Trước những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán trong phiên 7/6, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi bước vào phiên 8/6. Nhiều cổ phiếu lớn vẫn chịu áp lực bán mạnh nhưng sự hồi phục nhất định đã diễn ra ở một số cổ phiếu trụ cột khác. Sự hồi phục đã diễn ra mạnh hơn khi nhiều cổ phiếu lớn nới rộng sắc xanh. VN-Index có lúc tăng đến hơn 8 điểm.
Tuy nhiên, những lo ngại về một nhịp “bull trap – bẫy tăng giá” đã diễn ra sau đó, áp lực bán bất ngờ tăng vọt và đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc. Đà giảm của thị trường trở nên mạnh hơn ngay sau giờ nghỉ trưa. Thị trường xuất hiện tình trạng bị bán tháo ở nhiều nhóm cổ phiếu đặc biệt là những dòng tăng “nóng” thời gian qua như ngân hàng, chứng khoán và dầu khí. Trong đó, các mã như PVS, MSB, PVD, HCM, LPB, GVR hay STB đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như SSI, ACB, MBB, TPB, CTG, TCB, BID... cũng đều mất trên 4%. VN-Index có lúc giảm đến trên 41 điểm.
Trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn một phần được cho đến từ việc ngừng tính năng hủy và sửa lệnh. Việc ngừng 2 tính năng này khiến nhà đầu tư lựa chọn lệnh thị trường (MP) để tăng khả năng khớp lệnh và điều này dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao và bán với giá thấp – bán bất chấp khi thị trường lao dốc.
Ở chiều ngược lại, các mã như VJC, HVN, ACV, SAB, VNM... là những cái tên hiếm hoi trong nhóm vốn hóa lớn còn giữ được sắc xanh ở phiên 8/6. Trong đó, VJC tăng mạnh 4,8% lên 117.200 đồng/cp, HVN tăng 1,9% lên 27.100 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, diễn biến cũng không nằm ngoài xu thế thị trường chung. Ngay ở nhóm cổ phiếu lớn trong nhóm này đã có biến động tiêu cực khi VRE giảm 5,1%, VIC giảm 2,6%, PDR giảm 1,2%, NVL giảm 1,9%, THD giảm 1,7%, VHM giảm nhẹ 0,7%, BCM giảm 0,25.
Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ đã áp đảo hoàn toàn. Trong đó, CEO, HDG, DXG, ASM... đều bị kéo xuống mức giá sàn. Trong đó, DXG dư bán giá sàn lên đến 12,6 triệu đơn vị. Theo kế hoạch họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT DXG trình mục tiêu doanh thu thuần 9.000 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.350 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 496 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 20%/mệnh giá. HĐQT trình cổ đông phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chiếm 38,59% số lượng đang lưu hành. Đồng thời, HĐQT cũng trình phát hành 7 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), chiếm 1,35% lượng cổ phiếu lưu hành. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành khoảng 7.270 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều mã thanh khoản cao cũng giảm rất sâu. DRH giảm 5,6%, FLC giảm 5,6%, NDN giảm 5,3%, IDJ giảm 5,1%, LHG giảm 5%, KBC giảm 4,2%, IDC giảm 4,1%.
DIG giảm 3,2% xuống 26.100 đồng/cp. 8/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền DIG phát hành gần 59,56 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 17%. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 595,6 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng để phát hành là lợi nhuận sau thuế, ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ phiếu phát hành thêm là 9/6/2021.
CII giảm 3,3% xuống 19.000 đồng/cp. Amersham Industries Limited – quỹ thành viên thuộc Dragon Capital thông báo bán tiếp 429.000 cổ phiếu CII vào ngày 4/6. Giao dịch làm cho tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital giảm từ 5,18% xuống 4,99% vốn, không còn cổ đông lớn của CII từ ngày 8/6.
Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng mạnh. Trong đó, SCR gây bất ngờ khi đi ngược diễn biến thị trường chung mà tăng 6,2% lên 11.100 đồng/cp, HQC tăng 3,2% lên 3.820 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%) xuống 1.319,88 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 321 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index giảm 12,24 điểm (-3,84%) xuống 306,39 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 154 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,66 điểm (-2,99%) xuống 86,4 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với 1.094 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 33.394 tỷ đồng. Có đến 3 cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC khớp lệnh được 30,4 triệu cổ phiếu. FLC và HQC khớp lệnh lần lượt 30 triệu cổ phiếu và 27,9 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng 285 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 8/6. Trong đó, DXG bị bán ròng đột biến với 216 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VIC, NVL và VHM cũng nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, VRE và KDH là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với lần lượt 105 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.
Theo phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index giảm mạnh trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy áp lực bán ra là thực sự mạnh. Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn xu hướng thị trường dựa vào các đường trung bình thì VN-Index vẫn đang nằm trên lần lượt các đường MA20 và MA50 cho thấy xu hướng hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi và thị trường có khả năng hồi phục trở lại trong phiên tới khi chỉ số đã khá sát hỗ trợ MA20. Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn sóng elliott thì bức tranh lại là tiêu cực hơn khi VN-Index có khả năng đã bước vào sóng điều chỉnh a sau khi sóng tăng 5 đạt đỉnh trong phiên đầu tuần 7/6. Theo đó, sẽ cần thêm thời gian để quan sát thị trường nhằm xác nhận xu hướng một cách chính xác hơn.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 9/6, thị trường có thể sẽ hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ kể trên được giữ vững. Những nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể cân nhắc bắt đáy một phần danh mục trong phiên tiếp theo nếu như VN-Index rơi về vùng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 1.300 - 1.310 điểm (MA20)./.
Xem thêm: lmth.54340000042210202-6-8-neihp-gnort-cod-oal-sdb-ueihp-oc-ueihn/nv.semitaer