Dự báo nền kinh tế Việt Nam vượt qua thử thách của dịch bệnh COVID-19 với nhiều điểm sáng tăng trưởng đáng khích lệ trong nửa đầu năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư, doanh nghiệp thành lập mới đều tăng
Theo các chuyên gia kinh tế, “điểm sáng” đầu tiên đáng ghi nhận là mức tăng trưởng xuất khẩu trong thử thách của dịch bệnh COVID-19. Mặc dù chưa có kết quả của 6 tháng, nhưng thống kê số liệu 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỉ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỉ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 63,8%.
Nhóm hàng điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỉ USD, tăng 26%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỉ USD, tăng 74,8%; hàng dệt may đạt 12,2 tỉ USD, tăng 15%; giày dép đạt 8,5 tỉ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỉ USD, tăng 61,3%...
Đặc biệt, ngành dệt may, da giày trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường này đến quý III/2021, bởi nhu cầu mua sắm mặt hàng quần áo, giày dép của người tiêu dùng Mỹ và Châu Âu đã tăng đáng kể.
Điểm sáng thứ hai cần nói đến mức thu hút đầu tư. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đã tăng, sức chịu đựng, thích nghi của doanh nghiệp cũng tăng mạnh trong tình hình mới. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước đạt 133,4 nghìn tỉ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê sơ bộ (chỉ tính con số đến 20.5), tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỉ USD, tuy giảm 49,4% về số dự án nhưng tăng 18,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước...
Mạnh tay với các dự án kém hiệu quả, tạo đà cho tăng trưởng cuối năm
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá về những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế gần nửa đầu năm 2021 sẽ tạo đà cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm nay.
“So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, hoạt động bán lẻ hàng hoá dịch vụ, vốn đầu tư… đều tăng trưởng khá, lạm phát trong tầm kiểm soát” – TS Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), một điểm sáng nữa cần tính đến là nền tảng thương mại điện tử đã được cũng cố và phát triển trong gần 6 tháng qua, hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, thương mại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài.
Để đạt các mục tiêu kinh tế năm 2021, theo Chỉ đạo của Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng;
Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công…