Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã tới hạt Cornwall (tây nam đảo Anh) để chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, tạp chí Forbes đưa tin.
Sau khi có bài phát biểu đầu tiên tại căn cứ không quân Mildenhall (miền đông Anh) vào đêm 9-6 (giờ địa phương), ông Biden và phu nhân đã lên chuyên cơ tới Cornwall. Máy bay hạ cánh tại sân bay Newquay sau nửa đêm 10-6, giờ địa phương (tức sáng cùng ngày, giờ Việt Nam) dù trời có sương mù dày đặt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tại sân bay Newquay (Anh). Ảnh: THE TIMES
Lịch trình của ông Biden trong 8 ngày ở châu Âu
Theo tờ Daily Mail, ông Biden sẽ hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10-6 tại lâu đài St. Michael’s Mount nằm trên hòn đảo nhỏ sát bờ biển phía nam Cornwall.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 11-6 tới ngày 13-6 tại Vịnh Carbis (cùng thuộc hạt Cornwall). Khi di chuyển giữa Newquay, St. Michael’s Mount và Vịnh Carbis, ông Biden và phu nhân sẽ sử dụng chuyên cơ trực thăng mà lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã điều tới Anh từ vài ngày trước.
Sau đó, ông Biden sẽ diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth ở cung điện Windsor (gần thủ đô London) vào ngày 13-6. Tối cùng ngày, ông Biden và phu nhân sẽ lên chuyên cơ để tới TP Brussels (Bỉ).
Tổng thống Mỹ sẽ tham gia cuộc họp của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bỉ trong hai ngày trước khi tới TP Geneva (Thụy Sĩ) vào đêm 15-6.
Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh ở sân bay Newquay (Anh) trong điều kiện sương mù dày đặt. Ảnh: USA TODAY
Ngày 16-6, ông Biden sẽ hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo hãng tin Reuters, cuộc gặp này sẽ diễn ra tại biệt thự Villa La Grange bên hồ Geneva.
Các lãnh đạo G7 sẽ thảo luận những gì?
Ngoài sự tham dự của ông Biden và ông Johnson, hội nghị G7 năm 2021 sẽ quy tụ lãnh đạo của năm nước thành viên khác của nhóm. Đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đây sẽ là lần cuối cùng bà Merkel họp cùng lãnh đạo sáu nước còn lại trong nhóm, trong khi đó đây là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên của ông Suga.
Nước chủ nhà Anh cũng mời lãnh đạo của các đối tác là Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và Nam Phi, cũng như đại diện của Liên minh châu Âu (EU), tới dự hội nghị. Trong đó, Thủ tướng Ấn Độ không thể tham gia trực tiếp mà sẽ dự họp qua kết nối trực tuyến.
Lãnh đạo hạt Cornwall (ngoài cùng bên trái) và Đại biện lâm thời Mỹ tại Anh, bà Yael Lempert (thứ hai bên trái) đón Tổng thống Joe Biden tại sân bay Newquay (Anh). Ảnh: AFP
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch là mối quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo G7. Kế hoạch phân phối vaccine toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển hơn tiếp cận được “hàng hóa y tế công cộng” này có thể sẽ chiếm nhiều thời gian thảo luận của bảy nhà lãnh đạo.
Môi trường và biến đổi khí hậu cũng nằm trong nhóm vấn đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021.
Cornwall đặt mục tiêu tổ chức một thượng đỉnh G7 “xanh” với mức phát thải khí CO2 là 0 bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như trồng nhiều cây xanh và thực hiện nhiều dự án khác để hấp thụ tối đa lượng CO2 thải ra trong thời gian hội nghị.
Sửa đổi quy định về thuế quan nhằm hướng tới một thỏa thuận ngăn chặn các công ty đa quốc gia lách thuế, trốn thuế cũng được cho sẽ nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G7 năm 2021. Các nước G7 kỳ vọng đạt được một thỏa thuận lịch sử có thể định hình lại thương mại toàn cầu góp phần giúp kinh tế toàn cầu hồi phục tốt hơn.
Trông chờ điều gì sau chuyến công du của ông Biden
Trong chuyến thăm châu Âu đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, ông Biden dự kiến sẽ tập trung khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, tái khẳng định sự ủng hộ đối với NATO, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và bảo vệ các giá trị phương Tây, theo đài ABC News.
Trước khi tới Newquay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tới căn cứ không quân Mildenhall (Anh). Ảnh: AP
Chuyến công du diễn ra giữa lúc thế giới đối mặt với nhiều thách thức như đại dịch COVID-19, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc, cũng như nguy cơ từ biến đổi khí hậu - chủ đề mới trở lại chương trình nghị sự của Washington kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Hôm 8-6, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nhấn mạnh sự kỳ vọng của ông Biden vào chuyến công du tám ngày này khi nói rằng ông Biden “đã sẵn sàng (gặp các lãnh đạo thế giới, kể cả ông Putin) trong tận 50 năm”.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Johnson, ông Biden nhiều khả năng sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về “mối quan hệ đặc biệt” xuyên Đại Tây Dương giữa Washington và London mà Nhà Trắng coi là một trọng tâm.
Sự kiện được mong đợi nhất trong một tuần tới chính là cuộc gặp của ông Biden và ông Putin. Mỹ luôn tuyên bố muốn xây dựng mối quan hệ “ổn định và có thể dự đoán”, thay vì tìm kiếm xung đột với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước lực lượng Mỹ tại căn cứ không quân Mildenhall (Anh) vào chiều tối 9-6 (giờ địa phương). Ảnh: REUTERS
Các vấn đề sẽ được lãnh đạo Nhà Trắng và Điện Kremlin thảo luận có thể xoay quanh chủ đề ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và ở chiều ngược lại là cáo buộc Mỹ can thiệp vào nội trị của Nga và các đồng minh của Moscow. Chiến sự ở Ukraine và bất ổn ở Belarus cũng được cho là sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều tỏ ý không đặt mục tiêu lớn cho cuộc gặp sắp tới. Tổng thống Nga Putin nói rằng Moscow “không trông chờ bất kỳ điều gì có thể trở thành bước đột phá trong quan hệ Nga-Mỹ”. Tương tự, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Nhà Trắng không kỳ vọng nhiều, đồng thời tiết lộ rằng chuyện có tổ chức họp báo chung sau cuộc gặp hay không vẫn chưa được thống nhất.