Sáng 8/6, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm mạnh giá mua vào ngoại tệ, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong năm 2021, sau lần gần nhất vào ngày 24/11/2020.
Mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết mua vào 22.975 VND (giảm 150 VND so với trước) áp dụng cho mua kỳ hạn 6 tháng. Với diễn biến giao dịch thời gian qua, dự kiến mức giá trên sẽ ổn định trong một khoảng thời gian sau điều chỉnh.
Điểm được quan tâm, kể từ đầu năm nay nhà điều hành đã thay đổi phương thức mua ngoại tệ , từ mua giao ngay chuyển sang mua kỳ hạn (6 tháng). Thay đổi này đồng nghĩa giãn nguồn tiền cung ứng qua mua ngoại tệ chảy ra thị trường. Theo đó, khi độ trễ 6 tháng dần rút ngắn, từ tháng 7 tới, nguồn tiền này bắt đầu thâm nhập hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).
Như BizLIVE từng đề cập trước đây, nguồn tiền cung ứng ở dòng chảy này từng được các thành viên thị trường, tổ chức đầu tư tập hợp, cập nhật theo thời gian. Họ lường tính quy mô, định hình dòng chảy trong tương lai để xem xét các tác động để có các ứng xử hợp lý.
Việc cập nhật quy mô này cũng nhằm xem xét liệu có sụt giảm hay không. Bởi theo cơ chế giao dịch, Ngân hàng Nhà nước cho phép các NHTM được hủy ngang giao dịch 1 lần.
Cập nhật mới nhất ở nguồn dữ liệu mà BizLIVE tìm hiểu cho thấy, quy mô dòng tiền trên tiếp tục tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc NHTM hạn chế hủy ngang. Ước tính, hiện đã có khoảng 159.000 tỷ đồng nguồn tiền Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ theo kỳ hạn.
Dữ liệu tham khảo cũng cho thấy, trong quy mô trên phần lớn sẽ tập trung chảy ra thị trường trong tháng 7 tới, tức đã rất gần kề, với khoảng 82.000 tỷ đồng. Điều này cũng phản ánh lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua chủ yếu tập trung vào đầu năm nay.
Nhìn lại những năm trước đây, khi mua vào lượng lớn ngoại tệ thì gần như đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, một biện pháp để trung hòa bớt lượng tiền cung ứng. Tuy nhiên, từ trong năm 2020, trước xu hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế do tác động bởi Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã không thực hiện phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về như trước; gián tiếp tạo điều kiện nguồn vốn dồi dào trong hệ thống.
Phía trước, khi nguồn tiền lớn nói trên lần lượt chảy ra, tình huống Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trung hòa bớt hay không còn để ngỏ.
Còn ở hướng khác và liên quan, như trên, ngày 8/6 Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh giá mua USD. Phương thức mua kỳ hạn tiếp tục được áp dụng, đồng nghĩa với việc tiếp tục nới tiền cung ứng mua ngoại tệ rải ra trong tương lai. Nhưng, đã có khác biệt về cơ chế so với trước.
Trao đổi với BizLIVE chiều 8/6 về sự kiện trên, một đại diện NHTM cho biết, trong thông báo hạ giá mua của Ngân hàng Nhà nước gửi đến các thành viên tham gia kênh giao dịch này đã không có “các TCTD được phép hủy ngang 1 lần” như các thông báo trước đây nữa.
“Đối với các TCTD đã bán ngoại tệ trước đó về Ngân hàng Nhà nước, khi tỷ giá giảm, họ càng có lợi hơn nên chắc sẽ không có ngân hàng nào hủy ngang. Lượng tiền bổ sung cho thị trường dự kiến vẫn lớn trong tháng 7 và 8 tới”, đại diện ngân hàng trên cho biết.
Như vậy, nếu như không còn thông báo “các TCTD được phép hủy ngang 1 lần” như trước, giao dịch mới từ nay không được phép hủy ngang nữa, các NHTM sẽ phải tính toán chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, theo vị đại diện trên, thời gian qua và cũng như nhiều thời điểm thực hiện trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã “chơi đẹp” và tạo điều kiện cho các NHTM tham gia giao dịch thuận lợi, có lựa chọn thay đổi đến phút cuối, thì nay các NHTM cũng cần “chơi đẹp” với Ngân hàng Nhà nước.
Và nếu như trên, cơ chế giao dịch không có hủy ngang nữa, nhà điều hành cũng có thêm điều kiện để chủ động hơn trong nắm bắt, định lượng nguồn tiền cung ứng qua kênh này.
Minh Đức
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.67104538090601202-iom-iohc-taul-av-gnourt-iht-ar-yahc-pas-gnod-yt-000951/nv.zibefac