Thỏa thuận 'chia bánh' thuế doanh nghiệp toàn cầu: Hy vọng mong manh!
Hồ Quốc Tuấn (*)
(KTSG) - Ngày 5-6-2021, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của khối các cường quốc công nghiệp G7 đã nhất trí một thỏa thuận lịch sử về việc đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu.
Các nước G7 cam kết mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15%. |
Thỏa thuận thuế doanh nghiệp lịch sử và nhượng bộ lịch sử của Mỹ
Hai trụ cột của thỏa thuận này là: thứ nhất, thuế suất doanh nghiệp tối thiểu của các nước ở mức 15%; và thứ hai, các công ty “toàn cầu” (global firms) có lợi nhuận biên ít nhất 10% sẽ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh (thay vì ở quốc gia mà họ đặt trụ sở) đối với phần lợi nhuận cao hơn mức 10%.
Nếu đặt trong bối cảnh những câu chuyện tranh chấp thuế thời gian qua, có thể thấy đây là một vấn đề quan trọng của toàn cầu. Lấy ví dụ về tranh tụng giữa Apple với EU về chuyện thuế vẫn chưa ngả ngũ, xung quanh việc Apple có cần trả 13 tỉ euro tiền thuế dưới dạng “hỗ trợ chính phủ” (state aid) mà Ireland cấp cho Apple, khiến công ty này gần như không trả đồng thuế nào ở Ireland.
Một trong những con số gây sửng sốt giới quan sát là cho mỗi một triệu đô la Mỹ lợi nhuận Apple kiếm được từ châu Âu trong năm 2014, công ty này trả... 50 đô la tiền thuế, tương đương thuế suất 0,005%! Hoặc chi nhánh tại Ireland của Microsoft không trả một đồng thuế nào từ lợi nhuận 315 tỉ đô la Mỹ năm ngoái vì chi nhánh này đăng ký ở Bermuda.
Khi chúng ta đối xử quá ưu huệ với nhà đầu tư nước ngoài thì trên bàn đàm phán thuế chúng ta đang có rất ít tiền cược. |
Những đại công ty như Apple, Microsoft kiếm rất nhiều tiền, và được gọi là những ông vua tiền mặt trong số công ty niêm yết ở Mỹ. Họ kiếm tiền ở khắp nơi trên thế giới, nhưng lợi nhuận lại được chuyển về Ireland và Bermuda, nơi họ gần như không đóng đồng thuế nào (đổi lại là sự tăng trưởng đến mức gọi là bong bóng của nền kinh tế Ireland).
Vì vậy không có gì khó hiểu khi nhiều nước mà các công ty như Apple và Microsoft có phát sinh doanh số muốn chia lại miếng bánh này. Kết quả là nảy sinh những tranh chấp giữa Mỹ (cội nguồn và là “trái tim” và “khối óc” của những đại công ty công nghệ này) và các nước khác. Ví dụ, châu Âu muốn đánh “thuế số” (digital tax) nhằm vào các công ty công nghệ (mà phần lớn là công ty Mỹ). Đổi lại, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành một loạt điều tra và áp thuế quan đối với hàng hóa từ châu Âu, châu Á và Nam Mỹ.
Cục diện này thay đổi khi ông Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ và tuyên bố chung vừa rồi được xem là một bước tiến lớn trong một nỗ lực toàn cầu để buộc các công ty đa quốc gia trả nhiều thuế hơn. Đây là một thỏa thuận “chia bánh” thuế toàn cầu có tính lịch sử và phía Mỹ - quốc gia có những công ty toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều trong thỏa thuận đánh thuế này - đã phải nhượng bộ không ít.
Trước hết, Mỹ không đòi mức thuế suất tối thiểu là 21% như trước đây. Hơn nữa, khác với thời ông Donald Trump, Mỹ chấp nhận chia sẻ miếng bánh thuế cho các nước thay vì đòi trừng phạt thương mại và thuế quan để đáp trả việc một số nước châu Âu muốn đánh thuế các công ty công nghệ của Mỹ cho các hoạt động kinh doanh diễn ra ở nước sở tại, dù lợi nhuận thì được chuyển về thiên đường thuế ở Ireland hay Bermuda.
Bộ trưởng tài chính của Anh, Đức, Pháp và Ý đều bày tỏ sự vui mừng với thỏa thuận mới và tin rằng sẽ có một sự gia tăng đáng kể trong tiền thuế thu được. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng đây là “một tin rất tốt cho công lý về thuế và tin xấu cho các thiên đường thuế trên toàn cầu”. Còn Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thì tin rằng “các công ty công nghệ đa quốc gia sẽ phải trả phần thuế hợp lý của họ ở Anh”.
Thế nhưng liệu đây có phải là sự vui mừng quá sớm hay chỉ là sự thổi phồng của các chính trị gia với cái gọi là “chiến thắng” trong cuộc chiến đánh thuế công ty đa quốc gia?
Đường vẫn còn xa và lợi ích về thuế có thể đã được thổi phồng
Trước tiên, nếu các quy định thuế quá ngặt nghèo cho công ty công nghệ, khả năng thỏa thuận này được Quốc hội Mỹ thông qua là rất thấp. Bất kể là người Cộng hòa hay Dân chủ, họ đều có quan hệ rất mật thiết với giới công nghệ của Mỹ, bao gồm cả tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm.
Ngay trong nội bộ EU, con số “chia chác” cũng không đều. Theo ước tính ban đầu của EU Tax Observatory, các công ty đa quốc gia ở EU sẽ phải nộp thêm khoảng 50 tỉ euro, tương đương với mức tăng thuế 15%, trong đó Anh sẽ được chia tới gần 8 tỉ euro. Nhiều nước EU có thể không vui về điều đó.
Tuy nhiên con số của EU Tax Observatory có lẽ đã quá lạc quan. Tờ Financial Times trích một ước tính khác của OECD thì con số thu được thêm có lẽ chỉ 4% (tương đương 84 tỉ đô la Mỹ) trên toàn cầu và phần lớn trong đó do các công ty Mỹ trả.
Trong khi các đối thủ khoe lợi nhuận biên tới 30-50%, Amazon báo lợi nhuận biên chỉ có 7,5%, nên có thể không nộp thêm đồng thuế nào (vì thấp hơn mức “sàn” áp thuế thêm là 10%)! Dù không ai tin vào lợi nhuận biên thấp vô lý của Amazon trong hơn một thập kỷ qua, nó vẫn tồn tại như một bằng chứng cho thấy các công ty đa quốc gia có nhiều cách để lách luật thuế toàn cầu hơn người ta tưởng.
Việt Nam sẽ hưởng lợi?
Cho đến giờ vẫn không biết cụ thể thỏa thuận này sẽ áp dụng rộng rãi đến đâu, có bao gồm Việt Nam hay không. Vì vậy, sẽ là quá sớm để bàn về lợi ích cho Việt Nam.
Ngoài ra, thỏa thuận này phải thông qua nhiều vòng đàm phán nữa, cụ thể là tháng 7 sắp tới ở hội nghị của G20. Cho dù thỏa thuận này được mở rộng hơn ra khỏi G20, không có gì đảm bảo nó có thể vượt qua “cửa” quốc hội ở nhiều nước. Một trong những rào cản lớn nằm ở ngay Quốc hội Mỹ, nơi các đại công ty sẽ “vận động” mạnh để các nghị sĩ đòi có những điều chỉnh hoặc phủ quyết thỏa thuận này.
Tuy nhiên, đây là một gợi ý tốt để Việt Nam có thể đưa ra sáng kiến liên minh thuế với các nước có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam. Ví dụ đàm phán với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan là những nước/vùng lãnh thổ có nhiều tập đoàn đầu tư hoặc hoạt động ở Việt Nam để tránh chuyển giá. Tuy nhiên, cần nhận thấy thực tế rằng thỏa thuận G7 lần này mất gần một thập kỷ thương lượng (từ năm 2013) mới có được một bước tiến lớn, nhưng vẫn còn rất xa đích đến, thì Việt Nam nếu bắt đầu đề xuất những thương lượng này thì thời gian chờ đợi có thể vô cùng xa xôi.
Quan trọng hơn nữa là, trong trường hợp của Việt Nam, nước ta đang ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư nước ngoài, vậy thì họ cần cái gì ở ta để phải ngồi lại nhượng bộ? Các thiên đường thuế như Singapore vì sao phải chấp nhận ngồi lại thương lượng khi ta đã cho họ hầu như tất cả những ưu đãi tốt nhất? Chúng ta còn có thể ưu đãi thêm cái gì nữa để đổi lại một thỏa thuận thuế quan có lợi hơn cho ta? Mỹ nhượng bộ vì họ cần cam kết thuế suất tối thiểu từ các nước lớn khác cũng như việc các nước bỏ đi thuế giao dịch số đã và đang dự định áp dụng. Trong khi đó, Việt Nam ta đang ưu đãi cho người ta quá nhiều thì lấy cái gì để đi thương lượng?
Khi chúng ta đối xử quá ưu huệ với nhà đầu tư nước ngoài thì trên bàn đàm phán thuế chúng ta đang có rất ít tiền cược.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Xem thêm: lmth.hnam-gnom-gnov-yh-uac-naot-peihgn-hnaod-euht-hnab-aihc-nauht-aoht/471713/nv.semitnogiaseht.www