Hình ảnh người đàn ông ngồi trên chiếc xế sang Mercedes G63 trị giá cả chục tỷ đồng bán vải thiều trên đường Tôn Thất Thuyết, Hà Nội đang trở thành đề tài "hot" trên nhiều mạng xã hội. Nhiều người cũng xác nhận, họ khá bất ngờ khi đi qua đoạn đường, chứng kiến cảnh người đàn ông này bán vải cho khách.
Không ít người tò mò thực sự người này là ai? Tại sao đi bán vải thiều, đi bán cho vui chứ thực ra lời lãi gì?
Người đàn ông ngồi xe G63 đi bán vải ở Hà Nội.
Theo tìm hiểu, người đàn ông trên chiếc G63 bán vải là anh Quang Trọng, chủ 1 showroom kinh doanh ô tô khá nổi tiếng ở Hà Nội, với rất nhiều dòng xe sang như Audi A8, Land Rover, Mercedes G63 AMG, Maybach GLS 600, Ferrari F8 Spyder, Lamborghini Urus 4.0 V8.
Đây cũng là showroom đầu tiên đưa chiếc S650 Pullman 2020 – xe "Mẹc" dành cho Tổng thống, trị giá 40-50 tỷ đồng về Việt Nam.
Năm 2019, showroom của ông chủ này từng nổi tiếng với màn diễu hành 19 xe sang, Ferrari 488 Spider, Jaguar F-Type Convertible, Porsche Boxster, ba chiếc Ford Mustang đời mới, Audi TT, Rolls-Royce Ghost, Range Rover Sport, Range Rover Autobiography LWB Hybrid, Porsche Cayenne, Bentley Bentayga... trị giá cả trăm tỷ trên đường phố Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý có chiếc Ferrari 488 Spider với mức giá khoảng 19-20 tỷ đồng tại Việt Nam.
Anh Quang Trọng.
Dàn xe trăm tỷ đồng.
Về việc bán vải, anh Quang Trọng thực ra đang hỗ trợ tiêu thụ vải cho người dân Bắc Giang và hoàn toàn phi lợi nhuận chứ không phải là người chuyên buôn vải thiều như nhiều người đang đồn thổi.
Ban đầu, anh Trọng muốn hỗ trợ địa phương ở Bắc Giang bằng vật chất nhưng người bạn của anh ở Bắc Giang đã từ chối và gợi ý có thể hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho người nông dân trồng vải.
Ông chủ showroom này đã nhờ bạn thu mua 4 tấn ở Lục Ngạn, Bắc Giang, bảo quản cẩn thận để bán đến tay khách hàng Thủ đô. Vì số lượng vải khá lớn, anh Trọng đã tặng cho không ít bạn bè, số còn lại thì vận động anh em ở cửa hàng hỗ trợ bán cùng.
Vải Lục Ngạn được anh Trọng thu gom, hỗ trợ tiêu thụ.
"Do mình nhập là vải loại 1 nên giá thành 20.000 đồng/kg, chứ không có chuyện lời lãi như nhiều người vẫn nói. Toàn bộ phí vận chuyển, bảo quản và nhân công đều do phía mình chịu chứ không hề tính vào tiền vải của bà con", anh chia sẻ.
Anh Trọng cũng dí dỏm ví von, cửa hàng của anh không in được hóa đơn thanh toán cho tình người, cho sự hỗ trợ, đùm bọc nhau của người dân Thủ đô với Bắc Giang. Đồng thời cũng kêu gọi mọi người đừng trả giá hay mặc cả vải đang bán, bởi "Một ngày nào đó, mọi thứ bạn có sẽ bị cho đi, vậy hãy để bây giờ là mùa cho đi tình người. Vật chất là ngoại thân, tình người mới là vĩnh cửu".
Một lần nữa, tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ của người Việt lại được nêu cao trong thời khắc khó khăn vì dịch bệnh. Bằng những cách làm khác nhau, mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đang tạo nên nguồn động viên, sức mạnh lớn tiếp sức cho người nông dân Bắc Giang, cũng như tuyến đầu chống dịch Covid-19.