Bao giờ cho Chín Khúc xanh trở lại? Xót xa... Là những từ được nhiều người dân thốt lên sau khi 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bị bắt vì liên quan đến các dự án đang phá rừng tại đây.
Năm 2017, trục đường đại lộ Võ Nguyên Giáp nối TP.Nha Trang và huyện Diên Khánh cơ bản thông, hình ảnh núi Chín Khúc lúc này mới hiện ra rõ ràng với người dân Nha Trang.
Nhìn từ xa, trên đỉnh núi Chín Khúc, giữa màu xanh là những cung đường trắng xóa, chảy dài nổi bật đập vào nhức mắt. Đây là khu vực Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (trước đây là Dự án Khu biệt thự và công viên sinh thái trong Khu kinh tế trang trại Đất Lành - khu B) do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh giao đất vào tháng 7.2012 với diện tích 123,285ha. Ngày 3.6.2014, chủ đầu tư xin mở rộng diện tích đất trồng rừng và bảo vệ rừng kết hợp du lịch tâm linh sinh thái của dự án. Và chỉ 23 ngày sau, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ông Nguyễn Chiến Thắng đã có văn bản cho phép mở rộng diện tích dự án lên 513,5363ha. Theo chủ đầu tư dự án này, phần đất thực hiện việc trồng rừng chiếm khoảng 99% diện tích, phần đất thực hiện xây dựng công trình tâm linh chiếm khoảng 1% diện tích dự án.
Thế nhưng để làm được 1% đó, khu vực từ chân đến đỉnh núi, chủ đầu tư thực hiện san ủi, phá núi làm hơn 6km đường với diện tích khoảng 44ha.
Sau khi báo chí phản ánh, tháng 7.2019, UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình rằng: UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà đầu tư tạm dừng toàn bộ dự án triển khai trên núi Chín Khúc cho đến khi hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định. Và UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư phải khẩn trương trồng cây, phủ xanh các khoảng trống đất đá do bị mất đi các thảm thực vật trong quá trình thi công làm đường lâm nghiệp lên đỉnh núi Chín Khúc để đảm bảo cảnh quan theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có kết luận thanh tra chính thức.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, núi Chín Khúc vẫn "loang lổ", không có thảm cây xanh nào được trồng. Khối lượng lớn đất đá chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Ông Lê Hùng - người dân sống dưới chân núi - cho biết: "Núi phía sau giờ gọi là hòn trọc, họ cào đường chở đất đá đi ầm ầm mấy năm trước. 2 năm nay không rầm rộ như trước nhưng đất đá thỉnh thoảng vẫn rơi. Mùa mưa lũ sắp đến, nhìn lên thấy lo vì dưới thì nước sông vào gây ngập mà nhìn lên thì thấy đất đá trên núi lởm chởm, dân cũng bất an".
Năm 2020, kết quả kiểm tra của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ ra, Dự án Sinh thái Cửu Long Sơn Tự chưa lập hồ sơ thiết kế, chưa có các biện pháp kỹ thuật tác động lên diện tích được giao để thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định; chưa thực hiện làm đường ranh cản lửa theo hồ sơ báo cáo dự án đầu tư đã được thẩm định; chưa xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng đối với diện tích đất được giao để trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng. Dự án này cũng chưa có báo cáo tác động môi trường.
Thế nhưng trước đó, đại diện Công ty Khánh Hòa cho hay, sau khi được cấp phép dự án, công ty triển khai thi công theo từng hạng mục đất, không để xảy ra tình trạng sạt lở đất, đặc biệt là qua các mùa mưa bão những năm 2016, 2017, 2018; đồng thời không vận chuyển khối lượng đất đá ra khỏi dự án.
Chủ đầu tư dự án còn cho rằng, tại các vị trí thi công của dự án có khoảng cách đến ranh giới dự án (gần dân sinh sống) là vài km, nên việc thi công làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân không thể xảy ra.
Riêng dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang) được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2011 với quy mô ban đầu 29,6ha để Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa lập dự án trồng rừng nhằm mục đích phòng hộ, tạo lá phổi xanh cho TP.Nha Trang.
Và đến thời điểm này, chưa thấy lá phổi xanh nào cho Nha Trang chỉ thấy đại công trình này đang ngổn ngang đất đá.
Xem thêm: odl.293819-cuhk-nihc-iun-nert-na-ud-cac-od-gnourt-iom-aoh-na-aoh-hnahk/taul-pahp/nv.gnodoal