Sau nhiều lần trì hoãn, hôm 7/6 vừa qua, Tập đoàn KIDO đã chính thức ra mắt doanh nghiệp mới của mình – chuỗi F&B tên Chuk Chuk. Kế hoạch phát triển của Chuk Chuk như sau: có 58 cửa hàng vào cuối năm 2021, 120 cửa hàng vào năm 2022, 189 cửa hàng vào năm 2023, 358 cửa hàng vào năm 2024 và 1.000 cửa hàng vào năm 2025.
So với nhiều chuỗi F&B mới ra mắt gần đây như E-Coffee của Trung Nguyên hay Ông Bầu, thì chiến lược mở rộng thị phần của Chuk Chuk khá chậm rãi và chắc chắn. Nhưng, điều đó vẫn không thể ngăn được những ánh mắt nghi ngờ của giới chuyên môn và báo giới. Mặc dù thị trường F&B vẫn còn dư địa để phát triển – nhất là ở những thành phố nhỏ và tỉnh lẻ, song hiện đang có quá nhiều ‘vận động viên’ tham gia cuộc đua này.
THAM VỌNG DẪN ĐẦU CỦA CHUK CHUK CÓ XA TẦM VỚI?
Nhìn một vòng tại TP. HCM, chúng ta sẽ thấy hằng hà sa số chuỗi F&B đang cạnh tranh khốc liệt để chinh phục thị trường 9 triệu dân ở đây: Starbucks, The Coffee House, Phúc Long, Highlands, Guta, Passio, Ông Bầu, E-Coffee, Trung Nguyên Legend, Milano ….; và một vài chuỗi nhỏ hơn như Katinat Saigon Kafe, Là Việt, Wayne’s Coffee, King Coffee hay mới nhất là Café Amazon đến từ Thái Lan.
Gần đây, Vinamilk và Nestlé cũng rục rịch tính mở chuỗi cà phê, song vì họ chưa có động thái ‘hưng sư động chúng’ cụ thể, nên chúng ta cũng không biết cuối cùng thì họ sẽ mở vài quán cho vui hay làm chuỗi lớn như The Coffee House hay Ông Bầu.
Mới đây, có không ít chuỗi F&B đã ‘bay màu’ như Soya Garden hay trước đó là Gloria Jean's Coffees, The Kafe, Caffé Bene. Chuỗi Coffee Bean & Tea Leaf thì đang sống lay lắt.
Highlands Coffee đang là chuỗi F&B có nhiều cửa hàng nhất tại Việt Nam.
Highlands Coffee đang là chuỗi F&B có nhiều cửa hàng nhất tại Việt Nam với gần 400 cửa hàng tính đến cuối năm 2021. Highlands Coffee ra đời năm 2002 và bắt đầu nhượng quyền trên diện rộng trong khoảng 5 năm trở lại đây. Khi ra mắt vào tháng 8/2019, E-Coffee đưa ra mục tiêu có 3.000 cửa hàng vào năm 2020, nhưng đến thời điểm hiện tại – tháng 6/2021, họ mới có 500 quán. Cà phê Ông Bầu khi ra mắt và đầu năm 2020 cũng đặt mục tiêu có 10.000 quán vào năm 2022, nhưng hiện tại họ mới có 250 điểm bán trên 24 tỉnh thành.
Về phần KIDO, để chứng minh rằng mục tiêu 1.000 cửa hàng Chuk Chuk vào năm 2025 của mình là không viễn vông, CEO Tập đoàn KIDO đưa ra 3 luận điểm: mô hình kem – cà phê - trà độc nhất vô nhị, hương vị - màu sắc đồ ăn và thức uống bám sát khách hàng mục tiêu và phí nhượng quyền rẻ nhất nhì thị trường cộng hệ thống phân phối rộng lớp của công ty mẹ.
Theo ông Phạm Cao Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc điều hành Chuk Chuk, thì thị trường F&B Việt Nam vẫn còn rất giàu tiềm năng, đủ để họ khai thác. Theo nghiên cứu, 20% ngân sách chi tiêu hàng tháng của các hộ gia đình Việt Nam là dành cho việc ăn uống.
Thị trường F&B không cồn được dự báo sẽ tăng trưởng 11,6% trong giai đoàn 2018-2021 và đạt giá trị 40 tỷ USD vào năm 2021 theo Business Monitor. So với các ngành khác, con số này gần bằng tốc độ tăng của đồ uống có cồn và thuốc lá – khoảng 11,7% và cao hơn ngành sữa – 9%. Với 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả vào năm 2020 (tương đương ¼ dân số), thị trường tiêu dùng Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới theo Boston Consulting Group.
Vậy nên, Chuk Chuk mạnh dạn đặt mục tiêu tham vọng như sau: có 58 cửa hàng vào cuối năm 2021. Năm 2022 sẽ mở rộng cửa hàng lên con số 120, chuyển đổi các cửa hàng đã thành công thành chuỗi cửa hàng phát triển bền vững và bắt đầu tính tới chuyện nhượng quyền. Năm 2023, sẽ đầu tư lên 189 cửa hàng, Chuk Chuk bắt đầu phát triển thương hiệu dể dẫn đầu ngành và chiếm lĩnh thị phần, với thực phẩm chất lượng vượt trội.
Năm 2024, quy mô cửa hàng lên con số 358, mở rộng phân khúc khách hàng, nâng cấp quy mô xưởng sản xuất và tích hợp chuỗi giá trị giao đồ ăn – thức uống, tập trung khuyến mãi cho khách hàng trung thành. Đến năm 2025,
Chuk Chuk nhượng quyền trong lãnh thổ Việt Nam và quốc tế, phục vụ trên 25 triệu khách hàng, niêm yết trên sàn chứng khoán; lúc này, với 1.000 cửa hàng, Chuk Chuk có thể dẫn đầu thị trường ngành đồ uống.
Concept cửa hàng - outlet của Chuk Chuk.
Phương hướng mở rộng địa bàn: năm 2021 - Chuk Chuk sẽ tập trung vào TP. HCM; 2022-2023 mở rộng đến Hà Nội, các thành phố trực thuộc Trung Ương và các thành phố trọng điểm như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn…; từ năm 2024-2025, phủ khắp toàn quốc đi đến những thành phố cấp 3 như Bình Dương, Biên Hòa – Đồng Nai, Huế, Cà Mau, Ban Mê Thuộc, sóc trăng.
Trong năm 2021, doanh thu của Chuk Chuk khoảng 141 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 1.200 tỷ đồng và năm 2025 đạt 7.800 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2025, 75% cửa hàng của Chuk Chuk sẽ nằm ở TP. HCM và Hà Nội, 20% nằm ở thành phố cấp 1- 2, 5% ở thành phố cấp 3.
Chuk Chuk có 3 concept để họ tự đầu tư và nhượng quyền: cửa hàng outlet với diện tích vào khoảng 100m2 đến 120m2, kiosk khoảng 20m2 và xe đẩy khoảng 3m2.
Nhìn vào con số cửa hàng của E-Coffee và Ông Bầu cho tới thời điểm này, dù có cấp tập đầu tư và nhượng quyền đi nữa, thì nhiều nhất, mỗi năm các chuỗi F&B chỉ có thể mở được 250 cửa hàng. Nếu không tính năm 2021, thì mỗi năm trung bình Chuk Chuk cũng phải mở được khoảng 250 cửa hàng thì mới đạt con số 1.000 vào năm 2025.
CỰU VƯƠNG BÁNH KẸO TỰ TIN VỚI PHÍ NHƯỢNG QUYỀN RẺ VÀ MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI MẠNH
Là người đi sau, Chuk Chuk vừa có nhiều bất lợi song cũng lắm lợi thế. Bất lợi rõ ràng nhất mà chúng ta có thể thấy, là họ có quá nhiều đối thủ nặng ký. Lợi thế lớn nhất là có thể tránh được ‘vết xe đổ’ và học tập những cái hay cái tốt của người đi trước.
Trong buổi ra mắt thương hiệu Chuk Chuk, theo chia sẻ của ông Trần Lệ Nguyên – CEO của Tập đoàn KIDO, tân binh này có 3 lợi thế cạnh tranh mà không phải chuỗi F&B nào trên thị trường cũng có.
Đầu tiên, đó là mô hình kết hợp cà phê – kem – trà độc đáo. Nhìn sơ trên thị trường, quả là không chuỗi F&B nào chọn cả 3 làm sản phẩm chủ đạo. Ví dụ: Startbucks hay Highlands có thức uống chủ đạo là cà phê và các loại nước uống pha chế, Phúc Long và The Coffee House đang chạy song song cả cà phê lẫn trà sữa, một vài chuỗi cà phê cao cấp có bán thêm kem chứ rất ít khi bán cả trà sữa.
Trên thị trường F&B, không phải là không có những cửa hàng tập trung đồng thời cả 3 mặt hàng này, nhưng chỉ là những cửa hàng nhỏ lẻ và chưa có thương hiệu.
Thứ hai, hương vị - màu sắc đồ ăn và thức uống của Chuk Chuk sẽ bám sát khách hàng mục tiêu. Khách hàng mục tiêu Chuk Chuk sẽ có 2 loại: gia đình trẻ và thanh niên Gen Z. Với gia đình trẻ, việc có tới 3 sản phẩm chủ lực là cà phê – kem – trà sữa sẽ thỏa mãn được nhu cầu của cả cha – con – mẹ. Với Gen Z, ngoài chất lượng thức uống, họ còn quan tâm đến trang trí và sự sáng tạo, nhằm có những bức ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội.
"Đầu tiên, phải nói ngay rằng, thức ăn – đồ uống được phục vụ trong các cửa hàng của Chuk Chuk là sản phẩm cao cấp được KIDO sáng tạo riêng cho chuỗi; chứ chúng tôi không mang sản phẩm mass đang lưu hành trên thị trường vào cửa hàng. Các sản phẩm mass đóng chai/lon hợp tác giữa KIDO và Vinamilk cũng sẽ không có mặt ở đây.
Trần Tuyết Vân – Tổng Giám đốc Chuk Chuk đang phát hiểu.
Cụ thể, tất cả sản phẩm của Chuk Chuk đều sản xuất trong nước, tại các nhà máy của KIDO và dùng nông sản như trà – cà phê tốt nhất Việt Nam. Thế nên, dù sản phẩm của Chuk Chuk có giá thành trung cấp (từ 29.000 đến 39.000 ngàn), song chất lượng cao cấp.
Ngoài chất lượng, chúng tôi còn chú trọng đến hương vị và màu sắc. Về trà sữa: chúng tôi sẽ pha chế - sáng tạo làm sao phù hợp với khẩu vị của người Việt nhất. Hiện tại, trên thị trường, hầu hết chuỗi trà sữa lớn – cao cấp đều du nhập từ Đài Loan. Vị của trà sữa Chuk Chuk sẽ vừa thú vị vừa gần gũi với truyền thống Việt.
Về cà phê, chúng tôi cũng đã suy nghĩ nhiều, để làm sao sáng tạo ra những loại cà phê có hương vị mới mẻ, hấp dẫn, hợp xu hướng nhất có thể", chị Trần Tuyết Vân – Tổng Giám đốc Chuk Chuk, con gái ông Trần Lệ Nguyên cho hay.
Làm rõ hơn vấn đề, ông Trần Lệ Nguyên lấy ví dụ: Chuk Chuk sẽ có loại cà phê đã tách caffein – dành cho những bạn trẻ Gen Z, dù thích hương vị cà phê nhưng lại không thoải mái khi hấp thụ caffein (bị buồn nôn – mất ngủ - run rẩy…).
Cuối cùng, Chuk Chuk có phí nhượng quyền rẻ nhất nhì thị trường, cộng hệ thống phân phối rộng lớp của công ty mẹ.
Theo kế hoạch, giá nhượng quyền concept cửa hàng của Chuk Chuk vào khoảng 1 tỷ đồng còn kioks khoảng 200 triệu đồng. Theo khảo sát của ông Trần Lệ Nguyên, đây là mức giá gần như thấp nhất thị trường – với nhiều thương hiệu F&B khác, nhượng quyền cửa hàng trên 100m2 có giá tầm 3 đến 4 tỷ đồng.
Trừ concept cửa hàng, thì 2 con concept kioks và xe đẩy có triển vọng sáng sủa, nếu nhìn vào hệ thống phân phối của KIDO. Hiện KIDO có mạng lưới phân phối khổng lồ gồm 450.000 điểm bán ngành hàng khô và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh. Việc biến một cửa hàng tạp hóa thành kioks Chuk Chuk hay thay tủ kem KIDO bằng 1 xe đẩy Chuk Chuk là hoàn toàn khả thi.
"Chúng tôi đã thử nghiệm Chuk Chuk trong hơn 1 năm qua. Kết quả vô cùng khả quan và đây là một mô hình kinh doanh hiệu quả, bởi trong năm đầu tiên đã có lãi. Đây là điều rất hiếm chuỗi F&B làm được.
Chúng tôi cũng vừa ký kết hợp đồng thuê mặt bằng mười mấy điểm tại quận 1. Nhờ Covid-19, hiện tại giá mặt bằng ở quận trung tâm này chỉ còn ½ so với trước kia, giúp chi phí thuê mặt bằng của Chuk Chuk thấp hơn các chuỗi F&B khác. Hơn nữa, nhiều chủ nhà khi biết về Chuk Chuk, cũng muốn hợp tác đi đường dài – ít nhất là trong 3 năm đầu tiên. Với Chuk Chuk, quả là ‘trong nguy có cơ’", CEO Tập đoàn KIDO kết luận.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị