vĐồng tin tức tài chính 365

Bé trai được 2 lính Mỹ cứu ở biển Phú Quốc: 2 lần ngưng tim và 49 ngày vượt tử thần

2021-06-10 12:40
Bé trai được 2 lính Mỹ cứu ở biển Phú Quốc: 2 lần ngưng tim và 49 ngày vượt tử thần - Ảnh 1.

Gia đình bé H. gặp nạn trong khi đi du lịch đầu năm nay ở phía nam đảo An Thới. Trong ảnh là cảng An Thới (Phú Quốc) - Ảnh: DUY KHÁNH

Nhưng có lẽ hành trình giành giật sự sống của bé trai sau đó sẽ khiến nhiều người rơi lệ hơn.

Nhiều bác sĩ đã nghĩ cậu bé tên H. (sinh năm 2012) không thể sống trong thời gian hôn mê và thở máy. Nhưng như lời người mẹ tâm sự "con đã chọn ở lại cùng ba mẹ và đã kiên cường thoát khỏi vòng tay tử thần suốt 49 ngày".

49 ngày vượt tử thần

Sáng 2-1, sau khi ăn sáng, hai gia đình gồm 7 người đang đi nghỉ Phú Quốc quyết định sẽ đi đảo. Họ thuê một chiếc thuyền du lịch nhỏ hăm hở ra khơi. Thời tiết khoảng 28oC, nhiều gió nhưng dễ chịu cho đến khi tai nạn kinh hoàng xảy ra.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, mẹ bé H. (đang ở TP.HCM) cho biết mọi thứ diễn ra vô cùng nhanh. Trước lúc bị lật, chiếc thuyền khựng lại, nước tràn vào và ngay sau đó thuyền lật. Đa số người lớn trên thuyền đều biết bơi. Mẹ bé H. không biết bơi và được một chiếc thuyền khác, trong số 3-4 chiếc thuyền gần đó tham gia cứu hộ, vớt lên. 

Chồng chị đẩy con út 5 tuổi (em trai H.) lên thuyền. Bé H. biết bơi và có mặc áo phao nhưng có lẽ đã bị vướng ở bên trong khoang thuyền nên không thoát ra được khi thuyền bị lật.

Bé may mắn được hai lính thủy quân lục chiến Mỹ (đang đi du lịch Phú Quốc) cứu sống. Kể từ đó đến ngày 19-2 là đúng 49 ngày H. hôn mê, được điều trị tại bệnh viện ở Phú Quốc và TP.HCM. Trong lúc hôn mê và phải thở máy hoàn toàn trong phòng hồi sức chống độc, không được gặp ba mẹ vì quy định phòng dịch COVID-19 của bệnh viện, H. phải chiến đấu với sốt cao, viêm phổi, co giật, động kinh... 

Tất cả những vấn đề này đều không thắng được nghị lực của cậu bé 9 tuổi.

Trước tai nạn, H. là một cậu bé nhiều năng lượng, hay cười và không ngại khoe chỗ chiếc răng sún đang chờ mọc. Bé thích làm toán, chơi đồ chơi xếp hình Lego, thích đọc truyện. Nhưng kể từ ngày rời khỏi phòng hồi sức, H. vẫn chưa thể mở mắt. Bé không còn phản xạ nuốt nên phải uống sữa, cháo xay xử lý men qua ống xông dạ dày.

Bé thường xuyên bị co giật và bị viêm phổi hành hạ. Bé không thể nói, tay chân không cử động. Nhưng khi nghe giọng mẹ, giọng ba, H. khóc. 49 ngày con chiến đấu với tử thần mỏi mệt. Như ngày H. mới chào đời, tiếng khóc của con cũng là âm thanh tuyệt đẹp đối với ba mẹ em. Đẹp hơn nữa là có lần H. đã mỉm cười với ba mẹ, điều mà các bác sĩ điều trị bất ngờ. 

Từ tháng 3 đến nay, H. đã có thể bập bẹ, ba ba, ma ma. Bé có thể mở mắt, nhìn mờ mờ, xem được TV. Bé có thể ăn cơm (có phản xạ nuốt trở lại), có thể co duỗi chân dù đôi lúc cũng làm sai yêu cầu.

Bây giờ bé đã về nhà để tập vật lý trị liệu. Mẹ của H. đi học vật lý trị liệu theo chương trình riêng cho con để có thể cùng con tập tại nhà khi con vui vẻ, thoải mái. Những khi tập mệt, bé khóc, không chịu tập, ba mẹ phải dỗ dành, âu yếm: "Con giỏi lắm, con có thể làm được. Con cố lên!".

"Vợ chồng tôi thay nhau nằm ngoài hành lang, trước phòng hồi sức để các bác sĩ gọi. Bệnh viện cũng có phòng cho thân nhân nhưng chồng tôi ảnh nói muốn nằm trước cửa phòng để gần con, vì trước giờ thằng bé luôn ngủ cùng ba mẹ. Hi vọng cách nhau bức tường nhưng con có thể cảm nhận được sự có mặt của ba mẹ và vượt qua" - mẹ của H. khóc khi chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Mong gặp ân nhân

Chiều 9-6, sau giấc ngủ trưa khoảng 40 phút, H. thức dậy nhưng nằm yên trên giường. Từ sau vụ tai nạn, H. vẫn thường giật mình khi ngủ nên gia đình cố gắng giữ yên tĩnh để H. có thể ngủ ngon và sâu. Mẹ của bé kể cậu bé đã tiến bộ nhiều lắm so với vài tháng trước đây.

Mẹ bé H. nói việc con trai của chị được cứu sống và hồi phục là rất may mắn và kỳ diệu. Chị nói cái may đầu tiên của bé là có hai người Mỹ, mà mới cách đây vài hôm chị mới biết họ là hai trung sĩ thủy quân lục chiến, biết kỹ năng sơ cứu và có mặt gần nơi thuyền bị nạn.

Cái may thứ hai là rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân của cả ba và mẹ đã cầu nguyện, nhờ cậy mọi bác sĩ để giúp con. Mẹ nghỉ hẳn việc để theo H. ở bệnh viện, còn ba được công ty cho tạm nghỉ dài hạn để đồng hành cùng mẹ. 

"Tôi không sợ hay ghét biển vì sự việc là một tai nạn không ai mong muốn. Trong tai nạn đó, chúng tôi nhận ra tình thân, tình bạn... vì có rất nhiều người đồng hành và chia sẻ khó khăn của gia đình. Chúng tôi giữ năng lượng tích cực cho con và tự nhủ con cần thấy ba mẹ vững vàng, tích cực để con cũng tích cực theo" - mẹ bé H. nói, không kìm được sự xúc động.

Mẹ bé H. chia sẻ người bạn đi cùng thay chị giữ liên lạc với hai ân nhân người Mỹ. Trong những ngày ăn, ngủ tại bệnh viện cùng con, chị không liên lạc với họ và chỉ mới nói chuyện trực tiếp gần đây. Theo lời mẹ bé H., hai lính Mỹ dự kiến trở về Mỹ vào tháng 7 và mong muốn đến thăm bé H. trước khi chia tay Việt Nam vào dịp thuận tiện, có thể khi TP bình yên sau dịch COVID-19.

"Gia đình tôi không thể nào quên sự giúp đỡ của hai anh, những người đã có mặt đúng lúc, đúng chỗ và với kỹ năng sơ cứu đã giúp cứu mạng con tôi. Mặc dù H. bây giờ bị di chứng não nhưng con còn sống là một điều may mắn" - mẹ bé H. chia sẻ.

"Tôi cần giữ cho cậu bé này được sống"

Vụ tai nạn lật thuyền xảy ra hồi đầu tháng 1 năm nay nhưng mới được trang Facebook chính thức của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM chia sẻ ngày 8-6, nhân việc hai binh sĩ được tặng thưởng vì "hành động anh hùng". Hai thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cứu bé H. là trung sĩ Searcy và trung sĩ De Freitas.

Theo lời kể của De Freitas, khi tai nạn xảy ra, trung sĩ Searcy vội nhảy xuống nước phụ tìm kiếm trong khi trung sĩ De Freitas lên mũi tàu và nhìn xung quanh, tìm kiếm dấu vết cậu bé mất tích.

Sau vài phút, một người dân Việt Nam tìm thấy cậu bé. De Freitas lập tức chạy đến thực hiện hô hấp nhân tạo. Viên trung sĩ kể sau khoảng 10 phút, anh bắt đầu kiệt sức và hết hy vọng nhưng tiếng khóc của người mẹ khiến anh bừng tỉnh và tiếp tục.

"Tôi cần giữ cho cậu bé này được sống" - De Freitas kể với Marine Corps Times. Mạch của cậu bé xuất hiện trở lại nhưng yếu ớt. Nạn nhân sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu và may mắn sống sót.

"Đó có lẽ là cảm giác tuyệt vời nhất mà tôi từng có từ trước đến nay" - De Freitas mô tả cảm xúc của mình khi hay tin em bé mà anh cứu vẫn còn sống.

BẢO DUY

Được cứu sống kỳ diệu sau khi ngưng tim 2 lần

trung-si-my

Trung sĩ De Freitas (giữa) chụp ảnh cùng đồng đội sau khi được khen thưởng vì hành động cứu em bé ở Phú Quốc - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM

Khoảng 11h15 ngày 2-1 tại vùng biển phía nam đảo An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xảy ra một vụ tai nạn lật canô chở một gia đình khách đi du lịch do gặp xoáy nước chảy xiết.

Riêng cháu H. (9 tuổi) bị mắc kẹt trong lòng canô lật úp nhiều phút, nên khi được đưa ra khỏi canô thì cháu hầu như đã ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, cháu được 2 người đàn ông nước ngoài (PV - lính thủy quân lục chiến ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM) sơ cứu, hô hấp nhân tạo.

Bằng sự nỗ lực sơ cứu của 2 du khách, cháu H. có dấu hiệu sinh tồn và được chính canô chở 2 du khách đưa vào bờ.

Ông Nguyễn Lẫy, một ngư dân có kinh nghiệm 30 năm đi biển, cho biết: "Lúc cháu được đưa lên bờ, tôi cũng có mặt ở đó. Từng gặp nhiều ca đuối nước và sau này nghe kể cháu bị mắc kẹt dưới biển nhiều phút, tôi nghĩ cháu bé khó vượt qua được. Nay hay tin cháu được cứu sống, tôi nghĩ tất cả là nhờ vào sự nỗ lực sơ cứu ban đầu của 2 người nước ngoài".

Sau đó bé H. được đưa đến điều trị tại Trung tâm Y tế TP Phú Quốc 2 ngày. Đến sáng 4-1, bé được chuyển đến Bệnh viện Vinmec Phú Quốc. Theo lời kể của bác sĩ, bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất ý thức, mạch không có, đồng tử giãn 4mm, phản xạ ánh sáng rất yếu do bệnh quá nặng. Sau đó bé được cấp cứu ngừng tim thành công.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hồ Thị Hồng Tho - người trực tiếp điều trị cho cháu H. trong suốt quá trình ở Bệnh viện Vinmec - cho biết: "Khi đó chúng tôi gặp 3 vấn đề thách thức. Một là bệnh nhân chìm trong nước mặn quá lâu, lại ngưng tim 2 lần nên tiên lượng rất nặng. Hai là do thiếu oxy não kéo dài nên nguy cơ tổn thương não không hồi phục là chắc chắn. Cuối cùng là phổi tổn thương rất nặng. Vấn đề then chốt là cứu được sự sống của bé nhưng cố gắng đảm bảo tổn thương não ít nhất".

Bác sĩ Tho cho biết với sự giúp đỡ của các chuyên khoa đầu ngành trong hệ thống Bệnh viện Vinmec và Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec Phú Quốc đã cho bé thở máy cho các bệnh nhân đuối nước, dẫn lưu màng phổi liên tục điều trị tràn khí màng phổi, hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ tế bào não, đảm bảo tưới máu não tốt nhất, kháng sinh, chống phù não, đảm bảo huyết áp, dinh dưỡng hỗ trợ.

"Thật may mắn sau 4 giờ điều trị, các chỉ số lâm sàng bé tốt dần, huyết áp kiểm soát được, cắt vận mạch hoàn toàn sau 6 giờ" - bác sĩ Tho kể và cho biết bé H. được chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM ngày 5-1.

DUY KHÁNH

Phú Quốc xem xét khen thưởng 2 lính Mỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-6, ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết việc 2 du khách Mỹ cứu 1 canô chở du khách, trong đó có 1 bé 9 tuổi ở Hòn Đụng (phường An Thới, Phú Quốc) là rất đáng trân trọng.

"Việc 2 du khách Mỹ cứu người tuy cơ quan chức năng không nắm được nhưng qua thông tin báo chí thì tôi thấy đây là hành động dũng cảm, không phải ai cũng làm được" - ông Thái nhấn mạnh.

"Ngành du lịch sẽ bàn với chính quyền TP Phú Quốc khen thưởng 2 du khách này vì có hành động đẹp cứu sống người gặp nạn" - ông Thái nói và cho biết thêm trên thực tế du khách quốc tế tới Phú Quốc vẫn làm nhiều việc tốt, lan tỏa ra cộng đồng, chẳng hạn như nhặt rác thải nhựa dưới bãi biển...

KHOA NAM

Hai thủy quân lục chiến Mỹ cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống biển Phú QuốcHai thủy quân lục chiến Mỹ cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống biển Phú Quốc

TTO - Trong lúc đang tham quan biển Phú Quốc, hai trung sĩ thủy quân lục chiến của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM phát hiện một chiếc thuyền bị lật. Cả hai vội vàng ứng cứu và hô hấp nhân tạo một bé trai 10 tuổi bị bất tỉnh.

Xem thêm: mth.92191139001601202-naht-ut-touv-yagn-94-av-mit-gnugn-nal-2-couq-uhp-neib-o-uuc-ym-hnil-2-coud-iart-eb/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bé trai được 2 lính Mỹ cứu ở biển Phú Quốc: 2 lần ngưng tim và 49 ngày vượt tử thần”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools