vĐồng tin tức tài chính 365

Những "thiên đường đã mất" sau thỏa thuận chấn động của G7

2021-06-10 10:54

Như thường lệ trong các vấn đề đa phương, Hoa Kỳ là người nắm giữ chìa khóa. Khi Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, tuyên bố vào đầu năm rằng hiện đã đến lúc kết thúc "cuộc chạy đua giảm đáy" thuế doanh nghiệp, nhận xét của bà đã tái khởi động một thỏa thuận toàn cầu nhằm sửa đổi mức thuế mà các công ty đa quốc gia phải trả và trả ở đâu.

Các cuộc thảo luận tập trung vào hai thay đổi chính: phân bổ lại quyền đánh thuế đối với các quốc gia nơi hoạt động kinh tế diễn ra, thay vì nơi các công ty này lựa chọn để làm sổ sách sinh lời; và thiết lập mức thuế tối thiểu trên toàn cầu. Các bộ trưởng tài chính từ nhóm các nước giàu có G7 đã nạp lại năng lượng cho quá trình đàm phán bằng một cú hích lớn tại cuộc họp của họ vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng 6 vừa qua với việc ủng hộ mức thuế tối thiểu "ít nhất là 15%" và phân bổ lại các quyền đánh thuế nhằm đảm bảo các quốc gia "thị trường — tức là những nước nơi các công ty đa quốc gia bán hàng — có được một phần lớn hơn của quyền đánh thuế.

Các quốc gia cũng thể hiện mong muốn xóa bỏ hàng rào xuyên Đại Tây Dương về việc đánh thuế các gã khổng lồ công nghệ (chủ yếu các công ty của Mỹ), cam kết "cung cấp sự phối hợp phù hợp" giữa việc áp dụng các quy tắc thuế quốc tế mới và việc loại bỏ các loại thuế đánh vào các dịch vụ kỹ thuật số mang tính chất trừng phạt, điều mà các nước châu Âu và những nước khác đã sử dụng để đánh vào doanh số của các công ty công nghệ lớn.

Điều này mang lại cho G20 mở rộng, diễn đàn chính cho các cuộc đàm phán quốc tế về thuế, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, nhiều vấn đề để thảo luận. Họ hy vọng sẽ thống nhất các điều khoản ngay sau tháng 7, thúc đẩy khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tham gia vào các cuộc đàm phán. Bộ trưởng tài chính của Đức đã dự đoán một "cuộc cách mạng" về các quy tắc thuế toàn cầu "chỉ trong vài tuần".

Tất cả các cuộc cách mạng đều có kẻ thắng người thua. Trong trường hợp này, những người chiến thắng rõ ràng nhất sẽ là các nền kinh tế lớn, nơi các công ty đa quốc gia bán được nhiều hàng nhưng ghi nhận lợi nhuận chịu thuế tương đối thấp nhờ tận dụng các khu vực pháp lý có thuế suất thấp. Sự không phù hợp này đã phát triển cùng với sự trỗi dậy của những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Google với những tài sản phần lớn là vô hình. Các nước nghèo nơi các công ty đa quốc gia có nhà máy và các hoạt động khác cũng được hưởng lợi, mặc dù không nhiều như họ nghĩ. Những kẻ thua cuộc rõ ràng nhất sẽ là những thiên đường thuế, những nơi đã được hình thành từ hơn nửa thế kỷ trước và ngày càng chiếm lợi thế trong quá trình toàn cầu hóa khiến đồng vốn trở nên bế tắc .

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận rằng khoảng 40% lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia được điều chuyển một cách hữu ý sang các quốc gia có mức thuế suất thấp. Một quan chức tham gia vào các cuộc đàm phán hiện tại cho rằng thỏa thuận đang thành hình có thể "giết chết tất cả các thiên đường thuế". Tuy nhiên, các thiên đường thuế có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, từ những thiên đường không đánh thuế ở các nước khu vực Caribe đến những trung tâm thu thuế thấp ở các nước châu Âu và châu Á. Một số nơi có nhiều thứ để lo ngại hơn.

Thiên đường đã mất

Mọi thứ có vẻ ảm đạm đối với những vùng lãnh thổ có chính sách không đánh thuế, chẳng hạn như Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) và Quần đảo Cayman. Mặc dù các nơi này không kiếm được gì từ các khoản thu thuế doanh nghiệp, nhưng ở các mức độ khác nhau, họ dựa vào các khoản phí thu được từ các chi nhánh của các công ty lớn và một đội ngũ kế toán, luật sư và các nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khác mọc lên tại địa phương để phục vụ các công ty đa quốc gia này. Doanh thu của các doanh nghiệp này chỉ là một con số nhỏ so với các khoản thuế mà các công ty tiết kiệm được, nhưng lại có giá trị rất lớn đối với các nền kinh tế nhỏ như vậy. Các dịch vụ tài chính và doanh nghiệp chiếm hơn 60% nguồn thu của BVI trong năm 2018.

Loại thỏa thuận mà chính quyền Biden đang thúc đẩy (và G7 đã ủng hộ) —gồm việc sẽ áp dụng tỷ lệ áp thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở từng quốc gia, thay vì trên tổng thể — sẽ làm sói món các mô hình kinh doanh của những thiên đường thuế này. Họ đang rất cáu tiết, nhưng họ không thể làm gì được hơn. Một nhà ngoại giao nói rằng các quốc gia này đang trong quá trình bị "vô hiệu hóa", và "không liên quan" đến các cuộc đàm phán đang diễn ra. "Không ai muốn nghe ý kiến từ các quốc gia này." Một số quốc gia ít nhất có các nguồn doanh thu khác: ví dụ như Cayman là cơ sở cho các quỹ đầu cơ, trong khi Bermuda là nơi cho các công ty bảo hiểm.

Các nền kinh tế có kết nối tốt hơn, nơi vốn có truyền thống thân thiện với các nhà hoạch định chính sách thuế doanh nghiệp ít có khả năng bị loại khỏi cuộc chơi. Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, chẳng hạn như Ireland và Síp, đã thu hút đầu tư với mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (cả hai quốc gia này này đều áp mức thuế 12,5%), hoặc, như Luxembourg và Hà Lan đã làm, với các quy tắc khiến họ trở thành những điểm đến hấp dẫn về cơ cấu thuế, giúp các công ty có thể tránh thuế ở các quốc gia khác. Hồng Kông và Singapore cũng được hưởng lợi khi trở thành nơi trung chuyển thuế doanh nghiệp.

Một số lỗ hổng nghiêm trọng hơn thúc đẩy các dòng vốn này đã bị đóng lại trong những năm gần đây, sau một thỏa thuận được môi giới bởi OECD vào năm 2015. Trong số đó là "Double Irish", mang lại lợi nhuận cho các chi nhánh đăng ký tại Ireland nhưng đóng thuế ở Bermuda hoặc Quần đảo Cayman và điều này có thể đã tiết kiệm cho riêng Google hàng chục tỷ đô la trong hơn một thập kỷ.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thứ để mất. Đặc biệt là Ireland, khi mà quốc gia này phải dựa vào mức thuế 12,5% để thu hút đầu tư nước ngoài, phần lớn liên quan đến con người thực, các văn phòng làm việc cũng như nhà máy sản xuất. Thuế doanh nghiệp hiện chiếm một con số kỷ lục lên tới 20% tổng số thu thuế của quốc gia này. Người Ireland đã vận động hành lang với Hoa Kỳ, đồng thời cũng là nguồn đầu tư của quốc gia này, để chống lại sự phân bổ lại quyền đánh thuế và mức thuế tối thiểu cao hơn 12,5%. Bộ trưởng tài chính của Ireland, Paschal Donohoe, đã lập luận rằng các quốc gia nhỏ hơn nên được phép sử dụng chính sách thuế để tạo ra lợi thế về quy mô, vị trí và nguồn lực mà các quốc gia lớn được hưởng.

Ireland có một số quốc gia đồng minh trong EU. Hungary, với mức thuế suất 9%, là một gã ồn ào khi xét trên khia cạnh cạnh tranh thuế. Síp và Malta cũng có nhiều điểm tương đồng, mặc dù các quốc gia này "vui vẻ ngồi ở chiếu dưới so với Ireland". Bên ngoài EU, Singapore và Thụy Sĩ đã cảnh báo rằng mức thuế suất 15% là quá cao. Châu Á sẽ hạnh phúc hơn với mức thuế suất là 10%.

Tuy nhiên, Luxembourg và Hà Lan đã trải qua các cuộc chuyển đổi nhanh chóng. Đại công quốc Luxembourg, đã bị chỉ trích sau vụ rò rỉ vào năm 2014 làm lộ các thỏa thuận thuế quan với hàng chục công ty đa quốc gia, đã thông qua các cải cách nhằm thu hẹp cơ hội đầu cơ dựa trên chênh lệch thuế và tăng tính minh bạch trong phán quyết thuế. Quốc gia gia này cho rằng nó có thể tồn tại với bất kỳ thỏa thuận nào giúp cân bằng lại sân chơi. Chính phủ Hà Lan, bị dư luận chỉ trích về sự dung túng với các mánh khóe về thuế, cũng đang cố gắng bịt các kẽ hở. Hans Vijlbrief, Bộ trưởng Tài chính của Hà Lan cho biết: "Chúng tôi không phải là những người cản trở thỏa thuận. "Mục tiêu của chúng tôi là không còn được nhắc đến với tư cách là các thiên đường thuế".

Điều đó khiến Ireland và các quốc gia khác ở Châu Âu rơi vào tình trạng bị ràng buộc. Về lý thuyết, họ có thể nắm quyền phủ quyết, vì các quyết định về thuế của khối đòi hỏi sự nhất trí. Nhưng điều đó có vẻ khó xảy ra khi mà sự thay đổi đang được các thành viên quan trọng của liên minh Châu Âu cùng như Hoa Kỳ ủng hộ — chưa kể đến khía cạnh chính trị của việc ngăn chặn một thỏa thuận được công chúng coi là cần thiết để buộc các doanh nghiệp lớn phải trả lại phần công bằng cho mình.

Hơn nữa, Mỹ và các nước khác có thể áp thuế tối thiểu đối với các công ty của họ ngay cả khi không có thỏa thuận toàn cầu. Thực sự, Mỹ đã có một phiên bản đánh thuế cho các thu nhập vô hình của các công ty, mặc dù mức thuế chỉ là 10,5%. Một cuộc cách mạng đang xảy ra, và điều này ngăn chặn bất kỳ sự đổ vỡ bất ngờ nào trong các cuộc đàm phán. Và cùng với nó, một kỷ nguyên vàng cho các thiên đường thuế trên thế giới có thể sắp kết thúc.

Tham khảo The Economist

Xem thêm: nhc.42030500101601202-7g-auc-gnod-nahc-nauht-aoht-uas-tam-ad-gnoud-neiht-gnuhn/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những "thiên đường đã mất" sau thỏa thuận chấn động của G7”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools