Nhiều thời điểm nhà đầu tư không thể nhìn thấy diễn biến giao dịch - Ảnh: BÔNG MAI
Giải pháp không cho hủy/sửa lệnh giao dịch góp phần giảm áp lực cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhưng lại đẩy khó cho nhà đầu tư.
Hoảng loạn bán cổ phiếu
Sáng 8-6, chỉ số VN-Index "treo cứng" hơn 2 tiếng. Gần cuối phiên sáng bảng điện mới chịu chạy lại, VN-Index từ mốc tăng gần 6 điểm lại trả về kết quả giảm hơn 11 điểm. "Chưa thấy thị trường nào hề như vậy, bán tháo mà còn bị che bảng điểm", nhà đầu tư T. bức xúc.
Trong bối cảnh thị trường lao dốc, nhà đầu tư càng thêm chật vật khi không được phép hủy/sửa lệnh giao dịch.
"Đóng thuế phí không thiếu một đồng nhưng quyền có một bảng giao dịch tử tế lại đáp ứng không nổi. Thị trường giảm mạnh nhưng nhà đầu tư không có quyền hủy hay sửa lệnh, toàn phải "phang" lệnh MP - bán bằng mọi giá. Chơi kiểu bịt mắt rủi ro cao. Nhà đầu tư đang bị đối xử không công bằng", chị Huyền (nhà đầu tư ở TP.HCM) không khỏi bức xức.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định áp lực chốt lời là dễ hiểu. Nhưng thị trường nghẽn lệnh đã kích hoạt xu hướng đặt lệnh bán MP dồn dập, làm cho tốc độ lao dốc nhanh hơn và đã có thể thấy hoảng loạn bán.
Chốt phiên 8-6, VN-Index chính thức rớt 38,49 điểm (2,86%), thanh khoản hơn 30.296 tỉ đồng. Sắc đỏ cũng bao trùm sàn HNX và rổ HNX30, giảm lần lượt 12,25 điểm và 25,75 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, bao gồm sàn HoSE, HNX và UPCoM, đạt hơn 38.000 tỉ đồng, tương đương 1,65 tỉ USD.
Cẩn thận 5 rào cản
Ngày 8-6-2021, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá VN (Vietnam Report) chính thức công bố top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021. Kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 rào cản với thị trường chứng khoán năm 2021.
Đó là nếu đại dịch được ngăn chặn, ngân hàng trung ương các nước sẽ rút tiền về sớm hơn dự kiến. Cung tiền giảm khiến người dân ít tiền đầu tư chứng khoán hơn.
Tiếp theo, triển vọng phục hồi kinh tế còn nhiều rủi ro. Chỉ khi vắc xin COVID-19 được phân phối rộng, cuộc sống mới trở lại bình thường. Thêm vào đó, nền kinh tế cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất, đồng nghĩa tiền chảy vào chứng khoán ít đi.
Đặc biệt, hiện tượng nghẽn mạng trên HoSE, theo báo cáo của Vietnam Report, sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại bởi nguy cơ mua nhưng không bán được. Chỉ số VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thanh khoản thị trường phải đạt 16.000 - 17.000 tỉ, muốn vượt 1.300 điểm thanh khoản phải hơn 24.000 tỉ, nhưng hiện cứ hơn 22.000 tỉ sàn lại thường bị nghẽn.
Tại báo cáo thị trường tháng 6-2021, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán tình trạng nghẽn lệnh sẽ xảy ra thường xuyên trong tháng 6. Theo VDSC, việc các công ty chứng khoán không cho nhà đầu tư sửa và hủy lệnh khiến nhiều người sử dụng lệnh MP, tạo rủi ro mua cổ phiếu với giá cao (mua đuổi để khớp) và bán với giá thấp. Do đó, thị trường có thể xảy ra những biến động lớn giai đoạn này.
Bao giờ lãnh đạo HoSE xin lỗi?
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam), sự cố nghẽn lệnh chính là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE. Gần 10 năm ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) nhưng đến nay hệ thống giao dịch mới vẫn chưa hoàn thiện.
Sự cố hệ thống giao dịch không chỉ VN bị, mà có ở nhiều nước trên thế giới. Như cuối năm 2020, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo phải dừng hoạt động. Ngay lập tức, ông Koichiro Miyahara (chủ tịch kiêm tổng giám đốc) nhận trách nhiệm, xin lỗi, sau đó từ chức. Tại VN, nhiều nhà đầu tư cho hay muốn nghe lời xin lỗi chính thức vì thiệt hại thật nhưng có vẻ không ai thấy có lỗi.
TTO - Theo tính toán, chỉ số VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000-17.000 tỉ đồng, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải hơn 24.000 tỉ, nhưng cứ hơn 22.000 tỉ thì hệ thống lại bị nghẽn.
Xem thêm: mth.16005403280601202-tam-tib-ib-naohk-gnuhc-hcid-oaig/nv.ertiout