Với tình trạng nghẽn lệnh và bảng giá bị treo trong nhiều phiên, nhà đầu tư chứng khoán như bị "bịt mắt" khi giao dịch. Trong ảnh: nhà đầu tư theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI
Động thái của các nhà đầu tư là hệ quả của tình trạng hệ thống giao dịch tại HoSE yếu kém, tắc nghẽn hơn nửa năm ròng, nhà đầu tư chứng khoán bị thiệt hại tài sản nhưng không một lãnh đạo nào của HoSE nhận trách nhiệm, không một lời xin lỗi mà chỉ đưa ra các giải pháp mang tính chắp vá, phi thị trường.
"Mang tiếng là thị trường vốn của quốc gia mà hàng năm trời không khắc phục được tình trạng nghẽn lệnh, giờ còn không cho nhà đầu tư sửa với hủy lệnh, không bằng cái chợ ở quê.
Trần Đạt (nhà đầu tư chứng khoán)
Điệp khúc nghẽn lệnh
Trong phiên giao dịch sáng 9-6, khi các dữ liệu về điểm và thanh khoản bên sàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chạy liên tục, bảng giá sàn HoSE lại tiếp tục bị "đơ", chỉ số VN-Index bị "treo cứng" trong thời gian dài.
Đồ thị của chỉ số VN-Index là những đường ngang, gấp khúc, không phản ánh chính xác biến động của thị trường. Nhà đầu tư không thể nắm được giá giao dịch đang ở bao nhiêu, thị trường đang tăng hay giảm điểm.
Tình trạng bảng giá bị "đơ" tiếp tục diễn ra trong phiên chiều. Trước đó, vào phiên 8-6, giữa lúc thị trường chứng khoán giảm sốc, sắc đỏ bao trùm cả thị trường, cổ phiếu đồng loạt rớt giá, nhà đầu tư lại "mù mịt" không biết chuyện gì đang xảy ra vì bảng giao dịch bị "tê liệt".
Hàng loạt lệnh bán MP (bán bằng mọi giá) bị kích hoạt dồn dập, bán tháo trong hoảng loạn, khiến thị trường lao dốc mạnh, VN-Index chốt phiên "bốc hơi" gần 39 điểm.
Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 1-6, lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam, sàn HoSE thông báo ngừng giao dịch phiên chiều vì... tiền quá nhiều, tổng giá trị giao dịch phiên sáng tại sở đã vượt 21.700 tỉ đồng, với lý do nếu mở phiên chiều sẽ "dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống".
Tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2020, khi số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường nhiều hơn và giá trị giao dịch tại sàn này ngày càng lớn.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 9-6-2020, lỗi hệ thống giao dịch trong phiên ATC trên HoSE ảnh hưởng đến tất cả các lệnh giao dịch liên quan. HoSE phải tạm ngừng giao dịch và hủy đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa phiên này.
Và từ cuối năm 2020 đến nay, khi số lượng nhà đầu tư F0 tăng mạnh với giá trị giao dịch mỗi phiên lên tới hàng tỉ USD, tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE diễn ra như cơm bữa.
Chẳng hạn trong phiên ngày 17-12-2020, nhà đầu tư không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC (giao dịch giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa) đối với các cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Lỗi tương tự cũng diễn ra vào ngày 22-12-2020.
Trong phiên ngày 8-6, bảng điểm tại sàn HoSE liên tục đứng im trong thời gian dài với đồ thị gấp khúc lạ thường, nhưng HoSE không một lời xin lỗi nhà đầu tư - Ảnh: B.MAI
Đổ lỗi cho công nghệ thông tin
Điều gây bức xúc đối với nhiều nhà đầu tư là với hàng loạt sự cố nghẽn lệnh, bảng giá bị treo khiến nhà đầu tư như bị "bịt mắt" khi giao dịch nhưng lãnh đạo HoSE luôn né tránh trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho lý do khách quan.
Chẳng hạn, vào tháng 12-2020, sau khi nhà đầu tư liên tục phản ảnh tình trạng nghẽn lệnh, lãnh đạo HoSE lại khẳng định "hệ thống giao dịch của HoSE diễn ra hoàn toàn bình thường, không ghi nhận bất kỳ lỗi nào liên quan đến các tiến trình trong việc khớp lệnh"!
Trong hơn một năm qua, trước hàng loạt sự cố diễn ra, chỉ một lần HoSE có văn bản chính thức thông tin tổng thể về tình trạng quá tải hệ thống giao dịch và một số giải pháp khắc phục.
Cụ thể, theo giải thích của HoSE, do số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến nên gây ra hiện tượng quá tải hệ thống. Cũng trong văn bản này, lãnh đạo HoSE không một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm với nhà đầu tư.
"Không giải quyết vấn đề nghẽn lệnh cho nhà đầu tư, gây thiệt hại tài sản, tổn hại tâm lý người tham gia thị trường rất lớn. Lãnh đạo vô trách nhiệm, phát biểu vòng vo, bao biện" - anh Hoàng, một nhà đầu tư chứng khoán, bức xúc khi đề cập đến tình trạng liên tục bị nghẽn mạng tại sàn HoSE trong hơn nửa năm qua.
Nhà đầu tư Nguyễn Huy cũng bức xúc cho rằng thị trường chứng khoán VN đã hoạt động hơn 20 năm, phát triển cấp số nhân. Nhưng khi phát sinh rủi ro, đại diện HoSE lại đổ lỗi công nghệ thông tin không đáp ứng được.
Điều này cho thấy năng lực quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch có vấn đề bởi không thể dự báo sự phát triển của thị trường, sự tăng trưởng của quy mô vốn, tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết.
"Các cơ quan này không muốn thị trường lớn lên theo nền kinh tế đất nước hay sao mà lại nói không lường trước được.
Sự quản lý yếu kém này làm trì trệ sự tăng trưởng của thị trường, mất lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, gây thiệt hại gián tiếp nhưng rất lớn đến tài chính của nhà đầu tư", anh Nguyễn Huy nói.
Năng lực quản trị yếu kém
Ngày 4-5 vừa qua, trong một thông cáo được công bố, Bộ Tài chính giải thích rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự quá tải và nghẽn lệnh trong thời gian vừa qua là do thanh khoản thị trường tăng trưởng quá nhanh, trong khi năng lực xử lý của hệ thống giao dịch hiện tại có giới hạn.
Bộ này cũng khẳng định việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết nên đã yêu cầu HoSE và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới - dự án ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) - vào hoạt động.
Dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nhưng bị kéo dài do dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chuyên gia nước ngoài có mặt đầy đủ đúng thời hạn triển khai công việc.
"Trong thời gian chờ hệ thống mới, Bộ Tài chính đã quyết định lựa chọn phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin do Tập đoàn FPT cung cấp. Phương án này hiện đang được gấp rút triển khai, khi hoàn thành sẽ giải quyết được triệt để tình trạng nghẽn lệnh", thông cáo cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, việc FPT tham gia "giải cứu" sàn HoSE không phải do Bộ Tài chính chủ động đề nghị mà tại sự kiện "Đối thoại 2045" ngày 6-3 ở TP.HCM, ông Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT) đã xung phong tham gia, trước khi được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giải quyết nhanh đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân xử lý tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn HoSE.
Trong khi đó, gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" được HoSE ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với KRX từ năm... 2012 đến nay vẫn chưa triển khai xong!
Theo TS Hồ Quốc Tuấn, lãnh đạo ngành chứng khoán luôn đặt mục tiêu tăng số tài khoản, nhà đầu tư tham gia giao dịch, nâng hạng thị trường, nhưng vì sao không nâng cấp hệ thống công nghệ sớm hơn để đón đầu mục tiêu đó? "Quyền lực trong tay Sở Giao dịch và không có sự cạnh tranh đáng kể trong vai trò xử lý thanh toán trung tâm thì HoSE muốn làm gì cũng được", ông Tuấn đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN, khẳng định sự cố nghẽn lệnh chính là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE.
Ông Phạm Hồng Sơn (phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước):
Đầu tháng 7 sẽ chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE
Hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra tình trạng nghẽn lệnh từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Với nhiều giải pháp cấp bách được triển khai như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HoSE và nhất là cải biến kỹ thuật, hệ thống hoạt động khá ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2021, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến, hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn, thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch của HoSE, buộc HoSE phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 1-6 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.
Cùng với việc đổi mới hệ thống hiện tại, HoSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX.
Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.
Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE.
L.THANH
TTO - Ngày 14-6 tới HoSE sẽ bắt đầu thử nghiệm kết nối hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc (KRX) với các công ty chứng khoán thành viên.
Xem thêm: mth.56520218001601202-meihn-hcart-ov-esoh-ot-ut-uad-ahn/nv.ertiout