CTCP Tập đoàn Trường Thịnh tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh được thành lập năm 1994 với số vốn điều lệ ban đầu là 4,5 tỷ đồng. Từ khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, Trường Thịnh bắt đầu hành trình tăng vốn điều lệ và mở rộng quy mô.
Từ 80 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 2013, sau 3 năm con số này đã chạm mốc 1.889 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2020, vốn điều lệ của Trường Thịnh lên đến 2.619 tỷ đồng, tăng gấp 582 lần so với số vốn điều lệ ban đầu.
Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập doanh nghiệp, ông Võ Minh Hoài đã dẫn dắt Trường Thịnh từ một công ty xây dựng quy mô khiêm tốn trở thành một Tập đoàn đa ngành lớn tại tỉnh Quảng Bình.
Hiện tại, Trường Thịnh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, đầu tư công trình hạ tầng giao thông và bất động sản nghỉ dưỡng.
Tập đoàn này cũng nắm quyền quản lý hàng chục đơn vị thành viên gồm Tư vấn Xây dựng Trường Thịnh, Trường Thịnh 5, BOT Trường Thịnh, Thủy điện Trường Thịnh, Du lịch Suối Bang Trường Thịnh, Trường Thịnh Golf & Resort, Xây lắp Trường Thịnh, Du lịch Trường Thịnh….
Từ ông chủ BOT đến "ông lớn" bất động sản Quảng Bình
Năm 2000, Trường Thịnh được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn là liên danh chính trong Liên danh Xây dựng Quảng Bình thi công đoạn Nam cầu Xuân Sơn - Bắc cầu Đá Mài thuộc dự án đường Hồ Chí Minh với tổng giá trị 145 tỷ đồng.
Đây được xem là bước ngoặt mới của Trường Thịnh khi lần đầu bước ra sân chơi lớn với các “bậc đàn anh” cùng lĩnh vực.
Nối tiếp thành công từ dự án đường Hồ Chí Minh, năm 2003, Trường Thịnh bắt đầu tham gia đấu thầu quốc tế cùng các tổng công ty xây dựng giao thông lớn trong và ngoài nước.
Liên danh nhà thầu Trường Thịnh - WKK (Nhật Bản) khi đó đã trúng thầu thi công gói thầu số R1-NH9 (một trong những gói thầu lớn của dự án phát triển Hành lang giao thông Đông – Tây tại tỉnh Quảng Trị) có giá trị hơn 131 tỷ đồng.
Từ một nhà thầu phụ với những công trình nhỏ, Trường Thịnh đã vươn mình trở thành tập đoàn khi nắm trong tay hàng loạt dự án BOT, BT với quy mô lớn như BOT đường tránh TP Đồng Hới, BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn TP Đông Hà - thị xã Quảng Trị, BOT quốc lộ 1 đoạn Quảng Ninh - Lệ Thủy, BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Gio Linh - TP Đông Hà , dự án BT đường cao tốc Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan…
Bên cạnh những dự án BOT, BT, Trường Thịnh còn để lại dấu ấn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng khi thi công đường hai đầu các cầu Gianh, cầu Quán Hàu, cầu Hiền Lương, Đông Hà.
Tuy mảng công trình hạ tầng vẫn là mảng kinh doanh chủ lực, nhưng vị thế của Trường Thịnh chỉ được khẳng định khi “lấn sân” sang bất động sản. Dù khá kín tiếng trên thị trường, song, Trường Thịnh vẫn được biết đến là một trong những doanh nhiệp sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn nhất tại Quảng Bình.
Một trong những dự án bất động sản đầu tay làm nên tên tuổi Trường Thịnh là dự án Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường nằm trong khu vưc Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sở hữu Khu du lịch Mỹ Cảnh (Sun Spa Resort) tại bán đảo Bảo Ninh; Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch gần nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (hơn 500 tỷ đồng); Khu du lịch Suối Bang (50 tỷ đồng); Khu đô thị mới Bảo Ninh (hơn 650 tỷ đồng); …
Đáng chú ý, tháng 7/2020 Tập đoàn Trường Thịnh được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, dự án được khởi công sau 12 tháng kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng tối đa 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Vốn tăng liên tục, lợi nhuận vẫn duy trì số lẻ
Mang tầm vóc một doanh nghiệp đa ngành với hàng loạt dự án lớn, song kết quả kinh doanh của Trường Thịnh nhiều năm qua được đánh giá là không xứng tầm với quy mô.
Theo tìm hiểu của PV, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Trường Thịnh tăng trưởng khá mạnh mẽ, từ 916 tỷ đồng lên 1.370 tỷ đồng. Tuy mức doanh thu lên đến nghìn tỷ, nhưng khoản lãi ròng mà doanh nghiệp này thu được cực mỏng, lần lượt là 1,2 tỷ đồng, 1,8 tỷ đồng, 5,5 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng.
Về tài sản, trong cùng giai đoạn trên, tổng tài sản của Trường Thịnh tăng đều đặn qua các năm, từ 3.113 tỷ đồng năm 2016 lên 5.170 tỷ đồng năm 2019.
Theo thông tin hiếm hoi, ngắn gọn được công bố công khai trên sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi cuối tháng 8 năm ngoái, tính đến ngày 30/6/2020, Trường Thịnh sở hữu tổng tài sản lên đến hơn 5.500 tỷ đồng. Dù vậy, lãi sau thuế bán niên 2020 của Tập đoàn chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1,2 tỷ đồng. Theo đó, hệ số ROE của Tập đoàn khá thấp chỉ đạt 0,05%.
Theo đó, vốn chủ sở hữu của Trường Thịnh Group thời điểm 30/6/2020 đã tăng 24,1% so với cùng kỳ lên 2.620 tỷ. Việc tăng vốn chủ sở hữu đã phần nào cho thấy tham vọng cũng như quyết tâm của Tập đoàn Trường Thịnh trong việc triển khai các dự án lớn, điển hình là dự án Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh vừa được phê duyệt.
Trong khi đó nợ phải trả giảm 5,8%, còn 2.882 tỷ đồng. Có thể thấy, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp này cao hơn số vốn chủ sở hữu và chiếm 52% tổng tài sản.
Từ kết quả kinh doanh cho thấy, lợi nhuận của Tập đoàn Trường Thịnh tạo ra đang không tương xứng với sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô trong thời gian qua.
PHƯƠNG LY