Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn TP.HCM có nhận được cuộc gọi từ hai số máy 18001119 và 018001119. Hai số này được giới thiệu là tổng đài hỗ trợ người dân khai báo y tế của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Khi nhận được cuộc gọi, nhiều người dân tỏ ra e ngại và tắt máy vì sợ mất phí hay sợ bị lừa.
Sau đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện một số thông tin không chính xác, kêu gọi mọi người cảnh giác khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại này để tránh bị lừa đảo.
Ngại nghe điện thoại vì thấy số lạ
Anh Nguyễn Văn Hưng, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết vừa rồi anh có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 18001119, đầu dây bên kia là giọng nữ, trả lời tự động xưng là tổng đài hỏi thăm sức khỏe người dân…, vừa nghe tới đoạn này anh tắt máy vì sợ bị trừ tiền cước gọi.
“Cách đây không lâu, tôi cũng nhận được cuộc gọi từ số 018001119. Tôi nghe đầu dây bên kia không phải giọng người nói chuyện trực tiếp nên tôi tắt máy. Bởi bình thường, điện thoại của tôi thỉnh thoảng cũng nhận được cuộc gọi từ số lạ và tôi sợ mình sẽ bị mất tiền nếu nghe những số lạ như vậy. Phần nữa là tôi có đọc một số bài báo khuyến cáo người dân không nghe những cuộc gọi không rõ ràng như khuyến mãi, trúng thưởng… để lừa đảo nên tôi đề phòng, không nghe máy” - chị Thanh Mai, quận Tân Bình, TP.HCM, nói.
Bên cạnh sự e ngại của người dân, trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin giả mạo, cảnh báo người dân không nên nghe cuộc gọi từ đầu số 018001119 và 18001119 vì đây là số giả trung tâm khai báo y tế để lấy thông tin cá nhân của người dân.
Hơn thế, để tăng tính thuyết phục, một số tài khoản Facebook còn đưa tin giả, cảnh báo đã có người bị lừa cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và khuyên mọi người không bắt máy khi nhận được cuộc gọi từ hai số máy trên.
Người dân nhận cuộc gọi từ tổng đài 18001119. Ảnh: VIẾT THỊNH
Số tổng đài 18001119 không phải lừa đảo
Liên quan đến những cuộc gọi từ hai số tổng đài 18001119 và 018001119 mà người dân TP.HCM đã nhận những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) có thông tin: Trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, đã đề nghị TP.HCM áp dụng mô hình robot tự động gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe người dân.
Robot này sẽ cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân, qua đó phát hiện những ai có triệu chứng dịch để ngành y tế kịp thời nắm bắt, xét nghiệm. Như vậy, người dân TP.HCM nhận được cuộc gọi từ hai số tổng đài trên là hoàn toàn bình thường, như một cách để khai báo y tế toàn dân.
Cũng theo HCDC, người có yếu tố dịch tễ, trong vùng dịch hay không đều có thể nhận được cuộc gọi từ tổng đài miễn phí 18001119.
Phần trả lời tự động (callbot) là tổng đài viên ảo, có khả năng trò chuyện với người gọi trong cuộc gọi để hiểu vấn đề của họ và giải quyết vấn đề đó một cách tự động.
Công nghệ này hiện được các doanh nghiệp viễn thông di động ứng dụng trong việc hỗ trợ hai địa phương là Bắc Giang và Bắc Ninh, đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19 để tuyên truyền và yêu cầu người dân toàn tỉnh cài đặt ứng dụng khai báo y tế Bluezone trên điện thoại.
Tổng đài Ban chỉ đạo COVID-19 được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 triển khai, nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Người dân khi nhận cuộc gọi từ hệ thống tổng đài Ban chỉ đạo COVID-19 này sẽ thấy hiển thị là: BCD COVID19 hoặc BCD COVID - 313158 hoặc 18001119.
Trao đổi với PV, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định: Số tổng đài 018001119 không phải số điện thoại lừa đảo, đó chỉ là một cách hiển thị khác của số tổng đài 18001119.
“Ngay từ đầu khi lập tổng đài, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng đón cuộc gọi này, đồng thời phải khai báo để hiển thị số 18001119 chứ không có số 0 ở đầu. Vì theo nguyên tắc, tổng đài này do VNPT thiết lập trên hạ tầng của mình, khi gọi từ VNPT sang các nhà mạng khác thì hình thành cuộc gọi liên mạng, nếu không tác động kỹ thuật thì tất cả cuộc gọi liên mạng đều có số 0 ở đầu. Chúng tôi đã yêu cầu các nhà mạng rà soát và xử lý vấn đề trên” - đại diện Cục Viễn thông cho biết.
Một số thông tin giả được đăng lên mạng xã hội cảnh báo người dân không nên nghe cuộc gọi tổng đài 018001119. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền Theo Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp thông tin giả mạo sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 101 của nghị định này có nêu: Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền đối với tổ chức. Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |