TP.HCM, đại diện Prudential bất ngờ tuyên bố giải thể bộ phận Truyền thông Tích hợp và thông báo cho 21 nhân viên nghỉ việc. Trong thời điểm này, Prudential cũng ra Quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng đại diện tại Đắk Lắk đối với ông Tùng.
Trong quyết định cho nghỉ việc này, Prudential căn cứ vào Bộ Luật Lao động; căn cứ vào Nội quy làm việc của công ty và Căn cứ vào Hợp đồng lao động ký vào ngày 15.10.2008 giữa Prudential và ông Đoàn Thanh Tùng.
TAND TP.Buôn Ma Thuột tuyên hủy quyết định ngày 15.3.2018 của Công ty Prudential đối với ông Tùng.
Đồng thời, tuyên buộc phía Prudential Việt Nam phải bồi thường tiền lương, tiền phụ cấp lương và các chế độ liên quan cho ông Tùng với tổng số tiền 288 triệu đồng.
Tuy vậy, tại phiên toà cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk đã không chấp nhận đơn yêu cầu kháng cáo của ông Tùng; chấp nhận đơn kháng cáo của phía Prudential Việt Nam, sửa bản án sơ thẩm. Không chấp nhận yêu cầu của ông Tùng về việc buộc Prudential Việt Nam nhận vào làm việc trở lại và bồi thường chi phí.
Từng cản trở báo chí tác nghiệp
sáng 15.9.2020, TAND tỉnh Đắk Lắk mở tòa xét xử vụ án lao động kể trên. Trước khi phiên tòa diễn ra, PV Báo Lao Động và một số cơ quan báo chí khác đã tới bàn Thư ký phiên tòa xuất trình giấy tờ để đăng ký tác nghiệp.
Nhận các loại giấy tờ xuất trình hợp pháp của PV, Thư ký phiên tòa đã vào báo cáo với Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Huờn.
Ít phút sau, nữ thư ký phiên tòa ra trả lại giấy tờ và thông tin, Chủ tọa phiên tòa cho phép báo chí được đăng tin bài nhưng không được quay phim, chụp ảnh và ghi âm trong phòng xử án.
Đồng thời, nữ thư ký kể trên cũng ra hiệu cho lực lượng công an bảo vệ thực hiện theo chỉ đạo của thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa.
Khi phiên tòa diễn ra, PV tiếp tục chụp hình nhưng vị thẩm phán kể trên cản trở và cho rằng muốn tác nghiệp phải có sự đồng ý của HĐXX.
Xem thêm: odl.399719-maht-os-aot-ut-mal-ias-oc-laitnedurp-ytc-neik-auht-gnod-oal-iougn-uv/taul-pahp/nv.gnodoal