Là một CEO tôi cảm thấy việc sa thải nhân viên là một trong những công việc rất khó khăn. Thêm vào đó, công ty của tôi chỉ có 20-25 người chính vì thế quan hệ giữa tôi và các nhân viên vô cùng thân thiết. Vậy nên tôi đã rất đau đầu khi phải đưa ra quyết định sa thải một ai đó.
Tôi đã phỏng vấn hơn 300 ứng viên. Và tôi nhận thấy rằng khoảng 50% -60% ứng viên đã không thành thật với sơ yếu lý lịch của mình. Nói cách khác là họ đã nói dối và viết những điều không đúng sự thật vào sơ yếu lý lịch của họ. Có một số lời nói dối không quá to tát nên tôi đã bỏ qua, mặc dù tôi không chắc điều đó có ổn hay không!
Tôi đã tìm kiếm thông tin về vấn đề này trên Google và phát hiện ra một sự thật rất thú vị. Đó là có đến 78% ứng viên nói dối trong quá trình tuyển dụng (theo khảo sát của Checkster).
Ở phần sau của bài viết này, tôi sẽ nói kỹ hơn về các kiểu nói dối mà một ứng viên thường làm với sơ yếu lý lịch của họ. Còn bây giờ, tôi sẽ nói về người lập trình viên mà tôi đã nhắc đến trước đó.
Anh ta nói dối cái gì?
Thông thường, khi phỏng vấn tôi phải là người trực tiếp kiểm tra năng lực của các ứng viên. Tôi cũng là một lập trình viên, và tôi cũng rất yêu thích công việc này. Nhưng vì tôi phải quản lý quá nhiều việc nên tôi đã phải tạm gác công việc tuyệt vời này lại để tập trung cho việc quản lý công ty.
Lập trình viên này đã nói dối về kinh nghiệm và công việc của mình. Anh ta nói anh ta là một doanh nhân. Đúng, đó là sự thật. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các dự án và thông tin tham khảo được viết trong CV không phải là của anh ta.
Vậy làm thế nào anh ta vượt qua bài kiểm tra của chúng tôi?
Quy trình tuyển dụng kỹ thuật viên của chúng tôi bao gồm ba vòng:
1. Đầu tiên, chúng tôi sẽ chọn 10 ứng viên vào 10 vị trí khác nhau.
2. Sau đó, chúng tôi sẽ cho họ làm một bài kiểm tra ngắn (khoảng 10-20 phút). Thông thường sau bài kiểm tra này, một nửa số ứng viên sẽ bị loại.
3. Đặc biệt ở vòng cuối cùng, tôi sẽ là người trực tiếp phỏng vấn. Ngoài kỹ năng và kỹ thuật, tôi cũng cần xem họ có đam mê với nghề hay không hoặc liệu họ có phù hợp với văn hóa của công ty hay không.
Ở vòng cuối, chúng tôi đã chọn ra hai ứng viên xuất sắc nhất. Một trong số đó là người lập trình viên kia. Mặc dù điểm của anh ta thấp hơn người còn lại nhưng anh ta đã vượt qua tất cả vòng phỏng vấn của công ty.
Tôi không biết chính xác anh ta vượt qua bài kiểm tra bằng cách nào. Nhưng theo suy đoán của tôi thì có thể do bài kiểm tra của chúng tôi được tổ chức theo hình thức trực tuyến nên anh ta đã nhờ người khác giúp đỡ.
Tôi biết mọi người đều có đam mê. Nhưng để thành công, bạn phải bước từng bước chứ không nên đốt cháy giai đoạn.
Tại sao tôi lại tuyển anh ta?
Khi anh ta vượt qua vòng 2, tôi đã có một cuộc phỏng vấn trực tuyến với anh ta. Yêu cầu của tôi ở vòng này cũng khá đơn giản. Tôi chỉ muốn xem liệu ứng viên có phù hợp với công ty của chúng tôi hay không.
Mặc dù ở vòng 2, anh ta không phải là người có điểm số cao nhất, nhưng tôi vẫn quyết định thuê anh ta. Đó là vì tôi nghĩ rằng anh ta có thể làm tốt ở một công ty khởi nghiệp..
Thông thường, tôi sẽ dựa trên ba yếu tố dưới đây để chọn một ứng viên:
1. Niềm đam mê
2. Kỹ năng
3. Văn hóa công ty
Khi phỏng vấn anh chàng lập trình viên này tôi thấy rằng anh ta đáp ứng được cả 3 yếu tố trên. Cụ thể:
Anh ta đạt điểm khá cao trong bài thi năng lực
Ở vòng thứ hai, anh ta là người có điểm số cao thứ hai trong bài thi đánh giá năng lực. Vậy nên, tôi tưởng rằng anh ấy có tay nghề cao.
Tôi hay bị các doanh nhân thu hút
Anh ta là một doanh nhân. Và anh ta cũng nói với tôi rằng anh ta rất đam mê làm việc trong một công ty khởi nghiệp bởi vì nó có thể giúp anh ta tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.
Và một lần nữa tôi lại nghĩ rằng anh ta sẽ đem lại giá trị cho công ty.
Anh ta hiểu biết về văn hóa của các công ty khởi nghiệp
Văn hóa làm việc là điều cần thiết đối với mọi công ty. Đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp. Khi tuyển một ai đó vào công ty, tôi cũng rất coi trọng yếu tố này. Và bởi vì anh chàng này đã từng sở hữu một công ty khởi nghiệp nên tôi đã quyết định chọn anh ta.
Tại sao tôi lại sa thải anh ta
Sau khi chấp nhận cho anh ta vào làm việc thì ngay từ những ngày đầu tiên các vấn đề đã bắt đầu xảy ra. Tuy nhiên CTO của chúng tôi đã bỏ qua cho anh ta. Vì anh ta là người mới nên chúng tôi nghĩ rằng anh ta sẽ cần một thời gian để làm quen và bắt kịp dự án của chúng tôi.
Tuy nhiên đến ngày thứ ba, CTO nói với tôi rằng có điều gì đó không ổn. Anh ta không thể làm những công việc đơn giản. Và anh ta cũng không hiểu những điều cơ bản của dự án trong khi những điều đó ngay cả lập trình viên cấp dưới của chúng tôi cũng có thể làm được.
Vì vậy, chúng tôi quyết định cho anh ta thêm thời gian.
Đến ngày thứ mười, chúng tôi đã giao cho anh ta một nhiệm vụ và nhiệm vụ này cũng rất đơn giản. Đó là hướng dẫn cho các lập trình viên cấp dưới. Tuy nhiên không những anh ta không thể hướng dẫn họ mà còn khiến họ cảm thấy khó chịu. Cuối cùng, họ đã phản ánh việc này với ban lãnh đạo.
Từ đó chúng tôi đã phát hiện được anh ta đã nói dối trong quá trình phỏng vấn. Chúng tôi không nói thẳng điều này với anh ta, nhưng tôi nghĩ anh ta hiểu được điều đó.
Đến ngày thứ mười lăm, tôi đã gọi anh ta vào phòng làm việc và nói rằng vì một số lý do chúng tôi không thể tiếp tục làm việc với anh ta được nữa.
Tôi cảm thấy tiếc cho anh ta và cố gắng giúp đỡ
Mặc dù chúng tôi có thể vạch trần những lời nói dối đó một cách dễ dàng nhưng chúng tôi không làm vậy. Bởi vì trong chuyện này chúng tôi cũng có lỗi. Và hơn hết chúng tôi cũng không muốn hành xử một cách thiếu tôn trọng người khác.
Dù vậy tôi vẫn rất khó khăn khi quyết định sa thải anh ta. Tôi cũng đã rất cố gắng giúp đỡ để anh ta có thể tiếp tục làm việc ở đây. Tôi đã đề nghị anh ta làm ở vị trí thấp hơn vị trí hiện tại nhưng lòng tự trọng không cho phép anh ta làm điều đó. .
Ngoài ra, CTO của công ty cũng đã nói chuyện và đưa ra lời khuyên cho những thiếu sót của anh ta. Thêm vào đó, giám đốc cũng cho anh ta một số tài nguyên tốt để cải thiện kỹ năng của mình.
Còn về quy trình tuyển dụng của công ty, chúng tôi cũng đã bổ sung thêm một số yếu tố khác để tránh lặp lại sai lầm này trong tương lai.
Hồ sơ xin việc không trung thực có thể phản tác dụng
Gian dối trong lý lịch của bạn đôi khi sẽ giúp bạn đạt được mục đích nhưng nó cũng có thể phản tác dụng bất cứ lúc nào. Quan trọng hơn là nó có thể hủy hoại danh tiếng của bạn.
Nếu không may nhà tuyển dụng của bạn phát hiện ra, bạn có thể bị sa thải. Vậy tại sao bạn không cải thiện kỹ năng của mình trước, rồi sau đó áp dụng nó vào làm việc?
Dưới đây là một số mục trong sơ yếu lý lịch mà các ứng viên thường không trung thực:
● Kinh nghiệm - số năm kinh nghiệm. Thành thật mà nói, nhà tuyển dụng sẽ không bận tâm đến các con số này nếu chúng quá nhỏ hoặc giống nhau.
● Công việc trước đây - Tại sao họ rời bỏ công việc trước đây. Nhiều ứng viên sẽ nói dối về điều này. Họ nghĩ rằng nếu họ nói sự thật, người phỏng vấn sẽ không chọn họ. Hầu hết các ứng viên rời bỏ công việc trước đây là vì họ muốn tìm một công việc tốt hơn. Cái này tôi khuyên các bạn không cần phải nói dối làm gì vì chúng tôi là những người tuyển dụng nên đó là điều chúng tôi đương nhiên phải biết. Với lại, chúng tôi cũng không căn cứ vào điều này để đánh giá bạn. Trung thực mới là thứ chúng tôi đánh giá cao. Tuy nhiên bạn cũng đừng phàn nàn về công việc trước đây quá nhiều kể cả đó không là một công việc tốt. Còn về các ứng viên từng bị công ty cũ sa thải thì tất nhiên họ sẽ không đề cập đến chuyện này khi phỏng vấn. Đó là chuyện bình thường. Nhưng bạn cũng có thể nói thật với các nhà tuyển dụng. Bởi vì điều này có thể cho bạn thêm một lợi thế.
● Thông tin tham khảo - Thông tin về các công việc trước đó. Đôi khi các ứng viên không cung cấp chính xác các thông tin này trong hồ sơ xin việc. Lời khuyên dành của tôi dành cho các bạn là không sao chép tác phẩm của người khác và coi nó là của bạn. Nếu bạn làm điều đó bạn có thể bị sa thải ngay lập tức.
Danh tiếng cũng rất quan trọng
Gần đây, hai lập trình viên từng làm việc với tôi đã xin được một công việc tốt hơn với mức lương cao hơn.
Sau khi họ nộp đơn xin việc và vượt qua vòng sơ tuyển, nhà tuyển dụng đã gọi cho tôi để kiểm tra lý lịch. Một trong những nhà tuyển dụng đó biết tôi, và chúng tôi có mối quan hệ rất tốt.
Tôi cũng nói với họ rằng hai nhân viên này thực sự rất tốt. Vậy nên nếu họ được tuyển vào công ty thì nhất định họ sẽ làm tốt công việc của mình. Tôi cũng nói rằng nếu tôi có thể trả cho họ một mức lương tốt hơn thì có lẽ tôi đã có thể tiếp tục làm việc với họ.
Tôi làm điều này bởi vì tôi rất thích họ. Họ thực sự xứng đáng có một công việc tốt hơn. Thêm vào đó, hai người họ cũng rất tôn trong công việc. Đó là cách họ đã giữ được danh tiếng của mình!
Hãy trung thực không chỉ trong các cuộc phỏng vấn mà còn cả trong cuộc sống. Trung thực sẽ giúp bạn cảm thấy bình yên và nhẹ nhõm.
Hãy là một nhân viên tốt! Hãy làm việc giống như bạn đang làm chủ công ty. Khi bạn làm việc bằng cả trái tim, thì công ty cũng sẽ quan tâm đến bạn bằng cả tấm lòng.
Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại không phù hợp với bạn thì hãy tìm một công việc mới. Còn nếu như bạn yêu thích công việc của mình, nhưng bạn lại không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, thì vấn đề có thể không phải là do bạn.
Cuối cùng bạn nên nhớ rằng đừng bắt đầu sự nghiệp bằng cách nói dối trong CV của mình.
Mai Phương
Theo BP